Sau khi lũ rút, các giếng nước của người của người dân bị nhiễm phèn, bẩn đục khiến hàng trăm hộ dân ở vùng rốn lũ của H.Đại Lộc (Quảng Nam) không có nước sạch để sinh hoạt.
Những ngày qua, sau khi lũ rút, hàng trăm hộ dân ở vùng rốn lũ của H.Đại Lộc (Quảng Nam) như Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Sơn… đang tất bật lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, gạt rửa lớp bùn non dày đặc. Điều đáng nói, vì nước lũ ngâm quá lâu nên nhiều giếng nước của người dân bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn.
Không còn sự lựa chọn nào khác
Dùng chính nguồn nước nhiễm bẩn để gạt rửa lớp bùn non còn bám chặt trong các vách tường nhà, ông Nguyễn Tấn Vinh (50 tuổi, ở xã Đại Lãnh) cho biết giếng nước của gia đình ô nhiễm nặng sau đợt mưa lũ.
Nhiều giếng đào bị ô nhiễm nặng nề sau lũ |
“Nguồn nước ô nhiễm này chỉ biết dùng để lau chùi nhà cửa chứ sinh hoạt gì được? Ở đây, hầu hết người dân đều dùng nước giếng nên mỗi lần vào mùa mưa lũ nước giếng đều nhiễm phèn, nhiễm bẩn”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, câu chuyện nước sinh hoạt đục ngầu, nhiễm bẩn sau mỗi lần lũ tràn qua đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” đối với người dân vùng rốn lũ.
“Chúng tôi thường xuyên sống cảnh ngập lụt. Vì vậy, mỗi lần dự báo sắp mưa lũ lớn, chúng tôi tranh thủ bơm nước giếng chưa bị nhiễm bẩn lên bồn để dự trữ, mới có nguồn nước sinh hoạt tạm thời sau lũ”, ông Vinh nói.
Còn khi lũ tràn qua, việc đầu tiên của người dân là dọn dẹp nhà cửa và xử lý nguồn nước. Hôm nay, vợ chồng bà Huỳnh Thị Hai (55 tuổi, ở xã Đại Lãnh) loay hoay bơm nước bị ô nhiễm dưới giếng lên, sau đó bỏ thuốc xuống xử lý lại nguồn nước cho sạch.
Người dân dùng nguồn nước nhiễm phèn để lau chùi nhà cửa sau lũ |
“Phải xử lý cho nguồn nước sạch lại để còn dùng vào việc tắm rửa, sinh hoạt, bởi không còn sự lựa chọn nào khác. Riêng nấu ăn thì phải đi mua nước đóng chai”, bà Hai chia sẻ.
“Điệp khúc” sau lũ lại thiếu nước sạch
Không chỉ người dân Đại Lãnh và hàng trăm người dân xã Đại Hưng cũng đang đau đầu với nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm sau lũ.
Ông Trần Đắc Chí (53 tuổi, ở xã Đại Hưng) cho hay sau khi nghe tin lũ đổ về, nhiều người dân luôn tìm cách bảo vệ giếng nước. Tuy nhiên, vùng rốn lũ trũng thấp nên nhà cửa thường xuyên bị lũ nhấn chìm, và các giếng nước đương nhiên bị lũ “san phẳng”.
Nguồn nước sinh hoạt của người dân bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn |
“Mạch nước ngầm ô nhiễm thì nước sinh hoạt cũng bị. Để có nước sinh hoạt, chúng tôi phải tìm mọi cách lọc lại nguồn nước. Cứ mỗi lần lũ đi qua, hàng trăm người dân lại rơi vào cảnh “khát” nước sạch”, ông Chí nói.
Ông Phạm Quang Hiển, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, cho hay dù trên địa bàn xã đa số hộ dân đã chuyển sang dùng nước giếng khoan, nhưng nước lũ ngập sâu và ngâm lâu quá nên nguồn nước bị nhiễm bẩn, nhiễm phèn.
Hầu hết giếng đào đều bị ô nhiễm sau khi lũ rút |
“Khi lũ rút, nước xuống dần thì nguồn nước sẽ ổn trở lại, vì là mạch nước ngầm thì không có giải pháp gì để khắc phục cả. Với giếng đào thì dùng Poly Alumnium Chloride xử lý, để nguồn nước sạch trở lại”, ông Hiển nói.
Nguồn: thanhnien.vn