Nghi vấn tàu hộ tống Admiral Makarov, soái hạm Hạm đội Biển Đen của Nga, đã bị hư hại trong cuộc tấn công gần đây một lần nữa khiến lực lượng này trở thành tâm điểm chú ý. Trước đó, tàu tuần dương Moskva thuộc hạm đội này đã bị chìm hồi tháng 4.
Với lịch sử lâu đời, Hạm đội Biển Đen là một trong các hạm đội chính của hải quân Nga, có nhiệm vụ đảm bảo khả năng kiểm soát của Moscow tại vùng biển nằm ở cửa ngõ phía nam đất nước và xa hơn.
Nga và biển Đen
Biển Đen là biển nội địa, giáp Ukraine ở phía bắc và tây bắc, Nga và Georgia ở phía đông, Thổ Nhĩ Kỳ ở phía nam, cũng như Bulgaria và Romania ở phía tây. Biển này kết nối với Địa Trung Hải thông qua hai eo biển Bosphorus và Dardanelles.
Tàu ngầm Veliky Novgorod của hải quân Nga tại biển Đen |
Đối với Nga, biển Đen là con đường ngắn nhất để tiếp cận Địa Trung Hải, từ đó đi ra Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, nên có ý nghĩa quan trọng về kinh tế lẫn địa chính trị. Biển Đen cũng thường được xem là vùng đệm chiến lược giữa Nga và NATO, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu (Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Romania đều là thành viên NATO).
Moscow cũng coi biển Đen là cửa ngõ dẫn đến Kavkaz – khu vực vừa là lợi ích lâu dài của Nga, vừa là mối đe dọa dễ gây mất ổn định, cũng như Tây Balkan, nơi các hoạt động gây ảnh hưởng của Nga là cái gai trong mắt Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Các cảng nước ấm ở biển Đen từ lâu đã có vai trò sống còn đối với Nga. Lý do là các cảng của Nga nằm trong vòng cực Bắc, hay Vladivostok, cảng lớn nhất của Nga bên bờ Thái Bình Dương, đều bị đóng băng vài tháng trong năm. Hơn nữa, không có cảng nào trong số đó cho phép Nga tiếp cận Địa Trung Hải dễ dàng.
Kiểm soát biển Đen do đó đã trở thành mục tiêu quan trọng của Nga và góp phần quan trọng dẫn đến sự ra đời của Hạm đội Biển Đen vào năm 1783, sau khi Đế quốc Nga sáp nhập một số vùng lãnh thổ từ Đế chế Ottoman, bao gồm bán đảo Crimea, theo một bài viết trên website Bộ Quốc phòng Nga.
Hạm đội đóng tại nơi mà ngày nay là thành phố Sevastopol ở phía tây nam bán đảo Crimea. Lực lượng ban đầu chỉ có 12 thiết giáp hạm, 20 khinh hạm cỡ lớn, 5 khinh hạm chiến đấu, 18 tàu vận tải và hỗ trợ. Song đến giữa thế kỷ 19, Hạm đội Biển Đen đã trở thành một trong những đội tàu buồm tốt nhất ở châu Âu.
Tranh chấp với Ukraine
Suốt gần 2 thế kỷ, Hạm đội Biển Đen đã tham gia nhiều trận đánh, từ các cuộc chiến liên tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Chiến tranh Crimea cho đến hai cuộc thế chiến. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô trở thành cường quốc thống trị ở biển Đen, một phần dựa vào lực lượng này.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã vào đầu những năm 1990, vai trò quân sự của Hạm đội Biển Đen suy yếu. Đồng thời, lực lượng cũng trở thành vấn đề tranh chấp giữa Kyiv và Moscow vì Crimea lúc này trở thành lãnh thổ của một Ukraine độc lập.
Tổng thống Leonid Kuchma của Ukraine và Tổng thống Boris Yeltsin của Nga khi đó đã đàm phán các điều khoản để phân chia hạm đội. Nhằm xoa dịu căng thẳng, vào ngày 10.6.1995, hai chính phủ đã ký một hiệp ước tạm thời, thành lập Hạm đội Biển Đen Nga – Ukraine nằm dưới sự chỉ huy chung, theo The New York Times.
Tàu tuần dương Moskva tại eo biển Bophorus hồi tháng 7.2021 |
Dù vậy, Nga vẫn thống trị hạm đội về mặt không chính thức, và một đô đốc Nga được bổ nhiệm làm tư lệnh, trong khi phần lớn nhân sự của hạm đội đã nhập quốc tịch Nga. Căng thẳng gia tăng khi Thị trưởng Moscow Yuriy Luzhkov vận động để sáp nhập thành phố Sevastopol, nơi có căn cứ chính của hạm đội, dẫn đến việc Ukraine đề xuất trở thành “đối tác đặc biệt” của NATO vào tháng 1.1997.
Vào tháng 5.1997, Ukraine và Nga đã ký các thỏa thuận, bao gồm Hiệp ước Phân chia, liên quan đến Hạm đội Biển Đen. Theo đó, hai bên đồng ý phân chia hạm đội (bao gồm tàu bè, vũ khí, cơ sở vật chất) theo tỉ lệ Nga 81,7% và Ukraine 18,3%. Đổi lại, Nga đồng ý trả cho Ukraine 526 triệu USD vì sự phân chia này. Ukraine cũng đồng ý cho Nga thuê căn cứ hải quân Sevastopol và các cơ sở khác ở Crimea trong vòng 20 năm với chi phí 97 triệu USD/năm. Thỏa thuận cũng cho phép Nga duy trì tới 25.000 quân, 24 hệ thống pháo, 132 xe bọc thép và 22 máy bay quân sự trên bán đảo Crimea. Ngoài ra, hai bên còn có các quy định liên quan tới việc “tôn trọng chủ quyền của Ukraine”.
Đến năm 2010, Kyiv đồng ý gia hạn hợp đồng thuê của Moscow đến năm 2042, để đổi lấy việc Nga cung cấp khí đốt cho Ukraine với giá ưu đãi trong nhiều năm, thông qua Hiệp ước Kharkiv. Song đến năm 2014, Nga sáp nhập Crimea và từ bỏ các thỏa thuận.
Trước khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ hồi tháng 2, Hạm đội Biển Đen của Nga có khoảng 50 tàu, 4.000 lính thủy đánh bộ và một đơn vị không quân nhỏ, theo The Moscow Times. Hạm đội này được cho là xếp thứ ba về mức độ quan trọng đối với hải quân Nga, sau Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương.
Theo Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA, trụ sở tại Washington DC), trong những năm qua, biển Đen là bàn đạp cho các hoạt động của Nga ở châu Phi và Trung Đông, nơi Moscow vẫn quan tâm đến việc duy trì chỗ đứng và phát huy ảnh hưởng. Năm 2013, Nga tái thiết lập hiện diện hải quân thường trực ở Địa Trung Hải với Hải đội Địa Trung Hải. Hạm đội Biển Đen là nhà cung cấp tàu và hậu cần chính cho hải đội này.
Nguồn: thanhnien.vn