Quán nằm trên QL1, đoạn thuộc TT.Cái Tắc, H.Châu Thành A, Hậu Giang. Nối tiếp sự nghiệp của mẹ chồng, quán ăn “2 thế hệ” này là một trong những nơi giữ hương vị đặc sản cháo lòng Cái Tắc lâu đời nhất ở Hậu Giang.
Quán có diện tích khá rộng nhưng khi khách kéo đến nườm nượp thì chật kín, hết chỗ ngồi. Bà Thúy cho biết, quán mở cửa từ 4 giờ đến 21 giờ, có 6 nhân viên phụ việc nhưng nhiều lúc không tránh khỏi tình trạng “vỡ trận”.
Bà Thúy nối nghiệp của mẹ chồng giữ gìn hương vị cháo lòng Cái Tắc |
Vì sao có thương hiệu cháo lòng Cái Tắc?
Vừa trò chuyện vừa khuấy nồi cháo lòng nóng hổi, bà Thúy cho biết mẹ chồng là người khởi sự quán cháo, cũng là người thuộc thế hệ đầu góp phần gầy dựng nên thương hiệu cháo lòng Cái Tắc. Sau này mẹ già, vợ chồng bà nối nghiệp, tuổi quán đã ngót nghét 37 năm. Cháo lòng Cái Tắc là món ăn đặc sản nổi tiếng ở Hậu Giang, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, hầu như những lữ khách phương xa đến đây đều có chung một điều thắc mắc: “Cái Tắc có ẩm thực phong phú, tại sao lại vang danh với món cháo lòng?”.
Theo bà Thúy, có nhiều người nghĩ chợ Cái Tắc toàn bán cháo lòng nên mới có thương hiệu này. Sự thật không phải vậy. Cháo lòng bán từ buổi đầu lập chợ, nhưng theo thời gian phát triển, chợ mở rộng diện tích, hàng quán ăn uống theo đó cũng đa dạng, không có món nào là độc nhất. Khoảng năm 1985, món cháo lòng bắt đầu có bước “đột phá”, tạo tiếng vang rầm rộ. Nó gây chú ý vì nhà lồng chợ Cái Tắc bỗng trở thành nơi tụ hội của rất nhiều người bán cháo lòng.
Mỗi ngày mỗi ngày quán bán khoảng 500 tô cháo lòng, sử dụng hết gần 100 kg lòng heo và rau ăn kèm |
Bà Thúy nhớ rõ nhà lồng phân 10 lô thì chỉ có 2 lô bán nước giải khát, 1 lô bán hủ tiếu mì, còn lại 7 lô bán cháo lòng. “Khi đó, ở miền Tây đâu có cảnh chợ nào đặc biệt như vậy. Sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến cho món cháo lòng ở đây nổi tiếng, có sức hút lạ lùng. Dần dà, khách thập phương kéo đến thưởng thức nhiều hơn. Phần vì hương vị cháo lòng Cái Tắc thơm ngon nên nhanh chóng phổ biến thành thương hiệu và vang xa tứ xứ”, bà Thúy kể.
Trước đây, những quán cháo lòng có diện mạo đậm chất miền Tây, vách dựng tre, nền lót gạch tàu, nổi bật là mái lá ám khói cũ kỹ vì chủ nấu bằng than củi. Sau này, khu chợ nhà lồng được cải tạo để phục vụ cho mục đích khác, những người bán cháo lồng phải di dời sang địa điểm mới, rải rác nên không còn xôm tụ như trước. Hiện nay, số lượng hàng quán giảm hơn xưa, nhưng một số gia đình vẫn quyết tâm giữ thương hiệu cháo lòng Cái Tắc,
Cháo lòng Cái Tắc “bà Thúy” có gì lạ?
Gần 40 năm qua, bà Thúy luôn cố gắng giữ gìn hương vị cổ truyền của món cháo lòng Cái Tắc. Nhiều nơi ăn cháo lòng kết hợp với cháo quẩy, bánh hỏi, bánh tráng, bánh củ cải. Cháo lòng Cái Tắc tạo khẩu vị lạ vì còn kết hợp với bún. Bún cho trực tiếp vào tô cháo, trộn đều cho ngấm vị thanh ngọt, ăn vừa no vừa thú vị.
Theo bà Thúy, cháo lòng là món ăn bình dân, nơi nào cũng có. Sự khác biệt nên chăng là cách nấu và cách thưởng thức ở mỗi nơi ít nhiều có nét riêng. Cháo lòng Cái Tắc nổi tiếng gần xa nhờ sự thơm ngon, được nấu nhừ và lỏng. Khi cháo sôi, lòng heo được cho vào, nấu chín rồi vớt ra, chỉ chừa lại vài miếng huyết. Màu huyết hòa vào cháo tạo nên một màu trắng ngà hấp dẫn.
Đặc sản cháo lòng Cái Tắc của quán bà Thủy |
Ông Nguyễn Văn Phương Nam (43 tuổi, quê gốc TT.Cái Tắc) cho biết, một tô cháo lòng Cái Tắc đúng điệu sẽ ăn kèm thêm với rau đắng, bắp chuối, rau má, giá để tăng thêm mùi vị và màu sắc. “Bụng đang đói mà có tô cháo lòng Cái Tắc là trên cả tuyệt vời. Ngồi hút muỗng cháo, nhai mấy miếng lòng dai dai, béo béo chấm thêm nước mắm trong cho đậm đà là ngon số dzách. Món này đâu chỉ được lòng dân xứ xa, dân địa phương ăn hoài mà vẫn ghiền”, ông Nam vui vẻ nói.
Bà Thúy cho biết, bà thích học hỏi cách làm hài lòng thực khách từ của những hàng quán khác, nhưng bí quyết nấu cháo lòng Cái Tắc thì bà luôn giữ theo kinh nghiệm của mẹ chồng. Bà không rang gạo nhưng cháo chín không nhựa. Bà Thúy “bật mí” do chọn loại gạo cũ, song loại gạo nào, để trong thời gian bao lâu, chế biến thế nào thì chưa thể tiết lộ. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là bí quyết duy nhất để tạo nên sự hấp dẫn của tô cháo lòng Cái Tắc. Bà Thúy phải đích thân đi đến các quầy bán thịt, tuyển chọn mua lòng mới ra lò cho thật kỹ, đảm bảo độ tươi ngon. Mỗi nguyên liệu đều có cách xử lý, trình tự và thời gian nấu khác nhau.
Mỗi ngày bán khoảng 500 tô cháo
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn (43 tuổi, du khách TP.HCM), cháo lòng Cái Tắc giờ không chỉ xuất hiện ở TT.Cái Tắc mà phổ biến khắp miền Tây, thậm chí một số nơi ở miền ngoài. Tuy nhiên, thưởng thức tại quê hương xuất xứ của nó mới cảm nhận trọn vẹn hương vị đặc trưng của món ăn này. “Tô cháo lòng Cái Tắc mới bưng ra là có cảm tình rồi. Tô cháo đầy với tim, gan, cật, phèo, lưỡi, thịt, dồi trường. Người miền Tây thiệt là rộng rãi, miếng nào cũng được xắt rất hào phóng. Ai nói ăn cháo mau đói chứ ăn hết 1 tô cháo lòng Cái Tắc là “tràn đầy năng lượng”. Thử ăn một lần thì phải tấm tắc khen và nhớ đời là có thật”, ông Tuấn nêu cảm nhận.
Quán ăn ít khi nào vắng khách |
Trung bình mỗi ngày, quán của bà Thúy bán khoảng 500 tô cháo lòng, sử dụng gần 100 kg lòng heo và rau ăn kèm. Con số này còn nhiều hơn vào các ngày nghỉ lễ và cuối tuần. Đặc biệt, năm nào cũng vậy, vào mùng 2 và mùng 4 Tết Nguyên đán, khách đều ùn ùn kéo đến, thu nhập một ngày có khi lên đến 60 triệu đồng. Tuy nhiên, nghề bán cháo lòng Cái Tắc cũng vất vả, nhọc công. Để đón lữ khách dừng chân, mới 2 giờ sáng, bà Thúy phải thức dậy chuẩn bị dụng cụ nấu nướng, sơ chế nguyên liệu và ngồi canh chừng nồi cháo suốt 2 giờ liền vì không khéo là bị nhão hoặc khét.
Thấy mẹ thức khuya dậy sớm, 3 người con của bà Thúy thấy xót và khuyên nghỉ nhưng bà vẫn quyết tâm giữ nghề: “Cháo lòng Cái Tắc cho tôi cuộc sống khá giả và niềm vui khi thấy có nhiều người đến quê hương. Tôi theo nghề bởi tình yêu đặc biệt dành cho nó nên gần 40 năm rồi lửa nghề trong tôi vẫn vậy. Nếu còn sức, tôi sẽ còn góp phần gìn giữ bản sắc địa phương, lan tỏa thương hiệu cháo lòng Cái Tắc”, bà Thúy bộc bạch.
Nguồn: thanhnien.vn