2020: Đại dịch bùng phát
Vào những ngày cuối năm 2019, một căn bệnh viêm phổi lạ khởi phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, theo WHO. Chỉ ít ngày sau, vi rút gây ra những ca tử vong đầu tiên và lây lan sang nước khác. Căn bệnh sau đó được gọi là Covid-19 do SARS-CoV-2 gây ra này đã nhanh chóng làm cuộc sống của người dân trên toàn thế giới đảo lộn.
Chợ hải sản đã đóng cửa ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 10.1.2020 |
Để ngăn chặn sự lây lan của vi rút, hàng loạt quốc gia đã đưa ra các biện pháp giãn cách xã hội, bắt buộc đeo khẩu trang và thậm chí là phong tỏa cả nước, đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, số ca nhiễm và tử vong do SARS-CoV-2 gây ra vẫn tăng theo cấp số nhân chỉ trong thời gian ngắn. Tâm dịch cũng chuyển từ Trung Quốc sang các nước châu Âu như Ý, Tây Ban Nha, Anh. Nhiều lãnh đạo thế giới, trong đó có lãnh đạo đương nhiệm vào năm 2020 ở các nước Mỹ, Anh và Brazil, Pháp…, đã không tránh khỏi bị lây nhiễm.
Dù vậy, nhân loại đã bắt đầu có những tia hy vọng đầu tiên vào giữa năm khi nhiều loại vắc xin ngừa Covid-19 cho kết quả khả quan trong những cuộc thử nghiệm lâm sàng. Đến đầu tháng 12.2020, Anh phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin Pfizer và các nước phương Tây khác cũng có động thái tương tự những ngày sau đó. Các vắc xin AstraZeneca và Moderna cũng được đưa vào sử dụng khẩn cấp ở nhiều nước.
2021: Các biến thể hoành hành
Những tưởng với sự phát triển của vắc xin, các nước có thể thích ứng với đại dịch và mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, việc vắc xin chủ yếu được phân bố ở các nước giàu cùng với sự xuất hiện của một loạt biến thể mới là một đòn nặng khiến thế giới không kịp trở tay.
Chỉ hơn 6 tháng sau khi được xác định lần đầu tại Ấn Độ vào cuối năm 2020, biến thể Delta đã nhanh chóng trở thành chủng chiếm ưu thế và gây ra một loạt làn sóng lây nhiễm mới trên toàn thế giới. Biến thể Delta – vốn có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng lây lan nhanh và giảm hiệu quả của vắc xin so với chủng
SARS-CoV-2 ban đầu – đã góp phần khiến hơn 3,3 triệu người thiệt mạng trong năm 2021, vượt xa mốc 1,9 triệu người tử vong trong năm 2020. Điều này là do nhiều nước mở cửa vì tưởng rằng đại dịch đã kết thúc dù tỷ lệ phủ vắc xin chưa cao.
Có thể nói, năm 2021 là năm của các biến thể khi sau Delta, các chủng Delta Plus, Lambda và Mu cũng làm gióng lên những hồi chuông cảnh báo mới. Đặc biệt, sự xuất hiện của biến thể Omicron với số đột biến kỷ lục ngay trước dịp Giáng sinh và năm mới đã khiến cả thế giới phải lo ngại. Tốc độ lây lan “chóng mặt” của Omicron, khi số ca nhiễm tăng gấp đôi chỉ sau 2-3 ngày, làm nhiều nước phải hoãn kế hoạch mở cửa và tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.
2022: Sống chung với Covid-19
Sang năm 2022, biến thể Omicron đã nhanh chóng thay thế Delta trở thành chủng chiếm ưu thế trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta, cùng với việc phần lớn người dân đã có kháng thể qua lây nhiễm tự nhiên hoặc tiêm vắc xin, nhiều nước bắt đầu mở cửa và tìm cách sống chung với Covid-19.
Hạn chế đối với người đến từ Trung Quốc
Mỹ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đã công bố chính sách bắt buộc xét nghiệm Covid-19 đối với người đến từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau, theo Reuters. Chính phủ Mỹ yêu cầu tất cả hành khách đi máy bay từ 2 tuổi trở lên phải làm xét nghiệm không quá 2 ngày trước khi khởi hành từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông hoặc Macau, và trình kết quả âm tính cho hãng hàng không khi làm thủ tục lên máy bay. Hàn Quốc và
Ấn Độ cũng yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành. Trong khi đó, Nhật Bản, Ý và Đài Loan yêu cầu thực hiện xét nghiệm khi nhập cảnh. Tây Ban Nha yêu cầu người đến từ Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc chứng minh họ đã được tiêm phòng đầy đủ.
Một số nơi khác đang theo dõi tình hình để cân nhắc xem có nên áp đặt hạn chế hay không, bao gồm Úc, Anh và Philippines. Riêng tại Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên đã bác lời kêu gọi của Ý về việc xét nghiệm người đến từ Trung Quốc trên toàn khối.
Trong một bài viết đăng vào tối 29.12, tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc cho rằng việc áp đặt các biện pháp hạn chế nói trên là hành động “vô căn cứ”, mang tính “phân biệt đối xử”.
Lam Vũ
Sự xuất hiện của công nghệ vắc xin tiên tiến giúp các nhà sản xuất nhanh chóng cập nhật vắc xin để chống lại biến thể mới, bộ xét nghiệm nhanh tại nhà, các loại thuốc kháng vi rút và các phương pháp điều trị mới cũng giúp Covid-19 dần dần trở thành bệnh đặc hữu. Giờ đây, Covid-19 không còn làm gián đoạn cuộc sống và việc du lịch, lễ hội, đến trường, đi làm… đã có thể diễn ra bình thường như trước đại dịch.
Tuy vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp do Covid-19. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng hiện tỷ lệ chủng ngừa ở nhiều nước đang chững lại và một biến thể đáng lo ngại mới có thể đánh đổ tình trạng “bình thường mới” mà chúng ta đang cố gắng duy trì. Đặc biệt, thế giới cũng cần có biện pháp đối phó nếu một đại dịch khác xuất hiện.
Nguồn: thanhnien.vn