Chỉ với chiếc lá mít trong vườn và bột gạo, người miền Tây sáng tạo ra món ăn dân gian đặc sản vùng miền.
Cô Út Muôn, cư dân kỳ cựu của Cồn Sơn (Cần Thơ), tỉ mẩn ngồi làm từng chiếc bánh lá mít đãi du khách đến tham quan. “Bánh lá làm theo tâm trạng. Bữa nào mình thấy trong lòng vui tươi, chiếc bánh cũng có màu sắc vui mắt hơn. Bữa nào buồn buồn, chiếc bánh cũng nhợt nhạt”, cô Út chia sẻ.
Rổ bánh lá mít do cô Út Muôn làm ra đãi khách đến thăm Cồn Sơn |
Theo cô Út Muôn, bánh lá mít là món ăn đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại gây thương nhớ cho những người con xa quê. Bất cứ người miền Tây nào rời quê hương lên thành thị sinh sống cũng nhớ về những chiếc bánh lá của ngày thơ trẻ.
“Bột gạo mình phải tự xay bằng tay. Gạo ngâm cho nở ra và đem xay sẽ cho miếng bánh phải dẻo thơm hơn. Bột khô xay sẵn mua ở siêu thị không thể làm được bánh lá vì bột quá mịn”, cô chia sẻ.
Cô Út Muôn, Chủ nhiệm HTX du lịch Cồn Sơn, ngồi ở căn bếp phía sau nhà tỉ mẩn làm từng chiếc bánh lá mít |
Nguyên liệu làm bánh đơn giản với bột gạo, bột năng, nước cốt dừa, đường, muối và lá mít. Tất cả đều có sẵn trong vườn nhà. Lá mít xanh hái vào, rửa sạch, phơi ráo nước. Bột gạo nhào nhuyễn, trộn thêm bột năng để miếng bánh dẻo dai. Lá mít chọn những chiếc bằng nhau, nhỏ vừa để khi làm ra những chiếc bánh cùng cỡ, đẹp mắt.
Nhiều người miền Tây ngày nay biến tấu bánh lá mít thành nhiều màu từ những màu sắc của nguyên liệu lá trộn vào bột gạo. Tuy nhiên, bánh lá truyền thống làm từ bột gạo và lá mơ, cho ra chiếc bánh màu xanh đẹp mắt. Lá mơ hái vào rửa sạch, xay lấy nước cốt và nhào cùng với bột. Vì thế, ngày trước, người ta thường gọi bánh lá mít – rau mơ.
Ngày nay, cô Út Muôn còn sử dụng màu của bông hoa đậu biếc nhào với bột, tạo ra màu xanh pha tím lạ mắt. Nhiều người còn dùng những màu sắc từ thiên nhiên khác để làm ra khay bánh lá đa sắc xanh đỏ tím vàng…
Bột sau khi ủ đủ thời gian sẽ được quét lên mặt sau của lá mít (đã được thoa dầu chống dính) – mặt có những đường gân và cuốn lại, ghim cuốn lá vào bánh để giữ cố định. Những đường gân của lá mít sẽ hằn lên mặt bánh, tạo thành những nếp lá ấn tượng khi gỡ ra.
Bánh lá mít trước khi được đem đi hấp, khi bánh chín, lá cũng đổi màu |
Bánh lá sau khi hấp khoảng 10 phút sẽ chín, tùy thuộc vào bột bánh dày hay mỏng. Nhưng đa phần sẽ làm rất mỏng, như độ dày của chính lá mít.
Việc ăn bánh lá mít cũng vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần dùng tay, gỡ phần đầu tiên dính vào lá mít và cuốn bánh lại thành cuộn. Sau đó chấm vào chén nước cốt dừa béo ngậy có đậu rang hoặc chỉ đơn giản là nước cốt dừa. Miếng bánh mỏng nhưng có mùi vị thơm tho của gạo quê trong vị béo của nước cốt dừa, khiến du khách bất ngờ.
“Bánh lá là thứ bánh nhà quê, được các cô các chị làm trong những giờ rảnh rỗi để hàn huyên. Nhất là vào những ngày mưa gió”, cô Út nói thêm.
Hương bánh dân gian theo chân người miền Tây đi khắp nơi. Dù có nhiều những món quà bánh hiện đại, thì bánh lá vẫn không thay đổi, bình dân, chân chất.
Chiếc bánh dân gian được làm từ những nguyên liệu thân thuộc của miền Tây |
Phần bột gạo được trải ra trên mặt sau của chiếc lá |
Bánh được nhẹ nhàng lấy ra khỏi chiếc lá, cuộn tròn lại. Bánh cô Út Muôn làm hôm nay có màu tím do có nước cốt lá đậu biếc |
Và chấm vào chén nước cốt dừa béo ngậy |
Bánh lá cũng được đưa vào quán ăn trang trí cầu kỳ hơn. Bánh được gỡ sẵn ra đĩa, rưới lên nước cốt dừa và bánh có màu xanh của lá mơ |
Cây mít có mặt ở khắp nơi trên Cồn Sơn, bốn mùa xanh tốt |
Cồn Sơn yên bình với những nếp nhà xưa của người dân Nam Bộ. Đây là nơi cô Út Muôn làm bánh lá mít đãi khách cùng những món bánh dân gian hấp dẫn khác |
Cồn Sơn là cù lao nằm giữa sông Hậu, rộng khoảng 70 ha với chừng 70 ngôi nhà, cách TP.Cần Thơ 20 phút chạy xe. Cồn nổi giữa sông đất đai phì nhiêu những năm qua nổi tiếng về du lịch cộng đồng. Du khách đến đây sẽ có dịp thưởng thức nhiều món ăn dân dã và trải nghiệm các mô hình du lịch độc đáo như cá lóc bay, làng bè nuôi cá trên sông…
Nguồn: thanhnien.vn