Chuyến phà từ Ozu sẽ đưa du khách đến đảo Aoshima, thuộc tỉnh Ehime, trong vòng 20 phút. Hòn đảo dân cư thưa thớt đã trở thành điểm thu hút khách du lịch đông đúc, nhưng không có cửa hàng, khách sạn hay nhà hàng nào ở đây.
Đàn mèo chờ đợi du khách ngay bến phà |
Những gì Aoshima có là mèo – rất rất nhiều mèo. Người ta từng đếm có hơn 200 con mèo sinh sống trên hòn đảo nhỏ bé có chiều dài chỉ 1,6 km này, rộng cả thảy 46 ha và “dân số” mèo đang tăng không ngừng hàng ngày.
“Trước đây tôi hiếm khi chở khách du lịch,” phà trưởng Nobuyuki Ninomiya nói với báo chí. “Bây giờ tôi chở khách du lịch mỗi tuần, mặc dù sản phẩm du lịch duy nhất chúng tôi có là mèo”.
Người lớn tuổi sống trên đảo làm bạn với những con mèo bán hoang dã |
Những con mèo đã quen với con người và do đó được coi là bán hoang dã. Chúng vui vẻ chơi đùa với du khách và thậm chí còn có khu vực cho ăn được chỉ định gần trung tâm cộng đồng.
Nhưng làm thế nào mà hòn đảo xa xôi này trở nên tràn ngập mèo?
Ngư dân xưa kia đã mang những con mèo đi lạc đến hòn đảo này để diệt chuột và không có kẻ săn mồi nào khác đe dọa, mèo đã sinh sản “con đàn cháu đống” mà không gặp bất kỳ trở ngại.
Ngôi làng nhỏ chỉ vài nóc nhà của những ngư dân ít ỏi còn lại sinh sống trên đảo |
Người dân địa phương cũng có xu hướng cho mèo ăn quá nhiều, đặc biệt là những người già trên đảo. Họ thừa nhận làm thế để tình bạn với con vật được gắn bó hơn. Mặc dù vậy, không một người yêu mèo nào có thể đổ lỗi cho họ về điều đó.
Nhật Bản cũng không phải là nơi duy nhất có nhiều đảo mèo. Cho đến gần đây, Mỹ có ít nhất 18 đảo mèo và Úc có lúc tới 15 đảo.
Điều đáng chú ý là cả Mỹ và Úc đều có ý định xóa sổ quần thể mèo trên những đảo đó. Việc loại bỏ quần thể mèo ở Aoshima cũng đã được đề cập, vì theo các nhà nghiên cứu về Aoshima cho biết, mèo tự sắp xếp theo thứ bậc, trong đó những con đực tranh giành lãnh thổ và những con cái của chúng tranh giành thức ăn. Với quá nhiều sự cạnh tranh, các nhà nghiên cứu về mèo lập luận rằng điều kiện sống ở nơi được gọi là “thiên đường mèo” này chẳng có gì là thiên đường. Với quá nhiều sự cạnh tranh, mèo con thường chết trước khi trưởng thành vì đói, bệnh tật và thậm chí, có tình trạng giết mèo con vốn chỉ xảy ra ở sư tử.
Du khách có thể đem mèo về nuôi |
Khi mùa đông đến và không có du khách, những con mèo trở nên đói khát. “Vào mùa xuân và mùa hè, khách du lịch mang theo thức ăn để cho mèo ăn nhưng khi trời trở lạnh, biển động thì không ai đến. Đôi khi thuyền không thể quay lại khi biển động”, Kazuyki Ono nói thêm.
Đảo Aoshima từng là một làng chài trù phú. Hơn 900 người sinh sống trên đảo vào giữa thế kỷ trước Ngày nay, chỉ còn lại một số ít cư dân lớn tuổi không di dời sau Thế chiến thứ hai. Trên thực tế, tính đến năm 2019, chỉ có 6 cư dân định cư chính thức ở đảo.
“Dân số” chính trên đảo là những chú mèo |
Một nhiếp ảnh gia có tên Fubirai đã dành vài năm để ghi lại những chú mèo trên đảo. Vào năm 2012, những bức ảnh đã lan truyền với sự trợ giúp của Buzzfeed và dẫn đến bùng nổ du lịch cho đến ngày nay. Nhưng ngoài ra, thật không may, Aoshima không hẳn là một trung tâm du lịch nhộn nhịp. Không có khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu hay thậm chí là máy bán hàng tự động.
Nếu bạn đang lên kế hoạch đến thăm Aoshima, hãy mang theo mọi đồ dùng cá nhân và mang tất cả rác về nhà.
Ngôi đền mèo
Ngôi đền Gotokuji (Tokyo) nổi tiếng khắp Nhật Bản vì được cho là nguồn gốc của Maneki-neko, bức tượng “mèo vẫy tay” nổi tiếng thế giới. Trong văn hóa Nhật Bản, “mèo vẫy tay” mang lại may mắn và thành công cho chủ nhân nếu được đặt tại một số vị trí nhất định trong nhà.
Những bức tượng mèo trong đền Gotokuji |
Nhiều người vẫn tranh cãi về nguồn gốc của “mèo may mắn”, tuy nhiên, nơi sinh của Maneki-neko chắc chắn là ở Nhật Bản và một trong những truyền thuyết phổ biến nhất có trực tiếp với Gotojuki.
Vì lý do này, bạn sẽ bắt gặp hàng ngàn con mèo đang vẫy gọi khi viếng thăm Gotojuki, nhiều hơn bất kỳ ngôi đền nào khác ở Nhật Bản. Các bức tượng nhỏ được làm bằng nhiều loại vật liệu, bao gồm gỗ, đá, kim loại và sứ, đồng thời có nhiều màu sắc khác nhau.
Nguồn: thanhnien.vn