Từ người lính trở thành đạo diễn tài hoa
Trần Ngọc Phong là một trong những đạo diễn nổi tiếng và có gia tài phim truyền hình đồ sộ. Anh sinh năm 1963 tại Quảng Trị, trong một gia đình tri thức bình dân.
Bố ruột của Trần Ngọc Phong là một nhà văn từng tham gia kháng chiến chống Pháp nên anh sớm chịu ảnh hưởng từ ông và có niềm đam mê đặc biệt với văn học, nghệ thuật cách mạng. Cuốn sách anh say mê thời đó là Thép đá tôi thế đấy.
Vì thế nên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã xung phong đi bộ đội để được sống cuộc đời một người lính và trải nghiệm cuộc sống quân nhân.
Dù là con một, không phải đi bộ đội nhưng Trần Ngọc Phong vẫn xung phong đi huấn luyện rồi ra chiến trường. Anh đi theo tiếng gọi của tuổi trẻ và đi tới bất cứ đâu Tổ quốc cần.
Đi bộ đội xong, Trần Ngọc Phong học sĩ quan, tốt nghiệp trường sĩ quan và đi dạy. Anh chia sẻ tại chương trình Du hành ký ức:
“Suốt 10 năm làm lính đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm tốt đẹp trong gian khổ. Chính những rèn luyện quân đội đã làm tôi trưởng thành, bản lĩnh, không biết sợ”.
Sau đó, Trần Ngọc Phong chuyển ngành và bảo bố rằng muốn về Xí nghiệp phim tổng hợp (tức hãng phim Giải phóng ngày nay) để được theo đuổi con đường sáng tạo nghệ thuật. Lúc đó, bố anh hơi lo ngại vì anh chưa có chuyên môn gì về phim ảnh. Nhưng Trần Ngọc Phong vẫn năn nỉ bố cố xin cho mình về, chấp nhận làm bất cứ công việc gì.
Đúng lúc ấy, bố anh chợt nhớ ra có quen với NSND Huy Thành, là bạn chiến đấu cùng năm xưa nên gửi gắm con trai vào đó.
Giám đốc xí nghiệp phim tổng hợp ban đầu hoài nghi, bảo Trần Ngọc Phong là bộ đội thì không làm được gì. Trước thái độ đó, anh khẳng định với giám đốc là làm cái gì cũng được.
Ngày đó, bộ đội về đoàn phim chỉ làm được phần tạo khói lửa nhưng công việc này vốn đã có người làm nên giám đốc xí nghiệp giao cho Trần Ngọc Phong đi làm bảo vệ. Anh vui vẻ chấp nhận công việc này để được làm trong đoàn phim. Anh tâm sự:
“Ngồi ở phòng bảo vệ, tôi được nhìn thấy các đoàn phim đi ra đi vào, xe cộ nườm nượp, toàn nghệ sĩ nổi tiếng mà thích lắm. Tôi nhìn Nguyễn Chánh Tín, Thương Tín mà khao khát được làm trong đoàn phim” (Nguồn: Nhipsongviet).
Một ngày nọ, cơ may đến với Trần Ngọc Phong khi một cán bộ phòng tổ chức mở hồ sơ của tôi ra rồi bảo: “Thằng này có bằng tổng hợp văn, để nó làm bảo vệ uổng cái bằng đó quá, cho nó về phòng biên tập đi”. Thế là anh được về phòng biên tập làm việc,
Tuy nhiên, phòng biên tập phim ngày đó đều là những người dày dạn kinh nghiệm và giỏi như Nguyễn Hồ, Phạm Thùy Nhân, Nhất Mai…Họ chịu trách nhiệm biên tập hầu hết các phim được sản xuất nên thời gian đầu, Trần Ngọc Phong vẫn phải ngồi không, chưa được làm gì.
Anh lập tức xin đạo diễn Huy Thành cho đi theo đoàn phim làm tạp vụ và phải làm những công việc lặt vặt như đưa giấy mời diễn viên. Mỗi lần có lịch quay, anh phải tới tận nhà đưa giấy mời cho diễn viên. Anh chia sẻ tại chương trình Du hành ký ức:
“Tôi bị các diễn viên nổi tiếng chơi khăm hoài, họ nhận giấy mời nhưng không đến quay. Khi bị đạo diễn nói thì họ đổ sang tôi không đưa giấy mời. Họ nói: “Tôi có nhận được giấy mời nào đâu”.
Tôi tức quá, mới làm nguyên một cuốn sổ để đưa được giấy mời cho diễn viên nào thì bắt họ ký vào cuốn sổ đó. Nhiều khi tôi đến nhà không gặp được diễn viên liền trải giấy báo nằm luôn tại đó, đợi khi nào họ về mới thôi”.
Từ công việc đó, Trần Ngọc Phong tự học việc với thái độ cầu thị. Anh học hỏi tất cả mọi người trong đoàn phim, từ diễn viên tới đạo diễn, hậu kỳ… Bản thân anh cũng từng trải qua nhiều công việc, vị trí trong đoàn phim và ở mỗi vai trò, anh đều tự học hỏi, tích lũy được các kinh nghiệm, tri thức. Dần dần, Trần Ngọc Phong được tin tưởng giao trọng trách đạo diễn phim.
Sự nghiệp phim ảnh đáng nhớ
Nhắc đến những bộ phim truyền hình vang bóng một thời như Những nẻo đường phù sa, Ba người đàn ông, Bình minh châu thổ,… không thể không nhớ tới đôi tay tài hoa của đạo diễn Trần Ngọc Phong. Anh chính là người đứng sau những bộ phim truyền hình đình đám này.
Đến nay, gia tài nghệ thuật của anh đã lên đến 10 phim điện ảnh và hàng chục phim ngắn, phim truyền hình nhiều tập.
Trần Ngọc Phong cũng là người được Hãng phim Giải phóng chọn mặt gửi vàng thực hiện tác phẩm đặt hàng của nhà nước trong năm 2020.
Từ năm 2000 tới 2003, Trần Ngọc Phong đã đạo diễn được 3 phim nhựa, gồm: Ba người đàn ông, Biển đợi và Trận đấu cuối cùng. Anh còn tham gia lồng tiếng trong ba bộ phim: Lọ lem hè phố, Lời thề đất mũi, Tiếng dương cầm trong mưa.
Trong đó, bộ phim Những nẻo đường phù sa đã giành được Huy chương bạc tại Liên hoan phim truyền hình năm 1996. Phim điện anh Ba người đàn ông của anh cũng đã giành giải thưởng đặc biệt tại Liên Hoan phim Việt Nam lần thứ 13.
Nguồn: toquoc.vn