Như đã đề cập, điện sinh khối rất tốt cho môi trường và xã hội. Vì là nguồn năng lượng tái tạo nên dư địa còn rất lớn. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, số lượng doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này lại khá ít, hay nói cách khác, doanh nghiệp không được mặn mà.

“Cái khó” của điện sinh khối: "Điểm nghẽn" thu hút đầu tư

Rơm – nguồn nguyên liệu dồi dào cho sản xuất điện sinh khối tại nước ta. Ảnh: Đỗ Vạn

Cơ chế thu hút đầu tư vẫn còn “điểm nghẽn”

Theo Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), là quốc gia có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển điện sinh khối từ các phế phẩm nông nghiệp và rác thải. Tuy nhiên, do các bất cập trong cơ chế, chính sách thời gian qua, đặc biệt chưa có gói tín dụng trung, dài hạn ưu đãi cho nhà đầu tư trên lĩnh vực này nên số lượng nhà máy sản xuất điện sinh khối vẫn còn rất… khiêm tốn.

Ông Nguyễn Anh Dũng, cán bộ dự án, Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công thương cho rằng, cơ chế giá FiT (Biểu giá điện hỗ trợ) hiện nay là giải pháp để thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư tham gia vào phát triển các dự án điện sinh khối.

Có thể nói, việc sử dụng cơ chế giá FiT là sự thay đổi tích cực về năng lượng tái tạo, nghĩa là những lợi ích mà năng lượng tái tạo mang lại không được quy ra tiền nên phải sử dụng một cơ chế giá để mua điện từ năng lượng tái tạo và cơ chế giá đó bao gồm cả những lợi ích mà không thể đo đếm được.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, mức giá FIT của Việt Nam mới chỉ 8,47 US cent/kWh (đối với công nghệ không đồng phát), thấp hơn so với nhiều nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines. Với mức giá ưu đãi thấp, sẽ khó để các ngân hàng cấp vốn, bởi nhiều rủi ro trong đầu tư. Vì nếu giá FIT không thực sự tốt, thị trường tài chính không có đủ đòn bẩy, khuyến khích các ngân hàng sẵn sàng cung cấp nguồn vốn.

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA) thì cho rằng, giá FIT theo Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg tuy đã được điều chỉnh tăng tương đối cao so với quy định trước đó, tuy nhiên, đối với nhiệt điện sinh khối từ bã mía do các nhà máy đường đầu tư công suất phát điện phụ thuộc vào sản lượng nguyên liệu và chỉ hoạt động theo mùa vụ khoảng 3-6 tháng. Khi hết mía thì nhà máy đường dừng hoạt động, nhà máy điện cũng phải ngưng hoạt động. Do vậy, với việc đầu tư nguồn vốn lớn nhưng chỉ hoạt động có vài tháng/năm thì khó đạt được hiệu quả trong đầu tư.

Do vậy, theo ông Vy, VEA đề xuất nên áp dụng cơ chế giá bán điện cố định tương đương 8,47 US cent/kWh cho tất cả nhà máy điện sinh khối mà không phân biệt nhà là nhà máy đồng phát hay nhà máy phát điện sinh khối độc lập. Việc áp dụng giá thống nhất này sẽ khuyến khích được các nhà máy điện sinh khối đồng phát tại các nhà máy đường tìm nguồn chất đốt thay thế bã mía, duy trì hoạt động cả năm, có như thế hiệu quả đầu tư sẽ được cải thiện và các dự án sẽ dễ tiếp cận tín dụng hơn.

“Cái khó” của điện sinh khối: "Điểm nghẽn" thu hút đầu tư

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tập trung thu hút đầu tư cả về công nghệ và nguồn tài chính của nhà đầu tư tư nhân trong sản xuất điện sinh khối. Ảnh minh họa

Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn

Theo đánh giá chung, hiện cơ chế chính sách phát triển điện sinh khối của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm hạn chế, nhưng về cơ bản là đang đi đúng hướng. Khi thị trường năng lượng đã phát triển đến quy mô nhất định, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tốt hơn cho công tác quản lý, bảo đảm sự tăng độ minh bạch, tăng tính cạnh tranh. Với những bước đi đó, hy vọng sẽ tạo điều kiện cho lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng sinh khối nói riêng phát triển.

Đại diện công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 cho rằng, để thúc đẩy phát triển năng lượng sinh khối, bên cạnh việc hỗ trợ về giá, cũng cần có cơ chế thông thoáng, gỡ “vướng” các quy định, thủ tục đầu tư. Đồng thời, cần có chỉ đạo, rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư.

Khi có cơ chế hợp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nguồn năng lượng này.