Không chỉ phố ẩm thực, nhiều tuyến phố đi bộ cũng dần biến thành các tụ điểm nhậu thâu đêm suốt sáng. Thế nên, dù có khát vọng trở thành “bếp ăn của thế giới”, nhưng đến nay vẫn chưa có địa phương nào của VN xây dựng được một tuyến phố ẩm thực đúng nghĩa.
“Bếp ăn” thiếu nơi bày món
“Em sắp đi Đài Loan”. “Sướng vậy, Đài Loan ẩm thực số 1 luôn! Lăn qua được hết mấy con phố ăn uống là xác định về tăng mấy ký”. Dù đã từng đi tour Đài Loan, hầu hết những người trong nhóm chúng tôi đều hào hứng khi nghe một người trong nhóm nói.
Chợ đêm, phố ẩm thực là điểm đến về mặt du lịch, ẩm thực nên đây không chỉ là nơi bán món ăn mà là bán văn hóa ăn, văn hóa uống |
Quả thật, lần đầu đặt chân tới chợ đêm Lục Hợp ở Cao Hùng (Đài Loan), chúng tôi bị choáng ngợp. Buổi sáng, đường Liuhe 2nd Road cũng chỉ là một con đường bình thường với hai bên mặt tiền là nhiều cửa hàng. Thế nhưng khi đồng hồ điểm 18 giờ, các rào chắn chặn đường được dựng lên, khu vực này khoác lên mình một chiếc áo hoàn toàn khác. Lục Hợp bán đủ thứ trên đời, từ hải sản, đồ thủ công mỹ nghệ cho tới quần áo, máy ảnh, động vật sống… vô cùng hấp dẫn và sống động. Riêng về ẩm thực, hàng trăm quầy hàng khói nghi ngút, nào bò bít tết, lưỡi vịt, hàu chiên trứng, xúc xích lớn, bánh bao nước, cơm chiên xào kiểu đường phố… có thể “hạ gục” bất cứ tín đồ du lịch nào. Đáng nói, dù ai cũng đồng tình “Trái cây Đài Loan to mà nhạt”, “Mỗi trà sữa là ngon chứ thực ra cũng không thấy món gì đặc sắc”…, nhưng Đài Loan lại nổi tiếng nhờ những khu chợ đêm.
Điều này đang hoàn toàn trái ngược với VN. Liên tục có mặt trong danh sách những điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới; bánh mì VN, phở, bún chả tự tin “chinh phạt” mọi bảng xếp hạng; được đánh giá có đủ tiềm năng trở thành “bếp ăn của thế giới”… vậy mà gần như chưa có một hub du lịch nào tại VN xây dựng được một tuyến phố ẩm thực bài bản.
Thật ra khách du lịch tới phố đêm, phố ẩm thực không phải chỉ vì đồ ăn ngon mà họ tới vì không khí. VN chưa có nơi nào đủ hấp dẫn, thành ra là bếp ăn nhưng không có nơi bày.
Ngay cả với TP.HCM, nơi mở chợ đêm, phố ẩm thực sớm nhất, nhiều nhất và cũng là nơi hội tụ đa sắc màu ẩm thực, cũng chưa có cái tên phố ẩm thực nào đủ sức trở thành thương hiệu riêng. Mới đây, TP.HCM khai trương phố ẩm thực đường Nguyễn Thượng Hiền, đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), nhưng cũng đã nhanh chóng nhận về nhiều phản hồi chưa tích cực như nhiều hàng quán đóng cửa sớm; có quán gần cống, rác hôi; đường quá nhỏ, không có đủ không gian cho người dân, du khách trải nghiệm; chưa kể còn phải nhường đường cho xe máy. Trước Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM cũng đã mở một số phố ẩm thực như Vĩnh Khánh (Q.4), Hậu Giang (Q.6), Kỳ đài Quang Trung và Hồ Thị Kỷ (Q.10), Hà Tôn Quyền (Q.11) nhưng cũng không để lại được dấu ấn, ngay cả với những người dân TP. Hay với Hà Nội nổi tiếng “ra ngõ là thấy đồ ăn ngon” cũng tìm đỏ mắt chưa ra được phố ẩm thực nào đúng nghĩa.
“Tôi đã đi tổng cộng 13 nước và vùng lãnh thổ, tới đâu cũng tìm các phố ẩm thực đầu tiên bởi tôi tin đó là nơi mình có thể cảm nhận sâu sắc văn hóa, cuộc sống, con người địa phương. Và nó thật sự đúng là như vậy. Mỹ, Pháp, Thái Lan, Đài Loan, Singapore cho tới Ấn Độ… phố ẩm thực ở đâu cũng vui, cũng hấp dẫn. Thật ra khách du lịch tới phố đêm, phố ẩm thực không phải chỉ vì đồ ăn ngon mà họ tới vì không khí. VN chưa có nơi nào đủ hấp dẫn, thành ra là bếp ăn nhưng không có nơi bày”, chị Kiều Nga, một “tín đồ du lịch” có nhiều năm sinh sống tại Singapore, chia sẻ.
Phố đi bộ, chợ đêm từ “nhạt” đến “nhậu”
Nếu đem so với “thiên đường mua sắm khổng lồ” Chatuchack của Thái Lan với diện tích gần 11 ha; những “thiên đường ẩm thực” tại Đài Loan như chợ đêm Tây Môn Đình, chợ đêm Cao Hùng; hay phố đi bộ với hàng ngàn nhánh đường xương cá khiến du khách như lạc lối ở Seoul (Hàn Quốc), mới thấy chợ đêm, phố đi bộ tại nhiều điểm du lịch của VN thật sự quá… tệ.
Quản lý, vận hành phải xuyên suốt
Vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tổ chức, sắp xếp, quản lý, vận hành chợ đêm, phố đi bộ cần xuyên suốt, liên tục. Nên lựa chọn những đơn vị đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm. Nhà nước đề ra tiêu chí và quản lý đơn vị đầu tư trên cơ sở vị trí mà nhà nước mong muốn.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn
Chợ đêm Đà Lạt là một điển hình. Là một trong những điểm phải đến khi tới TP ngàn hoa, nơi các bạn trẻ mỗi lần tới phải “đánh dấu” bằng một tấm hình “check-in”, nhưng chợ đêm Đà Lạt (còn gọi là chợ âm phủ) đang dần trở thành điểm trừ lớn nhất của ngành du lịch TP này. Từ đầu đến cuối khu chợ, các quầy hàng quần áo, giày dép, túi xách gần như bán đồ giống hệt nhau và đều có xuất xứ Trung Quốc. Trái cây, hoa quả được giới thiệu là đặc sản địa phương nhưng thực chất đa số vẫn là hàng Tàu. Các hộ kinh doanh xả rác bừa bãi. Chưa kể tình trạng hét giá, cò cưa giữa người bán và khách hàng vẫn thường xuyên diễn ra. Tương tự, các khu chợ đêm, khu mua sắm tại TP.HCM vẫn chủ yếu mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) hàng rong bán lộn xộn, chỉ chực chờ “chạy loạn” khi công an tới. Đường Bùi Viện (Q.1) thì các quầy bia tràn ra lề đường bủa vây du khách. Bên trong là những bar, pub nồng nặc mùi shisha và bóng cười. Thời gian gần đây, nhiều quán còn tổ chức múa cột, múa sexy ngay lề đường vô cùng phản cảm. Tạ Hiện của Hà Nội không biết từ bao giờ đã được mệnh danh là “phố bia Tây”, không có gì ngoài ăn nhậu…
“Nàng sói” nổi tiếng của Wednesday tiết lộ mê đồ ăn Việt
“Bạn thích ăn đồ gì nhất?”. “Chắc chắn là đồ ăn VN”. Câu trả lời trong mục hỏi đáp trên Instagram của Emma Myers (cô nàng “sói bảy màu” đang nổi đình đám nhờ vai diễn Enid trong bộ phim Wednesday của Netflix) đang gây bão trên các trang mạng xã hội. Điều đáng nói là đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc Emma Myers đã từng sang VN. Nhiều người hâm mộ của cô nàng đoán rằng cô đã “lọt hố” ẩm thực Việt qua phở và bánh mì, trong khi số khác cho rằng chắc hẳn Emma Myers bị “hớp hồn” bởi bún chả. Cộng đồng mạng đang ra sức mời Emma Myers sang VN để dẫn cô đi ăn hủ tiếu, bún riêu, cơm tấm… cho “quên đường về đóng phần 2 Wednesday luôn”.
Nhiều năm lăn lộn, đau đáu xây dựng sản phẩm chợ đêm hấp dẫn cho nhiều điểm du lịch nổi tiếng, ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn, đánh giá bài học từ chợ đêm Đà Lạt cho tới Bến Thành, Nguyễn Huệ, Bùi Viện, Tạ Hiện… cho thấy kinh nghiệm “xương máu” về việc quy hoạch lựa chọn vị trí cùng giải pháp tổng thể về tổ chức. Đây là 2 yếu tố quan trọng nhất để làm nên một phố đi bộ, chợ đêm hay phố ẩm thực đúng nghĩa. Bản thân những mô hình này cũng khác nhau nên đầu tiên cần phân loại rõ ràng. Đơn cử, đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) xác định là phố đi bộ nhưng không có nghĩa khách tới chỉ đi bộ mà vẫn phải có các dịch vụ cơ bản như ăn nhẹ, uống nước, mua sắm đồ lưu niệm. Cũng vì chỉ cần dịch vụ điểm xuyết nên phải lựa chọn những dịch vụ thật “chất”, ấn tượng. Trong khi đó, chợ đêm, phố ẩm thực là điểm đến về mặt du lịch, ẩm thực nên cần dịch vụ dày đặc hơn, nhưng vẫn phải đảm bảo được tổ chức bài bản và có dấu ấn. Vì chưa định hình được rõ nét mô hình tổ chức nên nhìn chung các khu chợ đêm, phố ẩm thực của VN đều mắc bệnh “nhạt”, dịch vụ thì chán, còn tổ chức thì nhếch nhác.
“Bùi Viện hay Tạ Hiện lại là câu chuyện khác. Bản chất ban đầu của các tuyến đường này là tự phát. Sau khi nhà nước đưa vào quy hoạch thì lại thiếu giải pháp để tổ chức, quản lý, kiểm soát, vận hành, để lại hệ lụy rất lớn về mặt xã hội. Đành rằng cũng cần có những tuyến phố mang phong vị lạ, phóng khoáng, nhộn nhịp nhưng vẫn phải có chừng mực. Không thể để trở thành nhậu nhẹt phản cảm như Bùi Viện hiện nay”, ông Huỳnh Văn Sơn nêu quan điểm.
Theo ông Sơn, những phố ẩm thực, chợ đêm không chỉ tập trung bán bia mà phải có đầy đủ phong vị ẩm thực, có gian hàng lưu niệm hay những mặt hàng “theo trend” mỗi mùa lễ. Đặc biệt là cần lựa chọn đặc sản địa phương. Muốn vậy, phải quy hoạch ngành hàng của tiểu thương. Không để cứ ai có tiền vào thuê gian hàng rồi muốn bán gì thì bán theo kiểu “phân lô bán nền”.
Phố đi bộ Bùi Viện (TP.HCM) và Tạ Hiện (Hà Nội) chủ yếu là các quán nhậu |
Ẩm thực không thể thiếu văn hóa
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực VN, cho rằng ẩm thực VN nổi tiếng thế giới, chinh phục mọi du khách nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có được một con phố ẩm thực đúng nghĩa là do chưa nhận thức đúng phố ẩm thực là gì.
Không chỉ bán món ăn mà bán văn hóa ăn, văn hóa uống
Phải quy hoạch, đào tạo từ người bán đến người mua, để họ hiểu món mình bán, cách mình bán, khéo léo lồng ghép vào trong đó những yếu tố về văn hóa, phong tục, tập quán trong cách ăn, cách uống của người Việt. Quan trọng nhất phải đảm bảo được vấn đề môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức giao thông… Đồng thời tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa mang tính đặc trưng, đặc thù ở địa phương. Không chỉ là bán món ăn mà là bán văn hóa ăn, văn hóa uống.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực VN
“Ẩm thực là một giá trị văn hóa trong chuỗi giá trị văn hóa của một dân tộc, là nét riêng của mỗi con người, mỗi đất nước. Phải đưa được văn hóa vào thì ẩm thực mới đáng giá để trưng bày, mời gọi. Chúng ta không bán món ăn mà bán văn hóa ăn, văn hóa uống. Cái đó mới là sự khác biệt”, với quan điểm như vậy, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định nhiều khu phố ẩm thực bị chê là khu ăn nhậu vì quan niệm phố ẩm thực quá tầm thường, quá đơn giản. Chỉ cần tập trung các hàng quán, rào đường, tô sơn, kẻ vạch là thành phố ẩm thực, thành chợ đêm. Tới đó không ai cảm nhận được gì, không ai hiểu văn hóa ăn uống của người Việt ra sao. Chỉ thấy người ta nhậu vô tội vạ, thấy hàng quán đổ rác ngay gần quầy ăn, thấy người dân xả rác bừa bãi. Họ “nghe nói” ẩm thực Việt đặc sắc nhưng khi tiếp cận thì thất vọng. Không chỉ dừng lại ở sự lãng phí tài nguyên, việc tổ chức các phố ẩm thực, chợ đêm nhếch nhác như hiện nay vô hình chung làm méo mó văn hóa Việt, khiến du khách hiểu sai về văn hóa VN.
Phố ẩm thực Phan Xích Long sẽ “trên bến dưới thuyền”
Phố ẩm thực Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) dự kiến sẽ kết nối tuyến đường thủy gần đó |
Theo đề xuất của UBND Q.Phú Nhuận (TP.HCM), khu vực phố ẩm thực Phan Xích Long nằm trên trục đường Phan Xích Long, đường dẫn vào khu dân cư Rạch Miễu (địa bàn các phường 1, 2, 7, Q.Phú Nhuận). Dự kiến khu phố ẩm thực Phan Xích Long có cổng chào chính nằm ở nút giao đường Phan Xích Long – Phan Đăng Lưu. Các cổng phụ sẽ nằm tại ngã ba đường Trường Sa – Hoa Phượng. Đặc biệt, khu phố ẩm thực này sẽ kết hợp với một bến du thuyền du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Du khách tới đây sẽ được phục vụ ca nô du lịch và thuyền chèo tay, đồng thời được đưa đón, kết nối từ điểm để xe đến nhà hàng, tham quan nội bộ khu phố ẩm thực. Phần vỉa hè trước cửa hàng, doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh sẽ được triển khai làm điểm giữ xe hai bánh. Đồng thời bố trí một điểm đậu ô tô có thu phí trên đường Hoa Phượng và đầu tư hệ thống tháp đậu ô tô lắp ghép. Dự kiến nguồn kinh phí triển khai phố đi bộ là 31 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 1,7 tỉ đồng, DN và người dân tham gia hơn 10,7 tỉ đồng, DN hợp tác đầu tư khai thác là 11,5 tỉ đồng.
Sở Công thương TP.HCM cũng đưa ra đề xuất vận hành thường niên là 500 triệu đồng/năm. Sở này cũng tính toán đến việc mở rộng kết nối với tuyến du lịch đường thủy từ Q.Phú Nhuận đi các điểm tham quan về đêm trên sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ và khu vực Tân Cảng. Đề án đang chờ “cái gật đầu” của UBND TP.
“Tại sao cũng là nhậu nhưng người Đức lại hình thành được văn hóa uống bia? Họ còn uống nhiều hơn mình, nhậu hơn mình nhưng tất cả những thứ đó được đặt trong một khung cảnh, trong bối cảnh văn hóa với cách thể hiện văn minh, dù ồn ào cũng không làm phiền người xung quanh. Còn mình nhậu nhẹt xong thì ói mửa, xả rác, thậm chí gây gổ đánh nhau. Đó là mặt trái của văn hóa mà chúng ta phải thay đổi nếu muốn xây dựng các phố ẩm thực, chợ đêm, phố đi bộ đúng nghĩa, có thương hiệu”, ông Nguyễn Quốc Kỳ đặt vấn đề.
Nguồn: thanhnien.vn