(Chuyện Nóng 24h) – Dinh Tỉnh trưởng ở Đà Lạt có tuổi đời hơn trăm năm, cất giữ nhiều kỷ niệm của thành phố ngàn hoa.
Đà Lạt luôn là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất cả nước, thu hút đông đảo khách du lịch cho dù là ở thời điểm nào trong năm. Đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ hay cuối tuần.
Theo thông tin trên báo Nhân Dân, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, con số lượt khách ghé thăm thành phố đạt tới hơn 3,7 triệu lượt.
Bên cạnh thời tiết, khí hậu ôn hòa, dễ chịu, những món đặc sản ngon miệng, hấp dẫn hay khung cảnh thiên nhiên, một yếu tố nữa giúp thu hút các du khách đến với thành phố ngàn hoa chính là những di tích mang tính lịch sử.
Nổi bật nhất có thể kể tới là các dinh nằm trong quần thể Dinh Vua Bảo Đại. Có tất cả 3 dinh, lần lượt là Dinh I, Dinh II và Dinh III Bảo Đại.
Các dinh này từng là nơi ở, nơi làm việc hay nơi nghỉ dưỡng của vua Bảo Đại và gia đình của ông. Khi tới đây, du khách ngoài được tham quan không gian các dinh rộng lớn, mang nét đẹp cổ kính, mà còn được tìm hiểu về cuộc sống trước đây qua các kỷ vật gắn liền với gia đình nhà vua.
Tuy nhiên, không chỉ có 3 dinh Bảo Đại, ở Đà Lạt còn có một dinh nữa, mang nét đẹp cổ kính không kém. Địa điểm này trước kia không được nhiều du khách biết tới, mà chỉ chủ yếu là người dân bản địa.
Nó chỉ thực sự được chú ý và quan tâm khi bắt đầu có dự án quy hoạch di tích này thành khu nghỉ dưỡng và khách sạn. Đó chính là Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt.
Dinh Tỉnh trưởng mang vẻ đẹp cổ kính hơn trăm tuổi
Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt được xây dựng từ trước năm 1910, từng được coi là công trình đồ sộ và xây dựng sớm nhất ở Đà Lạt, gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của thành phố. Tính đến nay, dinh thự này đã có hơn 110 năm tuổi.
Dinh nằm trên đỉnh ngọn đồi cao, nhiều cây xanh ở cuối đường Lý Tự Trọng, phường 1, thành phố Đà Lạt, nằm gần nhiều địa điểm du lịch ở Đà Lạt như chợ Đà Lạt, quảng trường Hòa Bình hay hồ Xuân Hương. Chính vì vậy, vị trí của Dinh Tỉnh trưởng cũng được đánh giá là một vị trí đắc địa.
Bao phủ bằng một màu vàng kết hợp với những ô cửa gỗ màu xanh đặc trưng của những dinh thự Pháp xưa, nơi đây mang nét cổ kính đẹp cổ kính không thua kém gì các dinh vua Bảo Đại.
Công trình mang lối kiến trúc cổ điển của châu Âu cuối thế kỷ XIX. Tổng thể là một khối hình vuông, có 2 tầng phía trên với cửa sổ mở ra 4 hướng và một tầng trệt dùng để làm hầm rượu, hầm dự trữ và nhà kho. Phía sau có 2 dãy nhà phục vụ cho việc ở của người giúp việc.
Trước kia, giai đoạn trước 1975, đây là nơi ở và nơi làm việc của thị trưởng, tỉnh trưởng Đà Lạt thời thuộc địa. Chính vì vậy, cái tên Dinh Tỉnh trưởng cũng từ đó mà ra.
Sau 1975, dinh trở thành Cung Thiếu nhi. Đến năm 1978 thì trở thành Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng. Song đến năm 1999, Bảo tàng dời về đường Hùng Vương nên Dinh Tỉnh trưởng gần như bỏ hoang.
Nhận thấy đây là một công trình đồ sộ, kiến trúc đẹp, nằm trên một vị trí đắc địa nhưng đang bị bỏ hoang một cách lãng phí, chính quyền thành phố Đà Lạt đã nhiều lần tìm cách để tận dụng Dinh Tỉnh trưởng.
Giai đoạn năm 2014 – 2015, tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch tôn tạo, chỉnh trang lại Dinh Tỉnh trưởng và giao cho Trung tâm Văn hóa tỉnh để quản lý và sử dụng. Vào dịp Festival hoa Đà Lạt 2015, dinh trở thành nơi giới thiệu văn hóa người Đà Lạt, với hơn 1.500 kỷ vật do các cá nhân, gia đình ở Đà Lạt đóng góp.
Có thể kể tới như góc trưng bày kỷ vật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trang phục của phụ nữ Đà Lạt thập niên 40-50 hay những bức hình về Đà Lạt từ nhiều thế kỷ trước.
Qua những bức hình check-in trên mạng xã hội, Dinh Tỉnh trưởng dần được du khách biết tới nhiều hơn. Theo ghi nhận, bắt đầu từ khoảng năm 2021, lượng du khách quan tâm và ghé tới Dinh Tỉnh trưởng tăng lên.
Từ vị trí của ngọn đồi, nơi có Dinh Tỉnh trưởng, du khách có thể phóng tầm nhìn bao quát, ngắm toàn cảnh trung tâm thành phố Đà Lạt. Ngoài ra, thành quả mang về sẽ không chỉ là những bức hình mãn nhãn mà còn là kiến thức về văn hóa, con người Đà Lạt.
Nếu có dịp đến với thành phố ngàn hoa vào dịp cuối năm này, hãy thêm địa điểm Dinh Tỉnh trưởng vào danh sách điểm đến trong chuyến hành trình của bạn nhé.