Các cơ chế về tài chính, ngân sách trong Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được chính quyền TP kỳ vọng sẽ tạo thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng trong bối cảnh tỷ lệ điều tiết ngân sách bị cắt giảm còn 18% trong giai đoạn 2017 – 2021 nhưng kết quả mang lại rất khiêm tốn.
Chưa có tài sản công nào được đấu giá
Cụ thể, các khoản thu về cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước chưa phát sinh dù Thủ tướng phê duyệt danh mục 38 DN thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Nguyên nhân chính là việc cổ phần hóa DN nhà nước còn nhiều vướng mắc, chủ yếu do việc định giá tài sản, nhất là định giá đất, và tình trạng này diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương chứ không riêng TP.HCM. Còn về nguồn thu thoái vốn DN, TP.HCM thu được gần 1.800 tỉ đồng trong 2 năm 2018 – 2019 và đến nay được cụ thể hóa thành Nghị định 148/2021 để áp dụng chung cho cả nước nên không còn tính chất đặc thù.
Một trong những khoản thu được TP.HCM trông chờ là hưởng 50% tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất của các cơ quan, tổ chức, DN thuộc T.Ư quản lý đóng trên địa bàn sau khi trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới. Qua thống kê sơ bộ, TP.HCM có hơn 2.000 cơ sở nhà, đất của các cơ quan T.Ư, trong đó có nhiều cơ sở không sử dụng, sử dụng không hiệu quả hoặc không đúng mục đích. Dù vậy, chỉ có 2 cơ sở được phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp nhưng đến nay cũng chưa tổ chức bán đấu giá nên TP.HCM chưa hưởng lợi từ cơ chế này.
Một lãnh đạo UBND TP.HCM cho hay các nhà, đất này là tài sản thuộc cơ quan T.Ư nên việc rà soát, sắp xếp nhanh hay chậm, ít hay nhiều tùy thuộc vào sự chủ động của các đơn vị. Ở góc độ địa phương, TP.HCM đang chờ Chính phủ và Thủ tướng phê duyệt kế hoạch sử dụng nhà, đất của các cơ quan T.Ư để có thêm không gian phát triển. “TP.HCM đề xuất các cơ quan khẩn trương sắp xếp lại, tài sản nào cần thiết thì giữ lại để phục vụ đúng công năng, những tài sản nào không cần thiết nữa thì đưa ra ngoài để tính toán phương án sử dụng hiệu quả hơn”, vị này bày tỏ.
Lãnh đạo TP.HCM khẳng định nếu cấp thẩm quyền phê duyệt nhanh thì TP sẽ phối hợp với các bộ, ngành sớm đưa vào quy hoạch sử dụng đất. Nếu tổ chức bán đấu giá thì ngân sách TP.HCM được hưởng 50% sau khi trừ chi phí. Vị này nói thêm rằng trong trường hợp không bán đấu giá, các khu đất do cơ quan T.Ư quản lý được quy hoạch lại, đầu tư bài bản cũng đã giúp bộ mặt đô thị khang trang hơn, sạch đẹp hơn và đóng góp vào phát triển chung thay vì bỏ trống, lãng phí như hiện nay.
Đổi mới cách thu hút người tài
Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt (gọi tắt là người tài) cũng là một trong những cơ chế đặc thù về nguồn nhân lực trong Nghị quyết 54/2017 chưa đem lại hiệu quả cao. Sau hơn 3 năm, TP.HCM chỉ mới ký hợp đồng với một chuyên gia làm việc tại Khu công nghệ cao. Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP.HCM, đánh giá đây là vấn đề cần quan tâm đặc biệt bởi khi thu hút được người tài sẽ mang lại hiệu ứng rất lớn, đồng thời đề nghị cần rà soát các chính sách để bổ sung, giữ chân người tài làm việc ổn định.
Trước các bất cập trong chính sách thu hút người tài, TP.HCM đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để mổ xẻ và đề ra giải pháp khả thi cho giai đoạn tới. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị T.Ư xây dựng chiến lược quốc gia về phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài một cách tổng thể, toàn diện, khoa học. TP.HCM tiếp tục thực hiện chính sách thu hút người tài nhưng với cách thức phù hợp hơn như: đơn giản quy trình, đa dạng hình thức, linh hoạt thời gian làm việc, đồng thời giao quyền chủ động cho các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu trong công tác mời gọi và tuyển chọn người tài.
Sở Nội vụ cho rằng cần có chế độ thu nhập xứng đáng, có tính đột phá để người tài yên tâm cống hiến, cũng như tạo lập môi trường làm việc phù hợp nhằm phát huy năng lực thông qua đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động và sự hợp tác của nguồn nhân lực tại chỗ. Bên cạnh đó, TP.HCM xây dựng ngân hàng dữ liệu về người tài không phân biệt trong và ngoài nước; tăng cường kết nối, hợp tác để nhận diện và giải quyết kịp thời những vấn đề đang đặt ra của TP. Về lâu dài, Sở Nội vụ kiến nghị cần có cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng người có tài năng, nhất là tài năng trẻ cũng như xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp đối với chuyên gia, nhà khoa học, những người có tài năng hiện đang làm việc.
Nguồn: thanhnien.vn