Đoàn khảo sát thăm chùa Hương
Điểm nhấn của chương trình là chuyến khảo sát thực tế (Famtrip) 3 ngày 2 đêm để tìm hiểu cơ sở vật chất, chất lượng ẩm thực, các sản phẩm dịch vụ mới tại các địa phương. Thành phần tham gia gồm đại diện hơn 100 doanh nghiệp lữ hành của ba miền Bắc, Trung, Nam.
Đoàn khởi hành từ Hà Nội tới điểm du lịch đầu tiên: chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Đây là một danh lam thắng cảnh – di tích lịch sử văn hoá, tín ngưỡng nổi tiếng của Hà Nội. Hàng năm, lễ hội chùa Hương đón hàng triệu phật tử khắp bốn phương về đây trẩy hội.
Từ chùa Hương đi tiếp khoảng 7km, đoàn khảo sát đến với khu du lịch tâm linh Tam Chúc, Hà Nam. Đây là một quần thể phức hợp chùa Tam Chúc, hệ thống nhà hàng, khách xá, cảnh quan rộng lớn. Du khách có thể trải nghiệm du thuyền, lênh đênh trên hồ Lục Nhạc rộng 600ha.
Khung cảnh nên thơ mờ ảo ở chùa Tam Chúc
Trải nghiệm du thuyền trên sông Lục Nhạc
Điểm đến cuối cùng của hành trình là Ninh Bình. Ngoài thử nghiệm dịch vụ xe Bus 2 tầng đi quanh thành phố, đoàn khảo sát cũng là những vị khách đầu tiên được trải nghiệm cung trekking vùng lõi di sản Tràng An, dự kiến sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2023. Qua đó, các công ty lữ hành sẽ có ý tưởng cho nhiều sản phẩm, tour tuyến du lịch mới, phục vụ khách trong nước và Quốc tế khi đến miền Bắc của Việt Nam.
Thử nghiệm tour trekking vùng lõi di sản Tràng An
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Hội nghị với chủ đề “Hợp tác – Phát huy thế mạnh – Cùng nhau phát triển” đã được tổ chức tại Ninh Bình. Tham dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Trần Song Tùng – Ủy viên ban thường vụ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cùng đại diện các tỉnh Hà Nam, Quảng Ninh, Nam Định…., các chuyên gia về du lịch và hơn 100 doanh nghiệp lữ hành trên cả nước.
Các tỉnh đồng bằng sông Hồng ký kết hợp tác du lịch giữa các tỉnh
Để nói về tiềm năng lợi thế của vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), ông Hà Văn Siêu (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam) khẳng định: “11 tỉnh ĐBSH có rất nhiều tài nguyên, đặc biệt là văn hóa, sinh thái, và có rất nhiều điểm tương đồng kết dính lại thành điểm đến vô cùng đặc sắc. Văn hóa, văn minh sông Hồng là một niềm tự hào của Việt Nam, và có thể trở thành điểm đến có sức hút nếu các địa phương, doanh nghiệp biết khai thác, biết liên kết cùng nhau để tạo ra các chuỗi sản phẩm du lịch, tạo ra các trải nghiệm liên tỉnh trong vùng”.
Các chuyên gia cũng đưa ra những con số để thấy rằng tiềm năng du lịch vùng ĐBSH là rất lớn: Hệ thống hơn 2200 di tích cấp Quốc gia; 1200 làng nghề; các nghệ thuật truyền thống (chầu văn, ca trù, hát chèo, hát xẩm, múa rối nước….); văn hóa làng xã cổ truyền của người Việt và văn minh lúa nước; nhiều lễ hội và các món ăn đặc sản vẫn còn được gìn giữ tới ngày nay.
Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế cho du lịch trong vùng, như: sản phẩm du lịch của các địa phương còn trùng lặp, thiếu các sản phẩm mang tính đột phá; các sản phẩm du lịch lễ hội chủ yếu hoạt động theo mùa, công tác tổ chức còn hạn chế; các sản phẩm du lịch đêm, du lịch nông thôn, chăm sóc sức khỏe còn chưa được quan tâm,…
Theo đó, một số chuyên gia đã đưa ra các ý tưởng mới. Ông Phùng Quang Thắng (Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội) cho biết đang ấp ủ tour du lịch khoa học với chủ đề Việt Nam ứng biến với biến đổi khí hậu, gửi gắm thông điệp: Việt Nam không rác thải nhựa. Bà Đặng Hương Giang (Giám đốc Sở Du lịch Tp, Hà Nội) bật mí về tour xe bus đường sông, chạy dọc sông Hồng bằng năng lượng đến thân thiện với môi trường.
Đại diện các công ty Lữ hành, ông Lương Duy Doanh (Giám đốc công ty Fivestar Travel) mong muốn các dịch vụ ăn uống, hàng quán tại các điểm du lịch sẽ cải thiện về cảnh quan, vệ sinh môi trường và sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường hơn nữa. Ngoài ra, cần tăng cường các trải nghiệm để du khách lưu trú lâu hơn, đặc biệt các cung đường đi bộ ngắm cảnh tận hưởng thiên nhiên thay vì đi bằng ô tô.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”! Trong thời điểm dịp Tết đã cận kề, Sở du lịch các tỉnh thành và doanh nghiệp lữ hành sẽ gấp rút thiết kế các sản phẩm du lịch mới, đặc biệt các tour du lịch tâm linh để kịp thời đáp ứng nhu cầu du xuân của du khách trong và ngoài nước.
Nguồn: vtv.vn