“Việc duy trì tư cách thành viên của Myanmar có ý nghĩa chiến lược và là vấn đề sống còn của ASEAN, chứ không đơn thuần là vấn đề tư cách thành viên”.
“Duy trì tư cách thành viên của Myanmar có ý nghĩa chiến lược và sống còn với ASEAN” – Đây là khẳng định của Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN sau khi thừa ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Myanmar tại Jakarta hôm 27/10.
PV: Xin ông đánh giá kết quả và ý nghĩa của Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Myanmar lần này?
Đại sứ Vũ Hồ: Nguyên tắc của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Tuy nhiên, Myanmar là một trong những thành viên của ASEAN và cho đến nay tôi có thể khẳng định rằng tất cả các nước ASEAN đều nhất trí rằng Myanmar vẫn tiếp tục là một thành viên của ASEAN dù có chuyện gì xảy ra. Việc duy trì tư cách thành viên của Myanmar có ý nghĩa chiến lược và là vấn đề sống còn của ASEAN, chứ không đơn thuần là vấn đề tư cách thành viên.
Thứ 2, các nước ASEAN đều nhất trí đồng thuận 5 điểm vẫn còn nguyên giá trị từ trước đến nay, không có nhu cầu mở rộng hay làm sâu sắc hơn. Sự điều chỉnh lại đồng thuận 5 điểm là chưa cần thiết.
Thứ 3 là việc cộng đồng quốc tế hỗ trợ Myanmar phải xuất phát và lấy ASEAN là trung tâm, là lực lượng dẫn dắt, tập hợp, điều chỉnh tất cả những hoạt động hỗ trợ, đảm bảo sự hỗ trợ hiệu quả, đúng với tinh thần luật lệ cũng như Hiến chương ASEAN. Sự hỗ trợ nhân đạo phải được tiếp tục một cách an toàn, cân bằng, an toàn và minh bạch. Dựa trên những điều đó Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần này thống nhất được một số biện pháp cụ thể để báo cáo lãnh đạo cấp cao trong kế hoạch triển khai tới đây. Tuy nhiên việc này cũng cần thêm thời gian để các nước trao đổi trước khi đạt được sự đồng thuận.
PV: Việt Nam đã có những đề xuất và đóng góp gì tại Hội nghị cũng như nỗ lực chung của ASEAN thúc đẩy giải pháp hòa bình cho Myanmar, thưa ông?
Đại sứ Vũ Hồ: Sự đóng góp của Việt Nam trên thực tế là sự minh bạch, hiệu quả và tính hợp lý từ trước đến nay. Việt Nam đóng góp bảo vệ nguyên tắc, quy trình, giá trị của ASEAN. Trong lịch sử Đông Nam Á chưa từng có việc 10 nước ngồi lại cùng nhau cam kết xây dựng cộng đồng và đối thoại với các đối tác, trong đó có cả các nước lớn một cách cân bằng. Do đó tính thống nhất, tính toàn vẹn của ASEAN không thể bị phá vỡ và không nên bị phá vỡ.
Thứ 2 ASEAN có những nguyên tắc trong hoạt động của mình. Đó là những giá trị gì? Là sự cân bằng, sự thống nhất, hài hòa hay nguyên tắc không can thiệp, sử dụng đối thoại, đồng thuận để giải quyết tất cả các vấn đề nảy sinh… Đó là những giá trị phải được duy trì.
Thứ 3, một trong những mục tiêu mà ASEAN đang cố phấn đấu để hướng tới là một Đông Nam Á vững mạnh, đoàn kết, thống nhất và độc lập. Tham gia giải quyết một cách thấu đáo, triệt để vấn đề Myanmar cũng là chứng minh cho vị thế của ASEAN, bảo đảm ASEAN độc lập, đoàn kết, thống nhất chứ không bị xé mảnh vì những lợi ích khác nhau của cả bên trong và ngoài ASEAN.
Một điều cuối cùng nữa tôi cũng muốn nhấn mạnh là đóng góp của Việt Nam là một quá trình tích cực, có trách nhiệm, không có sự vị kỷ. Điều chúng ta quan tâm là sự toàn vẹn, thống nhất cũng như hình ảnh và vị thế của ASEAN. Tất cả các nước đều đánh giá rất cao sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại hội nghị lần này cũng như các hoạt động hỗ trợ và giải pháp kể từ khi khủng hoảng Myanmar nổ ra.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Nguồn: vov.vn