Nhiều dự báo về những thách thức, khó khăn, đan xen đã được các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp đầu ngành, SMEs cùng đưa ra.

Hừng sáng 2023

Toạ đàm “Dự báo kinh tế – vượt “cơn gió ngược” 2023” Toạ đàm “Dự báo kinh tế – vượt “cơn gió ngược” 2023” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngành 27/12.

Ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Công nghệ Win Win, chia sẻ với DĐDN rằng: Chúng ta đang nhận diện mọi thứ quá bi quan. Theo ông Năm, trong dòng chảy cuồn cuộn của 2023, bên cạnh những khó khăn tác động từ bên ngoài và có cả thách thức nội tại, thì sức sống, sinh khí của nền kinh tế đến trong rất nhiều ngành nghề.

Thứ nhất, đó là cơ hội của công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam, khi đây là một trong những ngành hút vốn FDI nhiều nhất trong 2022. “Có thể trong 2023, một số thị trường nhập khẩu của Việt Nam sẽ cắt giảm nhu cầu tiêu dùng, sụt đơn hàng, nhưng đó sẽ là ngắn hạn. Bởi lạm phát sẽ hạ nhiệt ở những nền kinh tế lớn. Không phải ngẫu nhiên các tập đoàn như Samsung, Honda vẫn tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam”.

Thứ hai, xu hướng đầu tư bền vững sẽ giúp Chính phủ và doanh nghiệp có một bước chuyển dịch lớn trong “chất” của nền kinh tế, và điều này chúng ta đã có sự sẵn sàng từ 2 năm trước, bắt đầu sau COP26. Các ngành kinh tế xanh sẽ là điểm sáng.

Hỗ trợ cho sức chống chịu và vượt lên, đột phát của doanh nghiệp Việt trong 2023, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup dự báo, tỷ giá sẽ hết áp lực và “thanh khoản mở rộng”. 

Hừng sáng 2023

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty Dữ liệu WiGroup.

“Lạm phát toàn cầu giảm nhanh, lạm phát Việt Nam lại được dự báo sẽ cao trong năm 2023. Chính phủ cũng đưa ra mức lạm phát 5% năm 2023 trong khi các năm trước chỉ là 4%, điều này cho thấy Chính phủ và các chuyên gia cũng nhận định lạm phát sẽ cao. Vì vậy, chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ cao những tháng đầu năm nhưng giảm dần, khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm, là “ánh sáng cuối đường hầm” của một năm 2023 nhiều khó khăn”,  CEO WiGroup nhận định.

Hừng sáng 2023

TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế

Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay các nước đã đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam khi chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô. Ví dụ tập đoàn Lego (Đan Mạch) mới đầu tư vào Bình Dương 2 tỷ USD với tầm nhìn 10-20 năm, họ không chỉ đòi hỏi yếu tố hạ tầng mà chính sách cần phải ổn định, khi đó mới có thể chuyển dịch nhà máy. Vì vậy đây là một cơ hội chứ không phải rủi ro.

Cùng với đó, trong ba năm từ 2018 – 2021, sự chuyển dịch từ Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á đã giúp tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc đang từ 33% qua Mỹ giảm xuống 25%. Còn các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đã tăng từ 10 – 14%. Như vậy, FDI vào Việt Nam là một tiến trình ổn định mặc dù có một vài gián đoạn trong quý 1-2, nhưng tiến trình đó vẫn là một cơ hội vì khi FDI vào Việt Nam không chỉ giúp tiêu dùng nội địa tăng, tạo việc làm, mà còn tạo quá trình đô thị hóa, các khu công nghiệp phát triển, gián tiếp giúp bất động sản tạo ra nhiều ngành nghề khác, đồng thời gián tiếp phát triển các doanh nghiệp nội địa bao gồm nghiệp phụ trợ.

“Một vấn đề đang lưu tâm hiện nay là, chúng tôi và nhiều chuyên gia đều mong muốn thị trường bất động sản phải là một thị trường hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững, chứ không phải tăng nhanh như 2020 – 2022, mà phải ổn định tăng trưởng thậm chí chậm hơn một chút so với tăng trưởng kinh tế”. – ông Hiển nói.

“Chúng ta rất nhanh sẽ bước qua thử thách đầu của 2023, tại quý I với lãi suất hạ nhiệt, ổn định trong quý II và thị trường sẽ trở nên rất hấp dẫn trong quý III. Những “độ nén” của nền kinh tế trong khó khăn toàn cầu hôm nay, Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng “giữ nhịp” tăng trưởng cao năm qua, vì vậy sẽ giúp kinh tế đón một 2023 hừng sáng!”, Chuyên gia Đinh Thế Hiển nói thêm.