Tại cuộc họp, ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Chủ tịch UBND TP Huế thông tin, hiện nay, UBND TP Huế đã triển khai thí điểm giai đoạn 1 với 7 vị trí làm điểm đỗ xe/80 chiếc, phạm vi hoạt động khu vực phía Nam thành phố, hai bên bờ sông Hương và khu vực quanh Đại Nội Huế.
TP Huế cũng đã đầu tư cơ bản hoàn chỉnh tuyến đường đi bộ kết hợp xe đạp dọc sông Hương đoạn từ Chùa Linh Mụ đến đường Chương Dương qua các công viên Kim Long, Phú Xuân, Thương Bạc với tổng chiều dài khoảng 5km. Đang triển khai tuyến đường đi bộ kết hợp xe đạp công viên vườn Mai và vườn sưu tập dọc sông với chiều dài khoảng 1km.
Tại khu vực phía Nam TP Huế, địa phương cũng đã hoàn thành tuyến đường đi bộ kết hợp xe đạp dọc sông Hương, sông An Cựu, đoạn Bến Tòa Khâm cầu Ga qua các Công viên 3/2, công viên Lý Tự Trọng, với chiều dài khoảng 2,5km.
Khu vực cồn Dã Viên đã đầu tư hoàn thành tuyến đường đi bộ kết hợp xe đạp xung quanh khu vực phía Đông với chiều dài khoảng 1km. Đang triển khai tuyến đường đi bộ kết hợp xe đạp xung quanh khu vực phía Tây với chiều dài khoảng 1,5km…
Sau khi nghe các đơn vị phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, Thừa Thiên Huế với nhiều di sản văn hóa thế giới, cảnh quan thiên nhiên, nhiều di tích lịch sử, chùa, làng nghề, các sản phẩm đặc sản, nhà hàng, phố ẩm thực xen kẻ trong các khu dân cư nên việc sử dụng xe đạp làm phương tiện để đi du lịch trải nghiệm là giải pháp lý tưởng cho du khách khi đến Huế.
Trên kết quả thực hiện bước đầu đề án thí điểm tuyến xe đạp chia sẻ công cộng thông minh tại TP Huế đã được triển khai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Sở GTVT, sở Xây dựng, Viện nghiên cứu phát triển, Viện quy hoạch xây dựng phối hợp nghiên cứu quy hoạch tổng thể các tuyến xe đạp trên địa bàn tỉnh một cách bài bản, chuyên nghiệp. Chọn tuyến phù hợp để sớm triển khai thí điểm các tuyến xe đạp phục vụ người dân và du khách.
Các tuyến xe đạp phải đảm bảo các tiêu chí thân thiện với môi trường, được quản lý bằng hệ thống thông minh. Các vị trí tiếp cận phải thuận lợi cho người sử dụng; liên kết với các phương tiện công cộng như nhà chờ xe buýt, bến bãi đỗ xe, bến thuyền; các di sản văn hóa, các khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, làng nghề, phố cổ, nhà vườn tại Huế.
Ông Hoàng Hải Minh cũng đề nghị các đơn vị liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể để triển khai các tuyến xe trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Hướng đến xây dựng “thành phố du lịch giao thông xanh”, “thành phố xe đạp”.
Nguồn: toquoc.vn