Tất bật
Cách đây chừng 1 tháng, lò bánh chưng của ông Hải nằm trong một con hẻm trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) bắt đầu nhận những đơn hàng đầu tiên cho dịp Tết Quý Mão 2023.
Bên trong căn nhà nhỏ và cũng là xưởng làm bánh, ông Ước cùng một vài người thân tất bất bật chuẩn bị cho những đơn hàng hằng ngày.
Gia đình ông Ước có truyền thống làm và bán bánh chưng 3 đời ở Phú Tho |
Nhà có truyền thống gói bánh chưng 3 đời ở Phú Thọ, ông Ước cùng 5 anh chị em khác trong nhà đều nối nghiệp gia đình làm nghề này. Để mưu sinh cũng như mang hương vị bánh chưng của gia đình đi khắp mọi miền đất nước, anh chị em của ông tỏa ra nhiều tỉnh thành từ Bắc tới Nam để mở xưởng bánh.
“Nhiều anh chị em tôi ra Hà Nội để làm. Thấy vậy, 4 năm trước tôi vào Sài Gòn mở lò bánh này với thương hiệu Nguyễn Gia bán bánh chưng quanh năm”, ông nhớ lại.
Chủ lò bánh cho biết bình thường mỗi tuần, ông bán sỉ và lẻ chừng 200 cái (hơn 1 tạ gạo nếp), chủ yếu phân phối sỉ và lẻ đến nhiều cửa hàng chuyên bán loại bánh này quanh khu vực Q.Tân Bình. Tuy nhiên vào dịp Tết, đơn hàng khắp nơi đổ về làm không xuể. Đơn cử Tết năm ngoái, những ngày cao điểm, lò bánh của ông nhận làm và bán hơn 5.000 – 7.000 cái/ngày, làm bao nhiêu bán cũng không xuể.
Hiện lò bánh của ông rục rịch những đơn hàng Tết đầu tiên |
Theo ông, từ ngày 15.12 (Âm lịch), cửa hàng đã bắt đầu nhận được nhiều đơn hàng sỉ. Sau đó, hàng chục người thân, người quen từ quê Phú Thọ sẽ vào “làm hết công suất” cùng với ông ngày đêm sản xuất hàng chục ngàn chiếc bánh để phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân, doanh nghiệp.
“Trừ thịt lợn, hầu hết các nguyên liệu để làm bánh chưng như lá dong, gạo nếp… chúng tôi đều đưa từ quê vào. Tết năm nay, hầu như tất cả các nguyên liệu, nhân công đã được chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ những đơn hàng nữa là bắt tay vào việc thôi. Tết là lúc cao điểm trong năm để bán bánh này nên mình phải tranh thủ thôi. Hy vọng là năm nay sẽ phát đạt”, ông chủ cười nói.
Tết năm ngoái, ông làm bán không xuể |
Bình thường, mỗi phần bánh chưng ông bán ra giá sỉ khoảng 50.000 đồng/cái cho loại bánh 1kg. Tết, tùy vào thời giá, vào sự tăng giá của các nguyên liệu mà có sự điều chỉnh tăng cho phù hợp hơn. Nhớ dịp Tết nguyên đán năm ngoái, ông bán ra khoảng 65.000 đồng/cái giá sỉ. Bên cạnh loại bánh 1kg, dịp Tết, lò bánh này cũng sản xuất thêm bánh chưng to hơn 1,3 kg để phục vụ cho nhu cầu đa dạng của khách.
Tết năm nay, hầu như tất cả các nguyên liệu, nhân công đã được chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ những đơn hàng nữa là bắt tay vào việc thôi. Tết là lúc cao điểm trong năm để bán bánh này nên mình phải tranh thủ thôi. Hy vọng là năm nay sẽ phát đạt
Ông Ước
Nhìn lò bánh của mình, người đàn ông nói không bao lâu nữa, nhất là những ngày Tết cận kệ, nó sẽ trở nên rộn ràng hơn. Và tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng…
Nên tự làm bánh chưng, bánh tét hay mua ngoài tiệm?
Chị Hoài Hương (36 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) nói rằng, dù rất thích không khí cả gia đình quây quần cùng nhau nấu một nồi bánh chưng, bánh tét vào ngày Tết, nhưng vì điều kiện không cho phép, Tết năm nào chị cũng mua bánh ở lò.
Ông Ước bán bánh chưng quanh năm, nhưng cao điểm vẫn là dịp Tết nguyên đán |
Là người ăn chay trường, chị cho biết dịp năm mới, chị hay mua bánh chưng, bánh tét chay tại một lò bánh “ruột” nằm trong hẻm đường Lê Văn Duyệt (Q.Bình Thạnh). Sở dĩ chị chọn cơ sở làm bánh này là vì ăn thấy bánh hợp khẩu vị và cũng đã mua ở đây suốt nhiều năm nay.
“Nếu điều kiện cho phép thì tôi cũng muốn tự gói vì có không khí Tết hơn. Nhưng nhiều năm nay rồi, lâu rồi, tôi không tự nấu mà đặt mua cho khỏe, mình cũng có nhiều thời gian để dọn dẹp nhà cửa cũng như làm nhiều việc khác đón Tết, chứ nấu nữa thì bận lắm, kham không nổi”, chị cho biết.
Bà Ngọc Bích (59 tuổi), chủ lò bánh chưng, bánh tét chay ở Q.Bình Thạnh cho biết gia đình mình có truyền thống bán các loại bánh Tết này suốt 30 năm qua và bán quanh năm. 5 năm trở lại đây, bà chuyển sang bán bánh chay thay vì bánh mặn như trước kia.
“Sau khi nhà tôi giải tỏa và xây dựng lại, tôi không thể để lò ở Sài Gòn nên chuyển lò bánh xuống Bình Dương cho tiện việc nấu nướng. Nhưng mà vẫn bán cho khách ở Sài Gòn là chủ yếu, ai đặt hàng thì báo trước và nấu ở Bình Dương, sau đó các cháu tôi sẽ chuyển lên, không xa lắm!”, bà nói.
Dù là bánh chay, nhưng bà Bích cho biết các loại bánh này cũng hết sức đa dạng, từ các loại bánh tét nhân chuối, nhân đậu xanh đến bánh chưng đậu xanh, có kèm thêm nấm nếu khách yêu cầu. Tuy nhiên các loại nhân truyền thống vẫn được khách ưu tiên hơn cả.
Dịp Tết, đơn hàng của bà Bích cũng tăng lên 3 – 4 lần so với bình thường. Bà cho biết cả gia đình cùng nhau làm không nghỉ vẫn không xuể. Bà hy vọng Tết năm nay, việc kinh doanh buôn bán thuận lợi, hương vị bánh tét, bánh chưng mang hương vị đặc trưng của gia đình mình sẽ hiện diện trong nhiều gia đình ở TP.HCM vào đầu năm mới.
Chủ các lò bánh chưng, bánh tét hy vọng Tết Quý Mão 2023 năm nay sẽ buôn bán thuận lợi, đắt hàng |
Trong khi đó theo khảo sát của Thanh Niên, nhiều cửa hàng bán bánh chưng, bánh tét tại TP.HCM cũng nhộn nhịp những đơn hàng vào dịp Tết. Chỉ cần gõ từ khóa “bánh chưng”, “bánh tét”, nhiều người dễ dàng tìm kiếm và đặt mua các loại bánh phù hợp với nhu cầu, sở thích. Thị trường bán loại bánh Tết này đang dần trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Nguồn: thanhnien.vn