Trong những năm qua, Hàn Quốc luôn là thị trường khách hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam, đứng thứ hai sau Trung Quốc. Năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19, Việt Nam đón 4,3 triệu lượt khách Hàn Quốc, tăng 23,1% so với năm 2018, chiếm 23,9% tổng khách quốc tế của Việt Nam. Giai đoạn 2015 – 2019, khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng 3,9 lần, tăng bình quân 40,1% mỗi năm, cao nhất trong các thị trường khách nguồn.
Khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại sau đại dịch, Hàn Quốc luôn là thị trường khách lớn nhất của Việt Nam. Tính chung 11 tháng năm 2022, Việt Nam đón hơn 763.000 lượt khách Hàn Quốc, chiếm 26% tổng lượng khách quốc tế, là thị trường khách đông nhất của du lịch Việt Nam. 11 tháng năm 2022, Việt Nam đón hơn 2,95 triệu lượt khách quốc tế.
Du khách Hàn Quốc thưởng thức bánh mì trên đường phố Hà Nội |
Đứng sau khách Hàn Quốc là khách Mỹ với 266.100 lượt, chiếm 9%; tiếp theo các thị trường khách trong top 10, gồm Campuchia (172.500), Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Úc, Ấn Độ và Trung Quốc.
Lý giải vì sao khách Hàn Quốc đến Việt Nam đông, báo SCMP có trụ sở tại Hồng Kông phân tích giữa hai nước có nhiều đường bay thẳng, nối các thành phố lớn của Hàn Quốc với những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Đà Nẵng, Phú Quốc, Hà Nội, TP.HCM… Trong đó, Đà Nẵng và Hội An trở thành điểm đến phổ biến nhất của du khách Hàn, nhờ thức ăn ngon, biển đẹp, nhiều khu vui chơi giải trí… Bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet còn có nhiều hãng khác của Hàn Quốc như Korean Air hoặc Jin Air, Jeju Air, T’way, Air Seoul cũng đã mở lại đường bay sau Covid-19. Việc có nhiều hãng bay cạnh tranh khiến giá vé kéo giảm, thu hút đông đúc du khách hơn.
Nhiều du khách Hàn du lịch đến Việt Nam có cảm giác thân thuộc như trở về nhà. Yoo Hyong-rok, người lớn lên ở Seoul, cho SCMP biết đã có chuyến du lịch đến Hà Nội lần đầu và bất ngờ khi thấy có rất nhiều nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng mỹ phẩm mang thương hiệu và chữ Hàn Quốc. Tại Hà Nội hay TP.HCM đều có những phố tập trung đông đúc cộng đồng người Hàn Quốc sinh sống và làm việc.
Ông Trương Đức Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, cho rằng khách Hàn Quốc vào Việt Nam đông phần lớn nhờ đi theo dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của nước này. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đăng ký lũy kế từ Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 1988 đến tháng 11.2022 đạt hơn 80,5 tỉ USD, với hơn 9.400 dự án có hiệu lực, luôn nằm trong top 3 những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Trong đó có những dự án “khổng lồ” như 4 nhà máy của Samsung gồm Samsung Thái Nguyên, Samsung Bắc Ninh, Samsung Display Việt Nam và Samsung HCMC CE Complex; hay các nhà máy LG tại Việt Nam có tới 70.000 người lao động địa phương.
Khu phố Hàn Quốc ở quận 7, TP.HCM với nhiều cửa hiệu tiếng Hàn |
Ông Hải lý giải, mặc dù không phải du khách thuần túy, nhưng các doanh nhân, chuyên gia Hàn Quốc ra vào Việt Nam cũng mang lại nguồn thu lớn cho du lịch, cho đất nước. Họ đồng thời là những “đại sứ” của ngành du lịch, khi gián tiếp quảng bá điểm đến Việt Nam thông qua quá trình đầu tư, kinh doanh thành công của mình.
Bên cạnh đó, thương mại song phương giữa hai nước cũng thúc đẩy nguồn khách qua lại giữa hai quốc gia. Tổng kim ngạch giữa Việt Nam và Hàn Quốc dự kiến đạt 90 tỉ USD năm 2022.
Theo ông Hải, Việt Nam cần nhiều chương trình quảng bá điểm đến chủ động hơn để thu hút du khách Hàn Quốc lớn hơn. Hiện khách du lịch Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu nhờ tiếp thị “truyền miệng” thông qua dòng vốn đầu tư, thương mại và các ngôi sao giải trí Hàn… Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể xem xét nâng thời gian miễn visa cho khách Hàn Quốc dài ngày hơn. Hiện Việt Nam miễn visa đơn phương cho khách Hàn 15 ngày.
Nguồn: thanhnien.vn