Thursday, March 28, 2024

”Bữa tiệc tàn” của tiền kỹ thuật số hay khởi đầu mới?



Thị trường tiền kỹ thuật số đã trải qua một giai đoạn biến động mạnh làm dấy lên câu hỏi liệu đây có phải là ngày tàn hay sẽ là cột mốc cho sự thay đổi hướng đến việc phát triển bền vững hơn.

Cách đây một năm vào ngày 9.11.2021, giá Bitcoin vọt lên mốc kỷ lục 68.000 USD, kéo theo các đồng tiền kỹ thuật số khác tăng mạnh, đưa tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền kỹ thuật số tiệm cận mốc 3.100 tỉ USD. Tuy nhiên, đúng một năm sau vào ngày 10.11.2022, giá Bitcoin rơi xuống mức thấp kỷ lục 16.000 USD kể từ năm 2020, còn sàn giao dịch kỹ thuật số lớn thứ ba trên thế giới FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, tạo ra cú sốc lớn cho thị trường.

Chỉ một năm trước, Bitcoin được các nhà đầu tư và các chuyên gia kinh tế gọi là tương lai của tiền tệ, còn Ethereum (một nền tảng công nghệ blockchain mã nguồn mở, công khai và phân quyền) là công cụ phát triển quan trọng nhất trên thế giới. Các giao dịch trên sàn Coinbase liên tục thiết lập các kỷ lục mới và NFT bùng nổ hơn bao giờ hết. Giới đầu tư lạc quan dự đoán năm 2022 là năm tiếp tục bùng nổ của tiền mã hóa.

Tuy nhiên, đúng một năm sau, bắt đầu từ đầu tháng 11.2022, thị trường tiền kỹ thuật số lao dốc không phanh, mất 3/4 giá trị khi giảm từ 3.000 tỉ USD xuống còn 900 tỉ USD. Bitcoin từ tài sản đầu cơ bị thổi giá đã lao dốc thẳng đứng trong bối cảnh các nhà đầu tư hoang mang lo sợ.

FTX bị phá sản tạo cú sốc lớn cho thị trường tiền kỹ thuật số

Trong khi đó, FTX – một trong những sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới với giá trị 32 tỉ USD đã sụp đổ, khách hàng rút tiền hàng loạt và công ty buộc phải nộp đơn xin phá sản vào ngày 11.11 sau khi sàn giao dịch Binance xác nhận không mua lại FTX. Người sáng lập, đồng thời là CEO của FTX là Sam Bankman-Fried phải thừa nhận đã bị Binance “chơi xỏ” và xin từ chức để nhường lại vị trí cho John J. Ray III, chuyên gia về phá sản và tái cấu trúc doanh nghiệp. Hiện FTX có tới hơn 100.000 chủ nợ. Tài sản và các khoản nợ vào khoảng từ 10 tỉ đến 50 tỉ USD.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi ngày 12.11, FTX được cho là đã trải qua một vụ tấn công, mất đi khoảng 400 triệu USD tài sản. Hơn nữa, bản kê khai tài sản trước đó của cựu CEO Sam Bankman-Fried cũng được đánh giá không đúng sự thật khi chỉ có 900 triệu USD trong tổng số 9 tỉ USD tài sản công bố là có thanh khoản.

Nguyên nhân suy thoái

Sự suy thoái của đồng tiền kỹ thuật số bắt đầu không lâu sau khi đạt đỉnh, tức là cuối năm 2021. Đó là thời điểm tỷ lệ lạm phát bắt đầu tăng đột biến và làm dấy lên lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cho vay.

Tháng 12.2021, Bitcoin đã giảm 19% khi các nhà đầu tư chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn hơn trong bối cảnh nền kinh tế biến động khôn lường. Sang tháng 1.2022, đợt bán tháo tiếp theo diễn ra khi Bitcoin giảm 17% và Ethereum giảm mạnh 26%.

Các đồng tiền kỹ thuật số như Ethereum hay Bitcoin giảm giá mạnh từ đầu năm

Ngay vào thời điểm đó, David Marcus, cựu Giám đốc về tiền kỹ thuật số tại Meta, đã cảnh báo rằng “mùa đông” của tiền kỹ thuật số đã tới, khuyến cáo các nhà đầu tư nên chuyển sang các kênh khác an toàn hơn thay vì tiền kỹ thuật số.

Tuy nhiên, “mùa đông” tiền kỹ thuật số đã diễn không diễn ra ngay sau cú giảm của thị trường hồi đầu năm 2022 mà thậm chí còn ổn định dù trong thời gian ngắn. Phải đến tháng 5, thị trường Stablecoin chính thức bắt đầu chao đảo, với khoảng 40 tỉ USD đã bị xoá sổ khỏi thị trường sau khi đồng tiền Luna và TerraUSD (UST) sụp đổ thảm hại.

Stablecoin là một loại tiền kỹ thuật số được thiết kế để duy trì tỷ giá 1 ăn 1 với đồng USD, hoạt động như một loại tài khoản ngân hàng trong nền kinh tế tiền kỹ thuật số và cung cấp một kho lưu trữ giá trị tốt, trái ngược với sự biến động đã trải qua trong Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác.

Trong khi đó, về mặt vĩ mô, lạm phát vẫn tiếp tục tăng và FED vẫn tăng lãi suất. Chính điều này đã khiến thị trường tiền kỹ thuật số “thủng đáy” và rơi tự do. Thị trường tiền mã hóa phải đối mặt với hàng loạt thách thức về kinh tế vĩ mô, các lực lượng thị trường và các vụ bê bối, khiến cho triển vọng phát triển đầy ảm đạm.

“Bữa tiệc tiền kỹ thuật số” đến hồi tàn?

Từ tháng 6, giá tiền kỹ thuật số liên tục thủng đáy, hàng trăm mã token liên tục rơi tự do, tình trạng sa thải diễn ra rộng khắp trong ngành báo hiệu “bữa tiệc tiền kỹ thuật số” sắp tàn. Bitcoin mất khoảng 38% giá trị, trong khi Ethereum giảm mạnh hơn 40%. Nền tảng cho vay Celsius đã tạm dừng rút tiền vì “điều kiện thị trường khắc nghiệt”. Binance cũng tạm dừng rút tiền trong khi công ty cho vay tiền kỹ thuật số BlockFi cắt giảm 20% nhân sự dù quy mô đã tăng hơn 5 lần kể từ cuối năm 2020.

Ngày 1.7, Quỹ đầu cơ tiền kỹ thuật số nổi tiếng Three Arrows Capital (3AC) có trụ sở tại Singapore vỡ nợ với khoản vay trị giá hơn 670 triệu USD, chỉ vài tháng sau khi tiết lộ sở hữu khối tài sản trị giá 10 tỉ USD. Ngay sau cú sụp đổ của 3AC, giá tiền kỹ thuật số giảm mạnh, thậm chí còn trở nên trầm trọng hơn do vụ sụp đổ của Terra và các vấn đề thanh khoản xảy ra với những người chơi CeFi như BlockFi, Celsius, Voyager và 3AC. Vốn hóa thị trường đã giảm 34%, trượt dưới mốc 1.000 tỉ USD, mức chưa từng thấy kể từ Quý 4/2020.

Vào thời điểm đó, CEO Sam Bankman-Fried của FTX được xem là cứu tinh của ngành tiền số, khi quyết định bỏ hàng tỉ USD cứu các công ty trên đà suy giảm. Tuy nhiên, việc này lại khiến FTX lao dốc thê thảm do các thương vụ được thực hiện thông qua công ty con Alameda Research đều thua lỗ.

Sam Bankman-Fried trong một phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 2

Khuya 6.11, Changpeng Zhao (Triệu Trường Bằng), CEO của Binance, đưa ra tuyên bố chấn động rằng Binance đã bán FTX token (FTT) trong thời gian qua. Cụ thể, khi FTX mua lại quyền sở hữu sàn từ Binance, Binance đã nhận được 2,1 tỉ USD dưới dạng FTT và BUSD. Tuy nhiên, Binance đã quyết định bán toàn bộ lượng FTT khi nhận thấy bất ổn. Điều này đã kích hoạt những đợt bán tháo lớn, đẩy giá token từ 22 USD xuống chỉ còn 3 USD sau một đêm.

Hậu quả tất yếu là FTX lâm vào khủng hoảng, khách hàng của FTX lao đao, cộng với việc Binance quyết định không mua lại FTX như đã tuyên bố khiến CEO Sam Bankman-Fried phải từ chức và FTX buộc phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ vào ngày 11.11. Từ vị cứu tinh, Sam Bankman-Fried bỗng chốc trở thành “tội đồ” và đối mặt với án tù.

Các cổ phiếu gắn liền với tiền kỹ thuật số cũng bị ảnh hưởng. Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Coinbase giảm 20% trong hai ngày, trong khi ứng dụng giao dịch Robinhood mà Bankman-Fried là một trong những cổ đông lớn nhất đã giảm 30% trong cùng thời gian. Theo dữ liệu từ CryptoQuant, đã có 81.712 Bitcoin (1,35 tỉ USD), tương đương hơn 15% trong số khoảng 500.000 Bitcoin trên sàn giao dịch Binance, được rút khỏi nền tảng chưa đầy 1 tuần. Ngoài ra, 125.026 Ether (155 triệu USD) và 1,14 tỉ USD stablecoin cũng bị rút khỏi Binance trong khoảng thời gian này.

Dữ liệu từ Glassnode cũng cho thấy, giới đầu tư đang tích cực chuyển các loại tài sản ra khỏi sàn giao dịch vào các ví lạnh với tốc độ cao nhất từ trước đến nay. Ước tính, tổng số dư Bitcoin trên các sàn giao dịch đã giảm hơn 73.000 BTC trong vòng 1 tuần.

Ryan Gilbert, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Launchpad Capital nhận định, thế giới tiền kỹ thuật số đang trải qua khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng sau cú sốc FTX. Trong một thị trường không có ngân hàng trung ương và các biện pháp bảo đảm, niềm tin chính là yếu tố quan trọng nhất.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu niềm tin với tiền kỹ thuật số còn tồn tại trong giai đoạn này hay không, hay nó cũng sụp đổ như chính các công ty tiền kỹ thuật số thời gian qua.

Tương lai của tiền kỹ thuật số?

Các chuyên gia cho rằng sự sụp đổ của FTX gây ra thiệt hại lớn và tác động không nhỏ tới cách mọi người nhìn nhận về ngành công nghiệp tiền kỹ thuật số nhưng nó sẽ không làm nền kinh tế tiền kỹ thuật số bị nhấn chìm. Sau khi trải qua quãng thời gian đen tối và lao dốc thảm hại, nhất là sau sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX, thị trường tiền kỹ thuật số đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Ngày 10.11, Bitcoin bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, đem lại chút tươi sáng cho thị trường sau chuỗi sự kiện ảm đạm diễn ra liên tục thời gian qua.

Trong khi đó, các nhà quản lý của Mỹ và cả FED quyết định mở một loạt cuộc điều tra sau sự sụp đổ bất ngờ của sàn giao dịch tiền kỹ thuật số FTX. Các sàn giao dịch đối thủ của FTX cũng tìm cách trấn an nhà đầu tư đang đầy lo lắng về sự ổn định của thị trường. Ngày 13.11, sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Kraken cho biết, họ đã đóng băng các tài khoản của FTX cùng công ty giao dịch tiền kỹ thuật số trực thuộc là Alameda Research và của các quản lý cấp điều hành của họ. Ngày 14.11, ông chủ của sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Crypto.com Kris Marszalek trấn an rằng sàn giao dịch của mình vẫn hoạt động bình thường, thậm chí ghi nhận các giao dịch ở mức độ cao. Ông Triệu Trường Bằng, CEO của Binance, cho biết sẽ tìm cách tạo ra một quỹ phục hồi ngành tiền kỹ thuật số để giúp vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay.

Triệu Trường Bằng, người sáng lập và CEO của Binance

Nhà đầu tư tiền số và blockchain William Quigley hy vọng sau cú sốc vừa qua, thị trường tiền kỹ thuật số sẽ phục hồi trong những tháng tới. Trong khi đó, chuyên gia Jayendra Jog của Sei Labs đánh giá trong ngắn hạn thì cú sốc vừa qua sẽ rất tồi tệ nhưng không có nghĩa là ngày tận thế đã đến. Ông Jog tin rằng đây sẽ là động lực thúc đẩy sự quan tâm đến hoạt động kinh doanh các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số phi tập trung minh bạch hơn.

Như vậy, cho dù có tiếp tục diễn biến xấu, suy thoái hay phục hồi và phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai thì cuộc khủng hoảng tiền kỹ thuật số năm 2022 đã phơi bày các sai sót và bất cập của ngành, như một hồi chuông cảnh báo cho các nhà đầu tư và công chúng về sự cần thiết phải có các chế tài và quy định tài chính chặt chẽ. Các lập luận cho rằng tiền kỹ thuật số thực sự minh bạch bởi tất cả các giao dịch trên blockchain đều có thể được theo dõi và các nhà đầu tư không cần các tổ chức tập trung như ngân hàng bởi có sổ cái kỹ thuật để tra cứu và tham chiếu giờ đây không còn đủ thuyết phục khi trải qua cú sốc vừa qua. Để tiền kỹ thuật số thực sự trở thành tương lai của ngành tài chính, các cơ quan quản lý phải tham gia tích cực hơn nữa vào lĩnh vực này. Tương lai của ngành phải là các tài sản kỹ thuật số đã đăng ký, được giao dịch trên các sàn giao dịch được quản lý, nơi mọi người đều có sự bảo vệ của nhà đầu tư mà họ cần. Có làm được như vậy ngành tiền kỹ thuật số mới thực sự phát triển mang tính ổn định và bền vững chứ không phải là một cuộc chơi may rủi như vừa qua.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img