Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ủng hộ trao thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng, phân khu chức năng về cho TP.HCM theo trình tự của Thủ tướng quy định.
Chiều 13.10, tại buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với UBND TP.HCM, nhiều ý kiến đồng tình với việc cho TP.HCM thí điểm các cơ chế mới vượt trội, phù hợp với điều kiện đặc thù.
Rà soát quy hoạch, xóa quy hoạch treo
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị TP.HCM tập trung cho công tác quy hoạch để khai thác tốt các tiềm năng, nguồn lực về đất đai, vị trí, điều kiện tự nhiên, con người. Hiện TP.HCM đang tập trung cho công tác điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chung xây dựng TP.Thủ Đức, lập quy hoạch phân khu Khu đô thị Tây Bắc.
Ông Nghị đề nghị TP.HCM cần quan tâm thêm về quy hoạch không gian ngầm, đồng thời đánh giá nếu làm tốt 4 quy hoạch này thì sẽ khai thác tốt nguồn lực, khắc phục các hạn chế bất cập về ùn tắc giao thông, ngập úng, thích ứng biến đổi khí hậu…
Khu đô thị Tây Bắc (H.Hóc Môn và H.Củ Chi) bị treo 20 năm khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ủng hộ những gì chưa có trong quy định pháp luật thì cho phép TP.HCM thí điểm, sau đó đánh giá để xây dựng thành quy định chung cho cả nước. Đơn cử như thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng, phân khu chức năng trên địa bàn TP.HCM hiện thuộc thẩm quyền Thủ tướng.
Bộ Xây dựng ủng hộ phân cấp về cho TP.HCM thực hiện thẩm quyền này theo quy trình do Thủ tướng quy định. “Hiện Nghị quyết 54 không có nội dung này, nếu được phân cấp sẽ tạo sự chủ động cho TP.HCM trong công tác quy hoạch, kịp thời phục vụ cho đầu tư phát triển”, ông Nghị nói.
Hiện TP.HCM có khoảng 600 đồ án quy hoạch. Ông Nguyễn Thanh Nghị cũng đề nghị rà soát xem những quy hoạch không khả thi để điều chỉnh và khai thác tốt hơn, xóa quy hoạch treo. Theo quy định, 5 năm phải rà soát quy hoạch phân và 3 năm phải rà soát quy hoạch chi tiết.
Tăng tỷ lệ điều tiết, ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ
Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 đề xuất tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại TP.HCM ổn định mức 21% đến năm 2025. Tuy nhiên, ông Quân đề xuất nâng lên 23% giai đoạn 2023 – 2025 và nâng lên 26 trở đi là 25%. Tỷ lệ 2% tăng thêm đề nghị dùng để đầu tư cho khoa học công nghệ.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM dẫn chứng TP.Thượng Hải (Trung Quốc), riêng đầu tư cho KHCN từ ngân sách đã hơn 4%. “Muốn trở thành trung tâm KHCN, trung tâm tài chính thế giới thì phải đầu tư, và phải đầu tư phải lâu dài chứ không phải có kết quả ngay”, ông Quân nói.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân phát biểu tại buổi làm việc |
Thống kê của Sở KH-CN, 10 năm qua TP.HCM chi 16.000 tỉ đồng cho KHCN, cả bộ máy, lương, trung bình 1 năm là 1.600 tỉ đồng. Với nguồn đầu tư còn khiêm tốn đó, TP.HCM thiếu hẳn công trình nghiên cứu, thành quả KHCN, chưa có trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực.
“Cần đầu tư TP.HCM thành trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia, từ đó mới lan tỏa được tinh thần khởi nghiệp, ứng dụng phát triển KHCN”, ông Quân nói, và cho biết Đại học Quốc gia TP.HCM với quy mô, tiềm lực, đất đai hiện có sẽ sẵn sàng là một điểm trong chuỗi trung tâm đổi mới sáng tạo của TP.HCM.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết TP.HCM được Trung ương cho nhiều cơ chế đặc thù để phát triển nhanh, mạnh, bền vững nhưng dù có cơ chế nào đi nữa thì TP.HCM vẫn kêu và vẫn thấy chật chội. “Tôi thấy có cái mình kêu được cho thì cũng mừng, nhưng có cái kêu hoài mà không cho thì theo tôi không kêu nữa, mà kêu cái khác”, ông Trí nói.
Có thời gian dài công tác ở TP.HCM, ông Trí cho biết TP.HCM chủ yếu cần thêm cơ chế, chính sách để phát huy tiềm năng sẵn có. Trong bối cảnh mới, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị TP.HCM cần huy động nguồn lực xã hội, cái gì xã hội làm được thì để xã hội làm, đồng thời nhấn mạnh xã hội hóa là biện pháp phù hợp nhất trong điều kiện phải xếp hàng chờ ngân sách.
Nguồn: thanhnien.vn