Cấp “giấy khai sinh” cho chợ đêm
Bộ Công thương vừa có tờ trình về Nghị định phát triển và quản lý chợ (thay thế Nghị định số 02, ngày 14.1.2003 và Nghị định số 114 ngày 23.12.2009), trong đó đề xuất bổ sung quy định liên quan đến phát triển chợ đêm. Theo Bộ Công thương, ngày 27.7.2020, Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Bộ Công thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng quy định hoạt động và quản lý hoạt động của chợ đêm.
Hoạt động mua bán ở chợ đêm Đà Lạt |
Cơ quan này đánh giá mô hình chợ đêm tại Việt Nam đã được triển khai ở một số TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Thanh Hóa… Lợi thế của chợ đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Do đó, chợ đêm càng được đầu tư bài bản thì càng có khả năng giữ chân được du khách. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, có rất nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp.
Trong khi đó, hoạt động của chợ đêm luôn đòi hỏi số lượng lao động khá lớn, nhu cầu nhân lực không chỉ dừng lại là đầu bếp, phục vụ quán ăn, nhà hàng mà còn từ các dịch vụ kèm theo như bốc vác, lái xe, bảo vệ, quản lý, vệ sinh… Vì thế, sự phát triển của sản phẩm du lịch này có thể là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm tạo việc làm mới cho người lao động, góp phần duy trì ổn định xã hội.
Tuy nhiên, Nghị định số 02 chưa có quy định về chợ đêm. Trong quá trình vận hành, mô hình này còn có thể làm phát sinh những vấn đề xã hội như tiếng ồn, an toàn giao thông, gây rối trật tự công cộng… Do đó, trong nghị định mới, Bộ Công thương đề xuất đưa một số nội dung về chợ đêm như: Bổ sung khái niệm về chợ đêm; Bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc phát triển chợ đêm phù hợp với nhiệm vụ, thẩm quyền theo hướng khuyến khích phát triển phù hợp với bối cảnh thực tiễn tùy thuộc vào khả năng của địa phương. Đồng thời bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an trong việc bảo đảm an toàn trật tự xã hội, kiểm soát rủi ro, hạn chế hệ lụy tiêu cực và tác động/ảnh hưởng tới cộng đồng do hoạt động của chợ đêm…
“Lột xác” những khu chợ tự phát
Câu chuyện cấp “giấy khai sinh” cho chợ đêm đến giờ mới được đề cập khiến không ít người bất ngờ, bởi trong khoảng 5 – 6 năm trở lại đây, chợ đêm luôn nằm trong top những sản phẩm du lịch được địa phương tập trung triển khai nhiều nhất. Các TP du lịch như Đà Nẵng, Huế, thậm chí những địa phương vùng cao như Sa Pa, Mộc Châu… khi đặt vấn đề xây dựng sản phẩm về đêm, chữa “căn bệnh trầm kha” khách đến nhiều chi tiêu ít, việc đầu tiên nghĩ tới là quy hoạch phố đi bộ. Không chỉ địa phương mà mỗi dự án khu đô thị mới triển khai của các nhà kinh doanh bất động sản cũng tự tổ chức riêng các khu chợ đêm quy mô hoành tráng để phục vụ cư dân, đồng thời cũng trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Tuy nhiên, cũng bởi chủ yếu hoạt động tự phát, chưa có hành lang pháp lý cụ thể nên hầu hết các khu chợ đêm vẫn chỉ đơn thuần là một khu chợ hoạt động “ngoài giờ”, chưa thật sự trở thành một sản phẩm du lịch về đêm có sức hấp dẫn du khách quay lại nhiều lần.
Là một trong những điểm phải đến khi tới Đà Lạt nhưng chợ đêm Đà Lạt (còn gọi là chợ âm phủ) đang dần trở thành điểm trừ đối với ngành du lịch của TP này. Từ đầu đến cuối khu chợ, các quầy hàng quần áo, giày dép, túi xách gần giống hệt nhau và hầu hết có xuất xứ Trung Quốc. Trái cây, rau củ được giới thiệu là đặc sản địa phương nhưng rất nhiều là hàng Trung Quốc. Các hộ kinh doanh xả rác bừa bãi; mùa mưa hệ thống thoát nước kém khiến nước chảy chậm, toàn khu chợ nhớp nháp mất vệ sinh. Chưa kể tình trạng hét giá, cò cưa, giao tiếp không chuẩn mực giữa người bán và khách hàng vẫn thường xuyên diễn ra.
Tương tự, là một trung tâm thương mại lớn nhất cả nước, nơi quy tụ nền văn hóa ẩm thực của nhiều vùng miền, nhưng các khu chợ đêm, khu mua sắm tại TP.HCM vẫn chủ yếu mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Trước khi bùng nổ dịch Covid-19, khu nổi tiếng nhất là chợ đêm Bến Thành (nằm tại hai bên hông chợ Bến Thành phía đường Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu) cũng chủ yếu bán quần áo, giày dép, đồ phụ kiện, trang sức… hàng “fake”, hàng nhái, hàng Trung Quốc kém chất lượng.
Không những thế, tuyến đường ngắn, cộng thêm việc xe cộ được phép lưu thông khiến toàn khu chợ lúc nào cũng trong tình trạng kém an toàn. Từ cách đây 3 năm, TP.HCM đã lập đề án sáng đèn phố đi bộ về đêm với kỳ vọng giúp TP hình thành một sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách. Thế nhưng đề án đến nay vẫn còn trên giấy.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn, đánh giá không chỉ là khu ăn uống, cảm nhận văn hóa người bản địa, một khu chợ đêm thành công có thể trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của toàn địa phương. Tuy nhiên, một khu chợ, một điểm đến không phải cứ hoạt động vào buổi tối là thành sản phẩm du lịch về đêm. Hầu hết các địa phương đều sở hữu nền ẩm thực đa dạng, phong phú, nhưng các khu chợ đêm vẫn chủ yếu mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, chưa được quy hoạch bài bản.
Phải đủ hấp dẫn để du khách “móc hầu bao”
Quản lý chợ đêm là điều kiện cần nhưng làm sao để chợ đêm trở thành một điểm du lịch hấp dẫn mới là bài toàn khó. Là “tín đồ du lịch” theo dạng phượt, từ khóa đầu tiên trong danh sách tìm kiếm của Hà Linh (29 tuổi, một cộng tác viên bán tour cho các đại lý tại Hà Nội) khi đặt chân tới một vùng đất mới là “các khu chợ đêm nổi tiếng”. Có cơ hội được đi khá nhiều nơi trong khu vực châu Á như Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc… Linh bảo: “Dù ở đâu, các khu chợ, phố đi bộ, phố ẩm thực cũng đều là nơi vui nhất, thu hút nhất”.
Một khung pháp lý hoàn chỉnh, một chiến lược phát triển chợ đêm bài bản sẽ là tiền đề để các địa phương, doanh nghiệp thay đổi tư duy làm chợ đêm, xây dựng bộ sản phẩm kinh tế đêm với cách quản lý chuyên nghiệp hơn.
“Hầu hết các chợ đêm ở Việt Nam đều có mô hình giống nhau, thậm chí đến ẩm thực cũng bán giống nhau. Đồ nướng, kem Thái, trà sữa, hàng nhái và đồ thủ công sơ sài… Có đi cũng chỉ để giết thời gian, cùng lắm là ăn uống khi tới bữa chứ không có nhiều thứ để chi tiêu”, Hà Linh nhận xét.
Từng có thời gian dài nghiên cứu phát triển du lịch, PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, đánh giá các khu chợ đêm tại Việt Nam hiện nay chưa thu hút là do người bán vẫn nghĩ họ đang mưu sinh, chưa có khái niệm đang làm du lịch. Không có sáng tạo, ý tưởng trong cách bán, các khu chợ đêm thường rất buồn tẻ và… nhạt.
Theo bà Thúy, chợ đêm phải vui. Khách đến không chỉ mua sắm, ăn uống mà phải cảm thấy được thư giãn, vui vẻ, được trải nghiệm bằng nhiều giác quan. Cũng một quầy nước dừa, nước cam nhưng tiểu thương ở nước ngoài sẽ nghĩ ra cách chặt, bổ hoặc xếp vỏ trái độc đáo để thu hút, kích thích sự tò mò của du khách. Vì thế, không khí chợ đêm tại các nước luôn vui vẻ, nhộn nhịp, hứng khởi. Bên cạnh đó, chợ đêm có thể không cần mặt hàng độc đáo nhưng rất cần “cái hồn” riêng. Ví dụ đến Hội An hay Huế, chợ đêm có hồn rất riêng, được xây dựng từ khung cảnh, từ phong cách người bán hàng.
“Vấn đề là làm sao để xây dựng nên một thương hiệu chợ đêm mà chỉ có đến nơi đó du khách mới được cảm nhận, được trải nghiệm. Muốn như vậy, chính quyền địa phương không chỉ quản lý mà phải hỗ trợ người dân làm du lịch. Không chỉ có những bộ quy tắc về ứng xử văn minh, truyền thông mà còn có hỗ trợ về cơ chế với những hộ làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… Quan trọng nhất là phải làm sao để mỗi người dân thực sự xác định mình là một người làm du lịch, là đại sứ hình ảnh của địa phương”, PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy nêu ý kiến.
Nguồn: thanhnien.vn