Tuesday, November 26, 2024

Nhu cầu du lịch tăng mạnh: Mỹ khó khăn giải quyết vấn đề thị thực

(Chuyện Nóng 24h) – Theo hãng AP, nhiều người dân Ấn Độ đã hy vọng đến Mỹ nghỉ ngơi và đoàn tụ gia đình nhưng phải chờ đợi rất lâu để có thể nhận phỏng vấn cấp thị thực.

Chaitali Aggarwal, một người dân Ấn Độ từ lâu đã mong muốn có cơ hội đến thăm thành phố New York, Mỹ. Vào năm 2020, Chaitali Aggarwal đã xin thị thực du lịch cho cô và bố. Và hai năm sau, họ vẫn đang chờ đợi.

Nhu cầu du lịch tăng mạnh: Mỹ khó khăn giải quyết vấn đề thị thực  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Giống như tất cả các chuyến đi vòng quanh thế giới khác, đại dịch Covid-19 đã ngăn cản các chuyến đi theo kế hoạch của du khách quốc tế. Tất nhiên, Chaitali Aggarwal không phải là trường hợp duy nhất rơi vào tình trạng này.

Nhiều người dân Ấn Độ hy vọng đến Mỹ để nghỉ ngơi và đoàn tụ gia đình nhưng phải chờ đợi rất lâu để có thể nhận phỏng vấn cấp thị thực. Vấn đề này cũng đang ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch của người dân các nước khác muốn đến Mỹ. Hiện tại, số lượng lớn du khách muốn đến Mỹ đang bị hạn chế nghiêm trọng, khiến quốc gia này rơi vào nguy cơ mất đi hàng triệu đô la doanh thu về du lịch.

“Chúng tôi sẵn sàng nhận bất kỳ cuộc phỏng vấn nào vào bất kỳ thời gian nào, tuy nhiên đã phải chờ đợi rất lâu”, Aggarwal nói.

Trở lại năm 2020, Aggarwal đã thuê một đại lý để giúp giải quyết quy trình cấp thị thực du lịch đến Mỹ. Cô đã nhận được cuộc hẹn phỏng vấn xin thị thực nhưng đã bị hoãn lại vì đại dịch Covid-19. Hiện tại, hoàn cảnh đã thay đổi và cô phải bắt đầu lại quá trình xin cấp lại thị thực. Và sau khi đã chi trả lên tới 171 USD phí và các khoản thanh toán cho đại lý bên thứ ba, Aggarwal lại đang suy nghĩ để xem có đủ khả năng chi trả thêm không.

Để có được thị thực kinh doanh hoặc du lịch, người dân Ấn Độ phải cung cấp thông tin về mục đích chuyến đi bằng cách chứng minh tài chính, quá trình làm việc, trình độ học vấn và thông tin chi tiết về người thân sống ở Mỹ cũng như kế hoạch đầy đủ của chuyến đi. Giai đoạn cuối cùng của quy trình cấp thị thực là phỏng vấn trực tiếp.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thời gian chờ đợi để tham gia phỏng vấn tại Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi vào đầu tháng 12 là 936 ngày, kể cả cuối tuần và ngày lễ. Trong khi đó, ở Hyderabad sẽ mất khoảng 780 ngày chờ đợi và Mumbai là 999 ngày.

Giải quyết nhu cầu xin thị thực đến Mỹ

Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đang thúc đẩy các sáng kiến nhằm đẩy nhanh quá trình phỏng vấn cấp thị thực, bao gồm cả việc tiếp nhận nhân viên mới và tuyển dụng “thành viên gia đình của nhân viên ngoại giao đủ điều kiện đảm nhiệm các vị trí lãnh sự ở nước ngoài và tại Mỹ”. Họ thừa nhận rằng vẫn còn quá nhiều khó khăn, vì vậy Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đang mở rộng quy trình miễn phỏng vấn đối với một số người lao động làm việc tạm thời, sinh viên và chuyên gia. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết quá trình xử lý thị thực toàn cầu có khả năng sẽ tiếp tục vượt mức trước đại dịch vào năm 2023.

“Mặc dù chúng tôi đã đạt được những bước tiến lớn trong quá trình hồi phục du lịch sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nhưng những thách thức về nhân sự chưa thể đáp ứng nhu cầu gia tăng đáng kể về dịch vụ thị thực”, Đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.

Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận rất nhiều người vẫn đang trong thời gian chờ phỏng vấn xin thị thực kéo dài và cam kết sẽ giảm đi thời gian chờ đợi càng nhanh càng tốt trong bối cảnh du lịch quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là nhu cầu gia tăng của người dân các nước để đoàn tụ cùng gia đình ở Mỹ sau đại dịch Covid-19. Một số ý kiến cho rằng những biện pháp đưa ra vẫn chưa đủ để giải quyết tình trạng chờ đợi xin thị thực dài hạn của người dân các nước. Và không chỉ những du khách như Aggarwal cảm thấy bị ảnh hưởng mà cả các doanh nghiệp tại Mỹ cũng chịu chung số phận như vậy.

Hiệp hội Du lịch Mỹ, một cơ quan trong ngành du lịch đã tiến hành nghiên cứu xem xét 3 thị trường du lịch lớn nhất của Mỹ là Brazil, Ấn Độ và Mexico cũng như nghiên cứu các thiệt hại tài chính và sự uy tín đối với việc mất đi lượng khách du lịch lớn. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của USTA Geoff Freeman cho rằng chính sự chậm trễ này đã khiến du khách thay đổi nhu cầu và muốn đến những điểm đến khác cũng như sẵn sàng từ chối đến Mỹ.

“Du khách lựa chọn đến Mỹ vào ngày hôm nay nhưng có thể sẽ không lựa chọn đến vào ngày mai. Và doanh thu đang mất đi đáng kể”, ông Geoff Freeman nói.

Theo Văn phòng Du lịch và Lữ hành Quốc gia, thuộc Bộ Thương mại Mỹ,Ấn Độ là thị trường du lịch lớn thứ 10 vào năm 2019 nhưng là nước chi tiêu lớn thứ 5 đối với ngành du lịch.

Nghiên cứu của Hiệp hội Lữ hành Mỹ (USTA) ước tính Mỹ có khả năng bỏ lỡ 1,6 tỷ USD doanh thu du lịch từ khách Ấn Độ bởi nhu cầu thay đổi điểm đến khác sau sự chậm trễ thị thực và vì nhiều công ty bảo hiểm không chi trả cho chuyến du lịch bị gián đoạn do các vấn đề về thị thực.

“Nhà cung cấp bảo hiểm du lịch sẽ không hoàn trả cho chuyến đi bị hủy nếu bạn không nhận được thị thực du lịch. Thị thực vẫn là giấy tờ bắt buộc để nhập cảnh tại điểm đến”, ông Jeff Rolander, Phó Chủ tịch phụ trách yêu cầu bồi thường của Bảo hiểm du lịch Faye cho biết.

Trường hợp của Aggarwal, cô đã quyết định thay đổi kế hoạch ban đầu và sẽ đi du lịch ở Canada vào mùa hè này. Cô đang suy nghĩ lại về năng lực tài chính cũng như mong muốn của bản thân trước khi nộp lại đơn xin cấp lại thị thực du lịch Mỹ.

“Tôi thực sự muốn đi du lịch. New York có vị trí rất cao trong danh sách du lịch của tôi. Nhưng danh sách chờ quá dài ngày”, Aggarwa chia sẻ.

Hồng Nhung


Nguồn: Toquoc.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img