Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, khi tới các cửa hàng xăng dầu, chen vô bên trong rất khó. Nhưng có rất nhiều xe, khi nhìn đồng hồ xăng, còn tới nửa bình hoặc 2/3 bình cũng chen vào đổ.
“Không có dấu hiệu găm hàng”
Tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế – xã hội vào chiều nay (13.10), PV đặt câu hỏi cho Sở Công thương TP.HCM rằng các ngành chức năng nói nguồn cung xăng dầu không thiếu, nhưng các cửa hàng lại đóng cửa vì hết xăng.
Về việc này, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, những ngày qua, tất cả 550 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn đều có lực lượng quản lý thị trường theo dõi chặt chẽ 24/24. Lực lượng chức năng cũng kiểm tra các cửa hàng đóng cửa có giấy chấp thuận của Sở Công thương TP.HCM theo quy định hay không. Nếu cửa hàng không có sự chấp thuận hoặc cửa hàng không bán xăng dù nguồn dự trữ còn sẽ bị xử lý theo quy định. “Không có dấu hiệu găm hàng”, ông Phương nói.
Không nên dự trữ xăng dầu
Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM lý giải, đa số cây xăng hết hàng vài ngày qua là của tư nhân, bán lẻ, nhất là ở vùng ven. Họ thường nhận hàng của các nhà phân phối. Họ không đầu tư xe vận chuyển, không có kho dự trữ… nên khi hết hàng phải chờ nhà cung cấp. Trường hợp hết xăng trong giờ cao điểm, họ buộc phải ngưng bán do xe bồn không được vận chuyển trong giờ cao điểm.
Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương thông tin về tình hình xăng dầu tại TP.HCM trong buổi họp báo chiều 13.10 |
Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có quy mô lớn, tiềm lực, ngoài chuỗi cung ứng còn có hệ thống đại lý, các đơn vị nhượng quyền, hệ thống kho bãi dự trữ, phương tiện vận chuyển… nên nếu lỡ nhu cầu tăng lên dẫn đến một số cửa hàng bị cạn kiệt thì sẽ có sự chia sẻ với nhau.
“Tính đến chiều nay, số lượng các cửa hàng gián đoạn cung ứng xăng dầu đã giảm còn một nửa so với ngày hôm qua. Qua theo dõi, số lượng người đang đổ xăng tại các cửa hàng giảm rất nhiều, không còn tình trạng xếp hàng nữa”, ông Phương cho biết.
Chia sẻ với báo chí, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cũng cho hay: “Chúng tôi cũng có đi theo dõi trong thời gian sức mua tăng cao. Tới các cửa hàng xăng dầu, thấy chen vô bên trong rất khó. Nhưng có sự thật là rất nhiều xe, khi chúng tôi nhìn đồng hồ xăng, còn tới nửa bình hoặc 2/3 bình cũng chen vào đổ. Có khi điều chỉnh giá có 500 – 600 đồng, chen vô đổ đầy bình cùng lắm chỉ lời 1.000 – 2.000 đồng. Rất mong người tiêu dùng cân nhắc lợi ích và không dự trữ xăng dầu, gây nguy hiểm”.
Nguồn: thanhnien.vn