Friday, April 19, 2024

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong trường học



Vụ việc đau lòng vừa xảy ra ở Nha Trang khiến hàng trăm trẻ bị ngộ độc thực phẩm trong trường, 1 học sinh lớp 1 đã tử vong. Hồi chuông cảnh báo ngộ độc thực phẩm tiếp tục được gióng lên.

Đột xuất kiểm tra các công ty cung cấp suất ăn

TP.HCM từ trước đến nay luôn tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong các bữa ăn học đường. Sau vụ việc học sinh (HS) bị ngộ độc thực phẩm hàng loạt ở Nha Trang, các trường càng siết chặt công tác tổ chức bếp ăn hơn nữa.

Tại Trường tiểu học Hồng Đức, Q.8, TP.HCM, ban giám hiệu cho biết trường tổ chức bữa ăn bán trú theo hình thức bếp ăn công nghiệp cung cấp suất ăn tới trường. Cô Phùng Lê Diệu Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc đáng tiếc HS bị ngộ độc thực phẩm hàng loạt tại một trường học ở Nha Trang, Phòng GD-ĐT Q.8 tiếp tục tăng cường nhắc nhở nhà trường trong việc tổ chức bữa ăn, nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở, đốc thúc các bộ phận liên quan tổ chức bữa ăn bán trú để đảm bảo ATVSTP. Cô Diệu Hạnh cho biết nhà trường lựa chọn công ty cung cấp suất ăn công nghiệp uy tín, có đầy đủ giấy phép. Đặc biệt, nhà trường cùng đại diện phụ huynh phải định kỳ, đột xuất kiểm tra một khâu nào đó của công ty cung cấp suất ăn này, xem họ có đảm bảo các tiêu chí ATVSTP hay không.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong trường học

Bên trong bếp ở một trường mầm non tại TP.HCM, bếp ăn đảm bảo “một chiều”, món ăn được bọc kín trước khi mang ra bàn ăn

Khi suất ăn được giao về trường, hiệu trưởng và nhân viên y tế trong trường sẽ là người ăn thử đồ ăn trước, lưu mẫu đồ ăn theo đúng quy trình, sau đó các thầy cô giáo, bảo mẫu sẽ phát cơm tới các em. “Ngay sau khi biết tin về vụ ngộ độc trong trường ở Nha Trang, tôi cũng liên lạc ngay với công ty cung cấp suất ăn cho trường, tiếp tục trao đổi, nhấn mạnh về việc đảm bảo chất lượng, sự an toàn trong mỗi bữa ăn cho học trò mình. Nhà trường cũng sẵn lòng nếu phụ huynh có thể đột xuất tới, liên hệ với nhà trường để vào thăm, tìm hiểu về bữa ăn của con, bên cạnh các hoạt động vui chơi, học tập của con ở trường”, cô Diệu Hạnh chia sẻ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát từ khâu tiếp phẩm

Là địa phương có 100% trường học từ mầm non đến THCS tổ chức bán trú, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.8, TP.HCM, cho biết trong tổng số 51 trường thì có 35 trường tổ chức bếp nấu tại chỗ và 16 trường sử dụng suất ăn. Việc đảm bảo ATVSTP, cân đối khẩu phần dinh dưỡng, đảm bảo suất ăn cho HS bán trú là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng phục vụ của nhà trường hằng năm.

Tuy nhiên từ vụ ngộ độc thực phẩm ở trường học tại Nha Trang, ông Dân cho hay các trường không được lơ là chủ quan trong bất kỳ công đoạn nào. “Trưởng phòng trực tiếp đi cơ sở để nắm tình hình tổ chức bữa ăn cho HS bán trú. Phân công các phó phòng và chuyên viên phụ trách bậc học giám sát, kiểm tra đột xuất chất lượng bữa ăn bán trú, công tác tiếp phẩm, hồ sơ chứng từ liên quan đến nguồn gốc thực phẩm. Đặc biệt đối chiếu bữa ăn thực tế với thực đơn hằng ngày được công khai tại các trường nhằm phát hiện sai sót, hạn chế để chấn chỉnh kịp thời”, ông Dân nhấn mạnh.

Do điều kiện cơ sở vật chất không phù hợp để tổ chức bếp ăn tại trường nên Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM) tổ chức bữa ăn bán trú theo hình thức suất ăn công nghiệp. Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường chọn đơn vị cung cấp suất ăn đảm bảo các yêu cầu, tiêu chí ATVSTP. Tuy nhiên khi có sự cố ở Nha Trang, ngay lập tức trường làm việc với đơn vị cung cấp, yêu cầu kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn bữa ăn cho HS. Đồng thời yêu cầu đơn vị chế biến phải giám sát đảm bảo nguyên liệu đầu vào theo quy định.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong trường học
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.8 cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Q.8 thực hiện việc kiểm tra, giám sát bữa ăn vào trưa ngày 22.11

Tương tự, bà Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1), cho biết đã yêu cầu đơn vị cung cấp suất ăn phải siết chặt công tác kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, nhà trường sẽ tổ chức tăng cường kiểm tra, giám sát bếp nấu của đơn vị cung cấp để kịp thời chấn chỉnh, tránh tối đa những nguy hiểm đối với HS.

Bà Nguyễn Thị Minh Uyên, chủ hệ thống Trường mầm non Việt Đức, cho biết để đảm bảo ATVSTP trong bữa ăn bán trú tại trường, cần làm tốt ngay từ khâu tiếp phẩm, tiếp nhận nguyên vật liệu cho chế biến. “Ngay sau vụ ngộ độc xảy ra ở Nha Trang, chúng tôi tiếp tục nhắc nhở, yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non trong hệ thống giám sát, thực hiện đúng quy trình bếp ăn một chiều, đảm bảo các tiêu chí ATVSTP. Nhân viên trong nhà bếp phải thường xuyên được khám sức khỏe định kỳ. Tôi cũng liên hệ tới nhà cung cấp thực phẩm để trực tiếp nhắc nhở, yêu cầu họ tuân thủ quy định”, bà Uyên nói.

Ngày 22.11, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở GD-ĐT tổ chức đoàn kiểm tra bếp ăn tập thể tại các trường có tổ chức bán trú, kiên quyết đình chỉ hoạt động bếp ăn bán trú không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tại TP.HCM, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT, cho hay Sở sẽ có nhắc nhở, yêu cầu các trường không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn và yêu cầu của Ban ATVSTP của TP. Đồng thời Sở sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý liên quan rà soát, kiểm tra các bếp ăn, căn tin trường học trong thời gian tới.

Bộ GD-ĐT đề nghị tăng cường bảo đảm ATVSTP

Bộ GD- ĐT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các sở GD- ĐT, sở y tế, UBND các quận, huyện, thị xã, TP phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm ATVSTP theo các quy định hiện hành.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành giáo dục – y tế, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ HS nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe HS, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục. Phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, HS.

Tuệ Nguyễn

Cần có công cụ để kiểm tra

Một văn bản ATVSTP chứng minh nguồn gốc một loại thực phẩm nhập vào trường đảm bảo tiêu chuẩn không thể nào loại trừ hoàn toàn nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn, thường xuất phát từ vi khuẩn không thể phát hiện bằng mắt.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí chuyên ngành Procedia-Social and Behavioral Sciences năm 2013, các chuyên gia Malaysia kết luận rằng tận dụng những bộ kit kiểm tra nhanh vi khuẩn thực phẩm, nguồn nước với chi phí thấp có thể góp phần tăng cường đảm bảo ATVSTP. Thử tìm kiếm trên Google, các công ty ở VN cũng cung cấp những bộ kit này.

Nên chăng mỗi trường học cần có một nhân viên y tế đủ chuyên môn kiểm tra thực phẩm và xử lý tình huống ngộ độc tập thể. Ngoài ra cần có bộ kit kiểm tra nhanh vi khuẩn thực phẩm có sẵn tại trường. Điều này sẽ là một giải pháp hữu hiệu phòng ngộ độc thực phẩm học đường.

Thuận Hòa

Đừng coi thường việc khám sức khỏe định kỳ nhân viên nhà bếp

Bác sĩ Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi – Nhiễm, Bệnh viện Q.8, TP.HCM, cho biết thời tiết nắng nóng đang tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi (nhất là vi khuẩn Salmonella khiến hàng trăm HS ở Nha Trang ngộ độc), do đó việc bảo quản thực phẩm phải đúng cách trong nhiệt độ cho phép ở tủ lạnh, việc rã đông thực phẩm cũng phải tuân thủ đúng quy định cho phép. Các công ty cung cấp suất ăn tới các trường thì dụng cụ chứa đồ ăn trong quá trình di chuyển cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Trẻ trước khi ăn cũng phải được nhắc nhở rửa tay bằng xà phòng.

Đồng thời, bác sĩ Thanh Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ, tẩy giun cho nhân viên nhà bếp, và việc này phải làm thật chặt chẽ, khắt khe chứ không phải làm cho có, làm hình thức.

Thúy Hằng

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img