Tất cả các chuyến bay thương mại ở mọi sân bay trên thế giới, hành khách đều phải lên và xuống máy bay bên cửa phía tay trái.
Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ, như các loại trực thăng hai chỗ ngồi, khách có thể lên ở cả hai phía. Nhưng máy bay thương mại thì nhất định bạn phải lên – xuống ở phía cửa trái.
Điều này được giải thích bằng nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, cửa đón trả hành khách nằm phía trái vì phía tay phải thân máy bay là nơi đội ngũ nhân viên mặt đất tiếp nhiên liệu; cũng là vị trí cửa hành lý và cửa đưa các xe đồ ăn lên máy bay. Khách đi phía trái để không ảnh hưởng đến các vận hành khác của phía tay phải thân máy bay.
Thứ hai, phi công ngồi bên tay trái của máy bay, cho nên việc hành khách lên xuống từ phía trái thuận tiện cho phi công quan sát, hay áp đường ống vào máy bay.
Hành khách luôn lên cửa phía tay trái của máy bay |
Một lý giải khác là nguyên nhân từ xa xưa, khi tàu thuyền đều được thiết kế với bánh lái nằm ở tay phải, do đó lúc neo đậu phải áp mạn thuyền vào phía tay trái để tránh va chạm bánh lái. Vì vậy, hành khách hay hàng hóa được vận chuyển lên tàu phải từ phía tay trái. Ngành hàng không ra đời sau ngành hàng hải và cũng theo nguyên tắc, quy ước tương tự từ xưa là lên xuống máy bay đều nằm ở tay trái.
Trong ngành hàng hải, phía bên trái của con tàu được gọi là “Cảng” (Port), còn bên phải được gọi là “Mạn phải” (Starboard) – chỉ phía bánh lái. Các con tàu hiện đại có bánh lái ở cuối tàu, nhưng thời Trung cổ (chẳng hạn tàu Viking) có bánh lái ở phía sau bên phải của thân tàu. Không rõ vì sao bánh lái phải nằm ở tay phải nhưng lý do đáng tin nhất là vì nhiều người thuận tay phải, tiện vận hành bằng tay thuận của người lái tàu. Vì thế, phía tay trái trở thành nơi để cập bến, tránh làm hỏng bánh lái nằm bên phải.
Trong khi bên phải thân máy bay là nơi chứa hành lý |
Thiết kế máy bay cũng theo quy tắc đó. Các sân bay cũng được thiết kế trên cơ sở lên xuống của hành khách từ phía tay trái. Không có ngoại lệ khi các sân bay trên thế giới ngày nay đều thiết kế các tiện ích cho hành khách từ phía tay trái để lên xuống. Nói chung, hành khách lên xuống từ phía trái và các nhiệm vụ khác như chứa hành lý, đồ ăn… bên tay phải. Trong ngành hàng không, cửa trái là “cửa hành khách” còn cửa phải là “cửa dịch vụ”.
Trong thực tế, có nhiều điểm chung giữa tàu thuyền và máy bay. Ví dụ, trên máy bay đèn đỏ ở đầu cánh trái và đèn xanh ở đầu cánh phải, giống với đèn trên tàu thuyền. Đèn xanh bên mạn trái của tàu và đèn đỏ bên mạn phải là thiết bị bắt buộc để chỉ hướng tàu. Nếu trong hành trình, bạn thấy đèn đỏ phía trước tàu của mình nghĩa là tàu đối diện đang đi bên trái, ngược lại nếu thấy đèn xanh là tàu kia đang đi bên phải. Tàu nào thấy đèn đỏ phải có phương án né tránh. Các quy định về giao thông hàng hải này đồng thời được áp dụng cho hàng không. Vì vậy, nếu trên bầu trời hai máy bay lỡ có gặp nhau thì cứ nhìn đèn đỏ mà né tránh.
Ngoài ra, ngôn ngữ chuyên ngành hàng không và hàng hải cũng giống nhau (trong tiếng Anh) như captain (cơ trưởng, thuyền trưởng); crew (phi hành đoàn, thủy thủ đoàn); cabin (khoang tàu, khoang thuyền); port hay airport (cảng, cảng hàng không)…
Trở lại với việc lên xuống máy bay bằng cửa trái, nhiều bình luận để lại trên một diễn đàn hàng không rằng, là bởi hãng bay không muốn hành khách thấy cảnh hành lý của mình bị quăng quật ở phía tay phải. Bình luận gây cười nhưng được nhiều người đồng tình.
Nguồn: thanhnien.vn