Có lẽ không ở đâu lại có “đặc sản” sương mù đã đi vào thơ ca, thậm chí còn có sương già và sương non như ở La Hai.
Sương mù là hiện tượng thời tiết quen thuộc ở vùng cao. Nhưng sương mù La Hai có nét khác lạ, người dân nơi đây thường gọi là sương già và sương non. Ngày sương non, thị trấn lãng đãng trong những dải hơi nước như lụa. Ngày có sương già, phố núi phủ trong lớp màn mờ đục, nằng nặng như mưa.
Một góc TT.La Hai trong sương giăng kín núi đồi, trời rất lạnh. Thời điểm này chưa đến 6 giờ sáng, ngoài đường hầu như không có xe cộ, trên đồng chỉ lác đác vài người đi làm sớm. Ông Phạm Thảo, người dân ở khu phố Long Hà cho biết, đây là sương non: “Sương già thường xuất hiện trong những ngày cuối năm, giáp tết, đi đường cách chừng 2m đã không thấy mặt nhau” |
La Hai là thị trấn miền núi, huyện lỵ của H.Đồng Xuân, diện tích hơn 20 km2. Khu trung tâm thị trấn hướng ra thung lũng, tựa lưng vào dãy núi. Nhìn từ cánh đồng đang mùa thu hoạch, có thể thấy đám sương mù rất lớn tiếp tục cuộn tràn xuống phố |
Sương mù sà hẳn xuống như ôm lấy cây cầu đường sắt La Hai mới gồm 7 nhịp dầm thép nằm trên tuyến đường sắt bắc – nam. Cầu cũ từ năm 1936 xuống cấp, thường xuyên bị mưa lũ đe dọa, hư hỏng đã được tháo dỡ. Cầu sắt mới có dầm cao hơn dầm cầu cũ khoảng 20 cm. Nằm kế bên ở phía hạ lưu là cầu đường bộ, dẫn vào trung tâm thị trấn. Sương mù |
Cây cầu đường bộ thứ hai này được xây dựng ở phía thượng lưu, nối khu phố Long Hà và khu phố Long Thăng của thị trấn, có tĩnh không cao tránh lũ. Cầu nằm trên tuyến tránh quốc lộ 19C đi qua 3 huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa của Phú Yên, kết nối với 2 tỉnh Bình Định, Đắk Lắk |
Hai người đàn ông chèo sõng thả lưới cá trên đoạn sông Cái chảy qua TT.La Hai. Sõng là phương ngữ người dân gọi loại thuyền nhỏ dùng để đi lại, đánh bắt thủy sản trên sông, hồ |
Sông Cái chính là sông Kỳ Lộ, dài khoảng 120 km bắt nguồn từ vùng núi La Hiên giáp ranh giữa tỉnh Bình Định và Gia Lai, chảy qua H.Đồng Xuân, đổ ra biển ở H.Tuy An. Sông miền núi nên thường thay đổi dòng chảy, trong ảnh là bãi bồi mới khi sông đổi dòng, phía xa là đụn khói của nhà máy đường Đồng Xuân |
Miền đất này có đặc sản cá mương được nhiều người biết đến. Cá mương sống ở suối lớn hoặc tầng mặt của sông, ăn rong rêu, phù du nên thịt thơm lành. Ông Trần Thanh Thanh, người dân ở đây cho biết, loại cá này có thể làm được nhiều món như nướng, chiên, trộn gỏi… “Người dân tụi tôi thường bắt cá mương đem nướng rồi cuốn bánh tráng rau sống chấm nước mắm. Ở quán người ta cũng chủ yếu làm món này vì được nhiều khách chọn nhất” |
Những người nông dân đi làm ruộng trên cánh đồng lớn ven sông Cái. Lúc này đã gần 9 giờ sáng nhưng sương vẫn còn giăng mờ mịt. Những đám mạ non phía xa mờ khuất trong sương lạnh |
Trên dây điện bắc qua sông, chú chim bói cá đậu chờ săn mồi. Dãy núi mờ sương trong ảnh nằm ở hướng bắc về phía H.Vân Canh của tỉnh Bình Định. Phía bên dưới, những con đường bê tông được xây dựng thay thế đường đất, những đám ruộng lúa, rau dần nhường chỗ cho hạ tầng đang đô thị hóa |
Nữ du khách hái hoa dại bên lề con đường hút trong mù sương. Phố núi bình yên này chưa có nhiều khách du lịch tìm đến, nhưng đã về đây rồi khi rời đi, sẽ mang nhiều luyến nhớ như câu hát trong ca khúc về La Hai của nhạc sĩ Trần Đình Lý, phổ thơ Bùi Tâm: “Đến La Hai em quên đường về… Em qua cầu qua thăm phố núi. Sương tan rồi phố núi nhìn em. Ừ em yêu, yêu nơi này, em ở lại đây. Ở lại đây mà nghe tiếng hát…” |
Cách TP.Tuy Hòa, tỉnh lỵ Phú Yên khoảng 45 km về hướng tây bắc, TT.La Hai của H.Đồng Xuân là vùng đất sơn thủy hữu tình, con người hồn hậu, nhiều món ăn ngon.
Nguồn: thanhnien.vn