“Công việc ghi hình kết thúc khá trễ nên tầm giờ này tôi mới có chút thời gian”, nhà báo Trần Quang Minh chia sẻ. Trải qua 20 năm công tác tại Đài truyền hình Việt Nam, nhà báo Trần Quang Minh không còn là gương mặt xa lạ với khán giả theo dõi truyền hình. Tên tuổi anh gắn liền với các chương trình như “Chúng tôi là chiến sĩ”, “Bữa trưa vui vẻ”… và gần đây nhất, anh thu hút quan tâm với chương trình trải nghiệm có tựa đề “Come Minh Vietnam”.
“Chương trình này tôi đã đau đáu nhiều năm và tôi lựa chọn phát sóng trên kênh YouTube của mình, đặt tên là ‘Come Minh Vietnam’ như một cách chơi chữ, ý rằng các bạn bè quốc tế hãy đến với đất nước Việt Nam tươi đẹp của chúng tôi, hãy tới với Quang Minh ở Việt Nam”, anh tâm sự.
Thời gian gần đây, anh thu hút quan tâm khi cho ra mắt chương trình tự sản xuất có tên “Come Minh Vietnam”. Điều gì đã thôi thúc anh cho ra chương trình này?
Tôi đã ấp ủ nhiều năm trời để cho ra một sản phẩm trên nội dung số, đặc biệt là kênh YouTube. Trong thời đại công nghệ hiện nay, cách tiếp cận đến khán giả nhanh nhất là dùng kênh mạng xã hội hoặc truyền tải trên nội dung số. “Come Minh Vietnam” là chương trình trải nghiệm độc hành, không có ê-kíp đi cùng để hỗ trợ chụp ảnh hay ghi hình nên mang đậm tính chất và dấu ấn cá nhân. Mỗi chuyến tôi đều dự tính đi 1-2 ngày.
Qua chương trình trải nghiệm này, tôi muốn nhấn mạnh và truyền tải thông điệp đến người xem rằng Việt Nam mình rất đẹp và còn rất nhiều điều để khám phá, để hiểu và yêu quê hương đất nước hơn, và cũng để khám phá chính bản thân mình. Chẳng hạn trong tập quay ở Quảng Bình, tôi đã leo lên đỉnh núi và tụt dây cáp từ trên đỉnh, treo lơ lửng ở độ cao hàng trăm mét xuống dưới vực sâu, mà tôi là người rất sợ độ cao. Rồi tôi đi lặn biển đế ngắm san hô, bắt nhum biển và bắt cả thức ăn dưới biển, đội mưa to gió lớn băng qua rừng…
Những trải nghiệm đó để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc và tôi cũng muốn rằng khán giả nếu có điều kiện, họ nên thử trải nghiệm một lần. Rồi họ sẽ thấy rằng họ có đủ khả năng để chiến thắng chính bản thân mình thì tại sao không dấn thân?
Đều đặn vào tối Chủ nhật hàng tuần, anh đều cho ra số chương trình ở địa điểm mới. Sự hứa hẹn này có tạo cho anh áp lực phải ra sản phẩm liên tục không?
Đúng là như thế, cực kỳ áp lực. Bởi vì tôi vừa phải làm công việc sản xuất chương trình truyền hình, vừa phải tận dụng cơ hội thời gian có được để đi trải nghiệm, ghi hình chương trình cá nhân để hàng tuần có sản phẩm. Mỗi một chuyến đi tôi xác định là quay 3-4 số, phát sóng trong vòng một tháng. Trong một tháng đó, tôi phải chia ra bao nhiêu ngày dành cho gia đình, bao ngày dành cho công việc và bao ngày dành cho việc trải nghiệm. Đó cũng là áp lực rất lớn. Bao giờ cũng vậy, trước khi đi tôi dành 1-2 ngày để nghiên cứu thông tin về điểm đến để có câu chuyện kể cho khán giả nghe, rồi ghi lại những khung cảnh đẹp mắt để tăng sự hấp dẫn cho nội dung.
Anh có tiêu chí gì khi chọn địa điểm không?
Co chứ, địa điểm đó là nơi rất đẹp và quyến rũ, nhưng yếu tố này chỉ nho nhỏ thôi. Cái tôi chú trọng nhất chính là câu chuyện ở điểm đến. Nếu chỉ đẹp thôi thì tại sao nó đẹp, đẹp ở điểm nào, bên cạnh đấy có những nét văn hóa gì của đồng bào dân tộc hay là người dân sinh sống ở khu vực đó. Nhiệm vụ của tôi là lột tả những nét hấp dẫn để giới thiệu với khán giả, giúp họ biết thêm về nét văn hóa của người dân bản địa, từ đó giá trị của điểm đến tăng lên rất nhiều lần.
Phần lớn chuyến đi của tôi thì không tốn kém. Đồ ăn thì tôi mang từ nhà đi hoặc bạn bè chu cấp, còn chỗ ngủ thì tôi có tốn đồng nào đâu vì đa phần là mắc lều ngủ trong rừng, bên suối bên sông. Tôi di chuyển bằng ô tô riêng nên chi phí xăng xe là không đáng kể. Đã là đam mê thì tôi coi đó là chi phí cá nhân mình bỏ ra đi du lịch, chứ không phải chi phí sản xuất. Tiền tôi đầu tư ban đầu là mua các thiết bị, dù không rẻ, nhưng chúng hữu ích cho nhiều chương trình và dùng được trong nhiều năm. Ví dụ, tôi đầu tư khoảng 300 triệu đồng cho trang thiết bị như máy quay máy ảnh rồi các vật dụng như lều, võng… Tôi mua rất nhiều để thay đổi cho sinh động, nay lều tròn mai lều hình chữ nhật, nay màu xanh mai màu trắng chẳng hạn.
Lý do gì khiến anh lựa chọn huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) làm địa điểm khám phá đầu tiên?
Trong tập đầu tiên của series, tôi đã đến hệ thống địa đạo huyện Vĩnh Linh ở tỉnh Quảng Trị. Thành thực mà nói, chuyến đi này mang đậm tính báo chí và chính người dân tỉnh Quảng Trị nhiều người cũng không biết đến đâu. Bạn biết không, tôi – một người con Hà Nội – lại là người duy nhất sở hữu các hình ảnh của hệ thống địa đạo thuộc làng hầm Vĩnh Linh. Cho đến nay đã 57 năm trôi qua (tính từ năm 1965), vẫn chưa một ai quay thước phim nào ở các địa đạo đó, ngoại trừ địa đạo duy nhất có nhiều hình ảnh là địa đạo Vịnh Mốc. Cả hệ thống có 114 địa đạo, nhưng chỉ riêng địa đạo Vịnh Mốc là được ghi hình. Những địa đạo còn lại thuộc rất nhiều xã ở huyện Vĩnh Linh và Cồn Cỏ thì không có một thước phim nào, may ra có 1-2 ảnh tĩnh, nhưng chúng tồn tại đâu đó ở 1-2 cá nhân khi họ đi làm nương làm rẫy hay gì đó thôi. Còn tôi đã quay lại tất cả.
Tôi cho rằng đây là chương trình đặc biệt nhất, bản thân nội dung đã cuốn hút rồi. Tôi dùng từ “làng hầm” vì đấy là từ được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, nhưng đến bây giờ việc bảo tồn bị lãng quên.
Bản thân những địa đạo này có độ nguy hiểm cao, tại sao anh vẫn quyết tâm dấn thân vào đó?
Series địa đạo mang lại rất nhiều thông tin cho khán giả nhưng cũng là hành trình khám phá bản thân của tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày một mình tôi chui sâu vào địa đạo hơn 60 năm nay không ai vào. Có những đường địa đạo đường ngập làm tôi không thể đi được và buộc phải quay ra hay địa đạo sập không thể đi được nữa. 114 địa đạo giờ chỉ còn có trên 20 địa đạo đủ khả năng chui vào được. Cộng với sự thay đổi của làng quê, người ta cũng phải lấp bớt đi để dùng đất sinh nhai, nhiều địa đạo trúng bom Mỹ từ thời xưa bị sập để lại rất nhiều nấm mồ chôn tập thể ở đó.
Nhưng tại sao tôi vẫn liều lĩnh chui vào những địa đạo như vậy và mang theo các thiết bị đèn đóm để ghi hình? Đấy là quá trình khám phá bản thân và cá nhân tôi thấy mình đã vượt qua nỗi sợ hãi, nhờ đó thì mới có những thước phim để đời như vậy. Với tôi, đấy là sự thành công ngoài mong đợi.
Sự đón nhận của khán giả về tập phát sóng này như thế nào?
Sau khi phát sóng tập đầu tiên, tôi nhận được thông tin phản hồi, hỏi về tính xác thực của nội dung thông tin. Tôi đã trả lời rất đầy đủ và đưa ra hồ sơ tài liệu khoa học, nghiên cứu khoa học của Trung tâm Bảo tồn Di tích thuộc Sở Văn hóa UBND tỉnh Quảng Trị. Khi có thông tin xác thực, tôi lần theo dấu vết, tọa độ được ghi chép trong hồ sơ đó. Đấy là những thông tin hình ảnh rất đắt và có giá trị, nhưng tại sao khi tôi công bố những thước phim này lên, sự quan tâm của mọi người lại rất ít? Điều đó thực sự rất buồn và làm tôi trăn trở. Nhưng nếu bây giờ tôi không đến ghi hình ở đây, mai mốt mọi thứ sẽ mai một rồi mất hết đi, chẳng còn lại gì cả.
Hiện có nhiều YouTuber hướng đến xây dựng nội dung trải nghiệm quảng bá du lịch. Anh có cho rằng anh là một “người chơi” cùng cạnh tranh để quảng bá du lịch Việt Nam không?
Thực ra mục tiêu cuối cùng của sự cạnh tranh đó là gì? Là quảng bá cho đất nước, con người Việt Nam mình đến bạn bè quốc tế. Chính vì thế mà tôi đặt tên cho kênh bằng tiếng Anh là “Come Minh Vietnam”. Tôi không đặt nặng quá nhiều vào việc là view thật cao để sau đó có nút vàng nút bạc. Đây là cuộc chơi về nghề và cũng là để thỏa mãn đam mê cá nhân. Còn sự thật là không phải tôi đang cạnh tranh đâu mà tôi đang học các bạn ý rất nhiều. Ví dụ khi xem kênh của Hoàng Nam (Challenge Me) là người em thân thiết của tôi, tôi học hỏi nhiều ở bạn ấy từ cách thức sản xuất, tiếp cận đề tài. Rồi đến Chan La Cà của Hoàng Minh Tuấn cũng là người bạn người em của tôi, cậu ấy có những cảnh quay chuyên về yếu tố cảnh đẹp và nghệ thuật.
Nhưng tôi đi tìm con đường khác với các bạn ấy. Tôi tập trung vào trải nghiệm và khám phá bản thân, con người khi đứng trước thiên nhiên thì sẽ thế nào, xử lý tình huống ra sao khi họ đối diện với những khó khăn thách thức.
Nếu không đi quay Come Minh Vietnam, một ngày làm việc của anh diễn ra thế nào?
Trước khi thu xếp được thời gian để đi quay Come Minh Vietnam, công việc của tôi rất bận rộn. Ví dụ khi chuẩn bị sản xuất chương trình gì, tôi phải lên kế hoạch, viết format và sản xuất, hậu kỳ rồi còn lên phương án với ê-kíp, tính toán chi phí… Nói chung là rất nhiều thời gian, chưa kể là tôi về nhà với gia đình, đưa đón con đi học rồi cơm nước, buổi tối thì vùi đầu vào nghiên cứu các công việc tiếp theo. Tôi thì luôn muốn có sự thay đổi trong các chương trình, có thể buổi sáng đi làm xong chiều về tôi đã nghĩ làm thế nào để chương trình hôm sau có sự khác biệt. Thực sự tôi muốn mình vận động càng nhiều càng tốt. Vì tôi là người thích thay đổi, thích được sản xuất hơn là ngồi bàn giấy, làm lãnh đạo hay chỉ đạo cái gì đó. Tôi nghĩ mình sinh ra là để sản xuất chương trình chứ không phải để người khác sản xuất cho mình. Nếu lựa chọn slogan, tôi thấy rằng cụm “người đam mê sản xuất truyền hình” phù hợp với mình.
Có khi nào sự nổi tiếng ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của anh và gia đình không?
Đương nhiên rồi, có lúc nọ thì có lúc kia. Nhiều người ngưỡng mộ vì gia đình tôi đông con rồi nhiều hoạt động cho vợ con. Dù rất bận nhưng tôi luôn mong muốn có thời gian dành cho gia đình. Chính vì thế, mỗi lần ở bên gia đình tôi đều muốn highlight và đăng tải lên mạng xã hội để khoe với mọi người các hoạt động của gia đình. Mặt khác có những lần đi chơi với gia đình, sự riêng tư nhiều khi cũng bị phá vỡ, không thoải mái lắm nhưng trường hợp đó không hiểu. Mọi người can thiệp không phải là làm cho mình bị xấu hổ hay bị ảnh hưởng gì, mà họ chỉ vui vẻ thôi chia sẻ thôi. Mọi người yêu quý thì mới đến với mình chứ.
Tôi không dùng mạng xã hội để làm những thứ drama, phê phán một ai hay điều gì. Thay vào đó, tôi chỉ muốn truyền tải năng lượng tích cực khi mọi người truy cập vào trang cá nhân của mình. Khi tiếp cận thông tin tích cực, họ sẽ cảm thấy vui vẻ và hào hứng hơn, có tinh thần làm việc và học tập, sinh sống tốt hơn.
Thành thực mà nói tôi cảm thấy lạc quan hơn kể từ khi đi quay, yêu đời cực kỳ, như là người bị dư năng lượng khi đi ghi hình.
Ngoài kỷ luật trong công việc, anh có đề cao nguyên tắc gì khi nuôi dạy con không?
Thực ra câu chuyện chăm con thì vợ tôi lo là chính, tôi hỗ trợ việc đưa đón con đi học và cũng không có nguyên tắc dạy con gì. Mà tôi chỉ có một nguyên tắc với bản thân là dành thời gian nhiều hơn cho gia đình những lúc có thể. Chẳng hạn cuối tuần thì đưa các con đi chơi và ăn uống, tạo ra những cuộc vui trong gia đình và tôi thường xuyên làm việc đó. Hôm nay ăn món này thì mai dùng món khác, miễn là gia đình ở bên nhau. Tôi rất muốn gần gũi các con hơn để các con chia sẻ với mình nhiều hơn, dù biết là chúng rất sợ tôi vì là người nghiêm khắc, 4 cậu con trai mà không nghiêm khắc thì dở (cười). Các con sợ nhưng còn tôn trọng mình nhiều hơn, hỏi yêu ai thì nói yêu bố, sau này muốn làm việc gì thì 100% nói là muốn làm công việc giống bố. Đó là vì những giá trị cuộc sống mà các con thấy ở các chương trình, trong công việc bố làm. Đấy là niềm tự hào chứ, không dễ để các con thích công việc mà tôi đang làm.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nguồn: toquoc.vn