“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc, lòng dạt dào nên ý thơ”.
“Ai lên xứ hoa đào” là sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Nguyên vào năm 1960, ghi lại những cảm xúc của ông trước vẻ đẹp thiên nhiên của Đà Lạt khi mùa hoa mai anh đào tới.
Mỗi mùa tết đến xuân về, hoa mai anh đào lại nở rực rỡ khắp các nẻo đường, thu hút hàng ngàn lượt du khách tham quan chiêm ngưỡng, tạo nên khung cảnh tươi đẹp và vô cùng lãng mạn.
Những cánh hoa mai anh đào mỏng manh, rực rỡ trong bộ ảnh do bạn Bùi Huy Tưởng thực hiện, mang đến hình ảnh một “thành phố tình yêu” nên thơ khó tả.
Dù chỉ là 1 góc nhỏ đơn sơ nhưng thấp thoáng sau những cánh hoa mai anh đào lại trở nên đẹp lạ thường |
Dẫu trời có lạnh 15 độ C, chỉ cần một chút nắng đẹp, một con đường đầy mai anh đào, là cũng đủ ấm áp từ trong ra ngoài |
Khung cảnh tuyệt vời tô điểm thêm cho tình yêu ngọt ngào của các cặp đôi |
Ngày đẹp trời, thong thả ra đường, mặc đồ xinh, ngắm những cánh hoa đào rực rỡ đang rung động trong gió |
Mai anh đào Đà Lạt là giống cây bản địa. Theo tác giả Nguyễn Hữu Tranh trong “Đà Lạt ABC” và tư liệu của ông Nguyễn Thái Hai (một Việt kiều gốc người Đà Lạt có nghiên cứu về mai anh đào), thì mai anh đào hiện có mặt ở Đà Lạt là giống cây bản địa, và chỉ ở Đà Lạt mới có giống cây “vừa mai, vừa đào” này |
Có tài liệu cho rằng, mai anh đào Đà Lạt có nguồn gốc từ một loài cây hoang dại sống ở vùng núi cao của Nhật Bản. Vào trước những năm 1960, các nhà nông học Việt Nam đã liên hệ với cơ quan di truyền Nhật Bản để mang giống cây này về và trồng ở xứ nam Tây Nguyên. Có thể, đây là sự… nhầm lẫn giữa việc di thực hoa đào Nhật Bản trong dịp xây dựng thủy điện Đa Nhim để đưa về trồng tại Đà Lạt vào năm 1963 với giống hoa tương tự của địa phương Đà Lạt |
Hoa bung nở khiến thành phố trở nên đẹp, lãng mạn hơn bao giờ hết |
Du khách hãy lưu lại những điểm để có bộ hình hoa mai anh đào mùa xuân tuyệt đẹp:
– Gần cafe Cheo vào hoặc Túi mơ to
– Con đường ở Mộng Đào Nguyên (đường đi Lang Biang)
– Đường đi hồ Tuyền Lâm – dốc Đa Quý – xã Xuân Thọ
– Đường Trần Hưng Đạo – Đại học Đà Lạt
– Xã Đa Sar và dọc đường 723 đi Nha Trang
– Quốc lộ 20 – đèo Dran
– Đồi chè Cầu Đất – rừng đào hồ Tuyền Lâm
– Đèo Tà Nung
– Hồ Xuân Hương.
Nguồn: thanhnien.vn