Sunday, January 19, 2025

Blockchain ở vị trí nào trong chuyển đổi số tại Việt Nam?



Thị trường blockchain tại Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ trong vài năm gần đây, nhưng để đưa công nghệ này vào cuộc sống của người dân lại là cả một chặng đường dài.

Cơ hội lớn để Việt Nam bắt nhịp blockchain với thế giới

Theo nghiên cứu của Chainalysis, công ty phân tích blockchain có trụ sở đặt tại New York (Mỹ), Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain. Từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, các hoạt động giao dịch tài sản số ở Việt Nam về giá trị lên tới 112, 6 tỷ USD, vượt trên cả Singapore (101 tỷ USD). Trong đó, Việt Nam hiện có đến gần 6 triệu người sở hữu loại tài sản này.

Thêm vào đó, trong vài năm vừa qua, ở Việt Nam đã phát sinh ra những doanh nghiệp blockchain được định giá hơn 1 tỷ USD (còn gọi là các công ty kỳ lân công nghệ (unicorn). Trong danh sách 200 doanh nghiệp top đầu thế giới về blockchain thì có hơn 10 là doanh nghiệp do người Việt Nam sáng lập và làm chủ.

Ông Joshua Foo, Giám đốc khu vực Chainalysis nhận định, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số hành lang pháp lý cơ bản nhằm khuyến khích phát triển một loạt công nghệ đang là xu hướng của chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), Robot, Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… và blockchain (công nghệ sổ cái phân tán giúp quản trị dữ liệu một cách minh bạch và toàn vẹn).

“Chainalysis mong muốn có thể đưa những dữ liệu phân tích về blockchain đến Việt Nam để xây dựng một hệ sinh thái minh bạch, đáng tin cậy tại đây. Và kết nối với Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ là bước đầu tiên để chúng tôi thực hiện mục tiêu này”, ông Joshua Foo cho hay.

“Thông qua sự hợp tác với Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng như sự kiện lần này, Chainalysis sẽ được cung cấp thông tin về thị trường Việt Nam, nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các báo cáo của Chainalysis để có cái nhìn tổng quan hơn về tiềm năng và cơ hội của thị trường blockchain tại Việt Nam”, ông Joshua Foo cho biết thêm.

Blockchain không phải “cây đũa thần”

Ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng, cơ hội của Việt Nam trong việc tiếp cận và bắt nhịp với blockchain là vô cùng rõ rệt. Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể “đi ngang”, hay thậm chí đi trước xu thế toàn cầu.

“Hành lang pháp lý về các công nghệ mới của chúng ta là có nhưng chưa đầy đủ là một trong những nguyên nhân khiến nhiều kỳ lân công nghệ của người Việt phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài. Sự kiện lần này cũng là một trong nhiều biện pháp chúng tôi thực hiện để tạo sự an tâm cho nhà đầu tư, để làm sao có thể giữ được những doanh nghiệp công nghệ tốt có thể phát triển tại  Việt Nam, chứ không ra nước ngoài đặt trụ sở nữa”, ông Quang cho hay.

Theo ông Quang, cốt lõi của blockchain là công nghệ ứng dụng vào cuộc sống và hướng đến con người, nhưng nếu blockchain không cải thiện được hiệu suất, không mang đến giá trị thiết thực thì nên cân nhắc những giải pháp khác.

“Blockchain không phải “cây đũa thần” có thể tác động vào hết các loại hình doanh nghiệp. Ứng dụng blockchain giúp công khai, minh bạch và khả năng lưu giữ không thể can thiệp có thể giúp doanh nghiệp tận dụng hết sức mạnh của công nghệ blockchain để gia tăng uy tin và quản trị; Song trong một số trường hợp sẽ làm tăng chi phí lưu trữ thông tin trên nhiều máy chủ. Do đó, muốn nói đến blockchain thì nên cân nhắc bài toán giá trị cho doanh nghiệp”, ông Quang phân tích.

Đại diện VINASA cũng cho rằng, với tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng trong kỷ nguyên số, Việt Nam cũng không thể không nắm bắt cơ hội khai phá tiềm năng blockchain.

“Tốc độ phát triển thị trường mảng blockchain trên toàn cầu không tính theo đơn vị thập kỷ mà tính theo năm và thậm chí tính theo tháng. Đó là nguyên do vì sao có những doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp từ blockchain lên đến giá trị tỷ USD trong vòng vài năm”, ông Quang cho hay.

Thị trường chuyển đổi số là một thị trường lớn trên thế giới. Số liệu từ Statista cho thấy các doanh nghiệp chi 1.500 tỉ USD cho chuyển đổi số trong năm 2021 và con số này dự kiến sẽ tăng đến 6.800 tỉ vào năm 2023./.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img