Người ta bảo nhau rằng loài nấm này mọc lên từ những đụn đất của đàn mối nên có tên gọi như vậy. Nấm lúc mới nhô lên khỏi mặt đất có hình thù như nấm rơm. Chỉ sau một đêm, tai nấm lớn và có đường kính tầm 3 cm. Trên đỉnh đầu có màu đen rồi nhạt dần xuống hai bên vành tai; cuống nấm có màu trắng hơi ngả vàng phía dưới gốc; nấm cao khoảng 5 – 6 cm. Nếu không nhổ kịp, chúng sẽ tàn lụi rất nhanh trong khoảng 24 giờ kể từ khi vươn lên khỏi mặt đất.
Nấm mối |
Khác với nấm tràm chỉ mọc khi có những cơn mưa mùa hạ sau chuỗi ngày nắng nóng oi bức, nấm mối thường mọc ở khoảng thời gian cuối thu, đầu đông. Nếu nấm tràm là một món quà từ đất mang đặc trưng rõ rệt của miền Trung, mà đúng hơn là chỉ có ở Huế, Quảng Trị thì nấm mối lại khác. Loài này có mặt ở hầu hết các địa phương, và thời gian nấm mọc lên khỏi mặt đất cũng tùy từng vùng. Có nơi là mùa khô, có nơi mọc sau những cơn mưa mùa hè. Nhưng ở Huế thì mặc nhiên là nấm mọc khi bước vào giai đoạn trời mưa lê thê, chuyển rét.
Khi mưa xuống, kèm những cơn gió se lạnh cũng là lúc người dân ở quê thức dậy sớm đi tìm nấm mối. Về quê ở thời điểm có nấm, bạn sẽ rất dễ bắt gặp cảnh người dân đội đèn pin đi tìm thứ quà mọc lên từ đất. Họ len lỏi trong những bụi cây, cẩn thận lật từng chiếc lá.
Tìm nấm mối đôi khi lại tùy duyên, nhưng có một số người thường xác định các ổ mối từ trước, mưa xuống là họ đến quanh đó tìm nấm. Nếu năm trước tìm ở điểm nào đó có nấm thì năm sau họ sẽ quay lại.
Có mấy đợt, tôi và lũ bạn ở quê cũng hay rủ nhau đi tìm. Nấm tràm thì tầm 30 phút chúng tôi đã hái được cả một giỏ đầy. Nhưng với nấm mối thì khác, cả một buổi sáng kiếm được vài gram xem như là thành công lớn. Khó tìm và khó gặp nên giá của loài nấm này cũng cao ngất ngưỡng.
Nấm mối chế biến được món gì ngon? Sau khi nhổ về, nấm được làm sạch, rửa qua nước, để ráo rồi đem đi chế biến. Với nấm tràm thì người chế biến phải ngâm nước muối một lúc, rồi đem luộc chín để bớt độ đắng. Nhưng với nấm mối thì không cần, bởi nó không đắng và không có chất nhầy như nấm tràm.
Từ nấm, người ta biến tấu được nhiều món ngon, nhưng tôi vẫn thích nhất món nấm mối nấu nui. Mạ tôi thường luộc nui trước cho mềm, rồi bà lấy ít tôm ướp sẵn các gia vị tầm 30 phút cho thấm. Tôm thấm gia vị, mạ bỏ lên xào qua cho tôm chín đều. Khi nui bắt đầu mềm, bà hạ lửa nhỏ rồi chêm thêm nước, đổ phần tôm vừa xào sơ vào chung với nui. Sau khi nêm nếm thấy mọi thứ đã vừa miệng, mạ đổ rá nấm lên rồi để lửa nhỏ tầm 5 phút. Để nấm ngon thì không được nấu quá chín. Món nấm nấu nui của mạ bao giờ cũng cho tôi cảm giác vừa miệng, dai ngọt, mềm mại kèm một chút hương vị đồng quê từ tôm đất.
Ngoài nấm mối nấu nui, còn có thể chế biến các món nấm mối xào, nấm mối nấu cháo, nấm mối nấu canh rau. Công phu hơn thì tẩm gia vị rồi cuốn giấy bạc đem hấp, hoặc nướng…
Những dưỡng chất từ nấm đem đến cho người dùng một khẩu vị tuyệt vời; nấm dai, ngọt, nhai có cảm giác béo. Với nấm mối, tôi nghĩ dù những ai kén ăn nhất nhưng khi đã gắp một miếng để thưởng thức cái hương vị từ lòng đất thì chắc hẳn rất dễ xiêu lòng.
Nguồn: thanhnien.vn