Thursday, November 28, 2024

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh – Sứ giả kết nối nhạc dân tộc và nhạc hàn lâm



Yêu nhạc dân tộc, say mê với nhạc hàn lâm, phối hợp xẩm, rap với giao hưởng, nhạc trưởng tài ba Đồng Quang Vinh không ngừng say mê sáng tạo, bước qua những giới hạn.

Một bản nhạc giao hưởng có tới hàng nghìn nốt nhạc, hàng trăm nhịp phách và hàng trăm nghệ sỹ phối hợp nhuần nhuyễn từng giây. Vậy làm sao để mỗi nhạc công, mỗi một nghệ sỹ trình diễn ăn khớp nhau tới từng giây âm thanh như vậy? Đó chính là tài năng của người nhạc trưởng.

Trong chuyên mục Talk cuối tuần trong Chuyển động 24h trưa 13/11, BTV Thụy Vân đã có cuộc trò chuyện với nhạc trưởng Đồng Quang Vinh – Sứ giá kết nối giữa nhạc dân tộc và nhạc hàn lâm đến với bạn bè quốc tế.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh - Sứ giả kết nối nhạc dân tộc và nhạc hàn lâm

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh (Photo: Pham Tan)

Chia sẻ về vai trò của nhạc trưởng, Đồng Quang Vinh cho biết, hình ảnh nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc trên sân khấu mà khán giả thường nhìn thấy đó chỉ là giai đoạn thứ 10. Còn 9 giai đoạn trước đó là lúc các nhạc trưởng vất vả nhất.

“Nhạc trưởng tập luyện xem nốt này dài quá, nốt kia ngắn quá, nốt này to quá, nốt kia nhỏ quá… Tất cả tổng hòa những nốt to, nốt nhỏ có dựng nên cao trào ở đoạn này không? Cả tác phẩm ấy, cao trào nằm ở đâu? Vì thế, nhạc trưởng phải là người đi trước tất cả mọi người một bước để nghiên cứu.

Nội dung câu chuyện phải được lồng vào các nốt nhạc. Cách chơi như thế nào cho từng nghệ sĩ để hàng chục người đều nắm được tinh thần đó để cùng một nhịp được chơi đồng nhất. Sau khi tập cho dàn nhạc chỉn chu các nốt, nhạc trưởng bắt đầu lên để giữ nhịp” – anh chia sẻ.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh - Sứ giả kết nối nhạc dân tộc và nhạc hàn lâm

(Ảnh: Facebook Đồng Quang Vinh)

Nói về Đại Hợp xướng “Vì hòa bình” với 200 người tham gia đến từ nước ngoài và Việt Nam, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho biết, không chỉ đơn thuần tập với dàn nhạc mà còn phải tập với dàn hợp xướng. Lần này bao gồm 5 dàn hợp xướng khác nhau.

“Phút này hay phút kia, tôi sẽ tập với violin 1, violin 2. Phút này hay phút kia, tôi sẽ tập với đàn cello… Tôi phải soi thật kỹ chỗ nào bị sai và họ cũng có nhiều thời gian hơn. Trừ dàn nhạc, mỗi loại kèn, loại đàn…, tôi phải làm việc như thế qua nhiều ngày. Nó phải đẹp, rung cùng tần số, thống nhất thì sau đó mới ráp vào với nhau” – nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chia sẻ.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh - Sứ giả kết nối nhạc dân tộc và nhạc hàn lâm

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh trong chương trình Đại Hợp xướng “Vì hòa bình”. (Ảnh: Facebook Đồng Quang Vinh)

Đồng Quang Vinh tiết lộ: “Tôi không chọn nghề mà là nghề chọn, bố mẹ chọn. Bởi từ lúc sinh ra, tôi đã suốt ngày được nghe nhạc. Lúc thì mẹ tập đàn, lúc thì học sinh của mẹ đến tập, lúc thì bố lại đánh đàn… Đi học rồi đi diễn cùng bố mẹ ở nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới, tôi thấy tự hào và đi theo nghề” – nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chia sẻ.

Lựa chọn 2 dòng nhạc kén người nghe: nhạc dân tộc và nhạc thính phòng, người nhạc trưởng tài ba Đồng Quang Vinh đã có những nỗ lực không mệt mỏi để đưa những dòng nhạc này đến gần hơn với công chúng, như cách Đen Vâu hát “mang tiền về cho mẹ” với một dàn nhạc thính phòng vô cùng ấn tượng.

Chia sẻ về điều này, anh nói: “Khi được bạn bè đồng nghiệp mời tham gia, với tôi, đây là sự học hỏi. Tôi vượt qua được một số giới hạn, khoảng an toàn của tôi là nhạc giao hưởng, nhạc dân tộc”.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh - Sứ giả kết nối nhạc dân tộc và nhạc hàn lâm

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh trong chương trình Chuyển động 24h

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img