Ngày 23/2, tại thành phố Bắc Kạn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Tổ chức Apheda, Hội An toàn Vệ sinh lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống an toàn”.
Tới tham dự có TS.Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ; GS.TS Lê Văn Trình, Chủ tịch Hội An toàn Vệ sinh lao động Việt Nam, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng; TS. Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Ông Đỗ Văn Đại, nguyên Phó Vu trưởng Vụ tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc Chính phủ. Tham dự còn có đại diện một số Sở Ban ngành, báo đài, cùng đại diện Hội liên hiệp Phụ nữ đến từ các huyện, xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Bà Hà Thị Liễu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn và Bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Trưởng Văn phòng đại diện Apheda Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Môi trường đang là vấn đề hết sức “nóng” của toàn thế giới. Ô nhiễm môi trường để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sự sống của nhân loại, nó là nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh, thiên tai; phá vỡ đa dạng sinh học; làm mất đi sự cân bằng của hệ sinh thái, gây biến đổi khí hậu, suy giảm, cạn kiệt nguồn tài nguyên v.v…
Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường đều do con người tạo ra, trong đó rác thải là nguyên nhân chính. Bất kỳ ai trong chúng ta đều nhận rõ hậu quả do ô nhiễm môi trường như: Dịch bệnh liên tiếp xảy ra; thời tiết nóng lên; quy luật mưa, bão thay đổi thất thường; nguồn nước cạn kiệt; cháy rừng, xâm nhập mặn nghiêm trọng v.v…
Ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cũng không tránh khỏi hậu quả do ô nhiễm môi trường, có khi còn nặng nề hơn các vùng khác (Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…).
Có rất nhiều loại rác thải ra môi trường: Rác thải công nghiệp, rác thải nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu…); rác thải xây dựng; rác thải y tế; rác thải sinh hoạt v.v… Nhiều loại rác thải gây hại trực tiếp cho sức khỏe như: thuốc sâu, bụi từ các nhà máy, bụi do vật liệu xây dựng (trong đó có bụi Amiang từ tấm lợp fibro ximang), khí thải từ các nhà máy hóa chất, cơ sở sản xuất, nguồn nước bị ô nhiễm, thực phẩm bẩn v.v…
Theo bà Hà Thị Liễu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn nói riêng, các tỉnh vùng dân tộc thiểu số & miền núi (DTTS & MN) nói chung, tấm lợp fibro ximang đang hiện diện ở hầu hết các các doanh nghiệp, hộ gia đình (mức độ nhiều, ít khác nhau) và hơn 90% số lượng tấm lợp mới từ các cơ sở sản xuất tấm lợp fibro ximang được đưa về tiêu thụ ở các vùng DTTS & MN. Tấm lợp fibro ximang thải loại ra môi trường ngày càng nhiều (do các doanh nghiệp, hộ gia đình thay thế bằng các loại tấm lợp thân thiện với môi trường), bụi amiang do khoan cắt, pha dỡ, vận chuyển không thể kiểm soát.
Đáng nói hơn, những người sống ở nhà có mái lợp amiăng có nguy cơ mắc bệnh cũng rất cao, thậm chí vẫn thường xuyên hứng nước từ mái lợp fibro xi măng để dùng cho ăn uống.
Từ năm 1973, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại Amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người.
Tiếp tục nghiên cứu đến năm 2012 Tổ chức IARC đã kết luận: “Mặc dù có sự khác biệt về mức độ độc hại trong các nghiên cứu của nhiều tác giả được công bố, nhưng kết luận chung là tất cả các loại amiăng, bao gồm cả amiăng trắng, đều gây ung thư” và “không có ngưỡng an toàn cho các chất gây ung thư”.
Theo GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch hội An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam: Hiện nay tình hình nhập khẩu amiang, sản xuất và sử dụng tấm lợp AC trong 5 năm gần đây ở Việt Nam đã giảm rất nhiều. Nếu như năm 2015, số lượng tấp lợp AC được sản xuất là 77.563.000 m2, thì năm 2019 còn 28.000.000 m2. Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế để nhập nguyên liệu sản xuất tấm lợp không amiăng; giảm thuế cho doanh nghiệp sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng.
GS.TS Lê Văn Trình cho biết, quy định của Việt Nam là trong môi trường lao động không được có quá 0,5 sợi amiăng/1 m3 không khí, đây là tiêu chuẩn rất cao. Nhưng trên thực tế chế tài của chúng ta chưa nghiêm. Tại các nhà máy, các giải pháp để cải thiện môi trường điều kiện làm việc và ngăn chặn sợi amiăng vào không khí còn rất hiếm.
“Tác hại của Amiăng nghiêm trọng là vậy, nhưng trên thực tế, phần lớn người lao động không có khái niệm về độc hại khi làm việc trong môi trường có amiăng. Họ chấp nhận làm việc trong môi trường lao động còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh như: nồng độ bụi cao, trang bị về bảo hộ lao động còn thiếu…”, GS. TS Lê Văn Trình cho biết thêm.
Nói về thực trạng sử dụng tấm lợp có chứa Amiang trắng ở vùng dân tộc thiểu số, TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ) cho biết:
Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) có 5.266 xã, trong đó có 1.957 xã khu vực III và 20.139 thôn, bản ngoài xã khu vực III thuộc diện đặc biệt khó khăn; tập trung ở 52 tỉnh, thành phố, đông nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên,
Vùng DTTS đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”: thu nhập bình quân đầu người của DTTS chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước. Dân số DTTS chiếm 14,6% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 63% hộ nghèo của cả nước. Một số nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức rất cao lên đến 70 – 80% như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông và Xơ Đăng….
Chính vì đặc điểm trên mà với lợi thế giá rẻ, tấm lợp có chứa Amiang chảy dồn về vùng DTTS, theo khảo sát trực tiếp của Trung tâm HRC phối hợp Tổ chức Actionaid, Anpheda, tại huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng năm 2019, thì có 35% số hộ gia đình vẫn lợp nhà ở, 60% số hộ vẫn dùng tấm lợp này vào các công trình phụ của gia đình. Tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, khoảng 20% dùng lợp nhà, 35% lợp công trình phụ, tại tỉnh Lạng Sơn, các huyện vùng biên giới sử dụng lợp nhà 25%, 40% lợp các công trình phụ.
“Người dân vẫn dùng nước mưa chảy từ mái nhà tấm lợp Amiang để ăn uống, các tấm lợp vỡ vụn vẫn được dùng làm nền nhà, nền sân, rải đường đi, ngổn ngang cả đầu nguồn nước.”, TS.Hoàng Xuân Lương quan ngại.
Từ cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế, tổ chức chống ung thư, từ kết quả khảo sát của Bộ Y tế về các bệnh ung thư, nhất là ung thư Trung biểu mô, TS.Hoàng Xuân Lương đưa ra kiến nghị:
Thứ nhất: Phải đặt lợi ích sức khỏe của nhân dân lên trên hết, có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp đang sản xuất tấm lợp có chứa Amiang chuyển đổi sản phẩm thay thế. Trợ giá cho những loại tấm lợp không sử dụng Amiang.
Thứ hai: Có kế hoạch thu gom, xử lý sản phẩm có chứa Amiang, không để ảnh hưởng môi trường.
Thứ ba: Không cho phép các chương trình chính sách dân tộc, các chương trình nhân đạo hỗ trợ tấm lợp này cho đồng bào.
Thứ tư: Yêu cầu các Doanh ngiệp trong thời gian chưa chuyển đổi sản phẩm thì phải dán nhãn cảnh báo nguy cơ độc hại của tấm lợp có chứa Amiang, như dán nhãn thuốc lá.
Thứ năm: Ngày 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 659/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp đã đưa các cơ sở sản xuất có sử dụng Amiang là môi trường Lao động độc hại, gọi là bệnh Amiang nghề nghiệp; phải cập nhật hồ sơ quốc gia đối với các bệnh liên quan đến Amiang tại các trung tâm ghi nhận ung thư trên toàn quốc.
– Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 09/2/2021 Quy định: Sử dụng nhóm Sepentine để sản xuất tấm lợp phải có xuất xứ rõ ràng; phải sản xuất trong các điều kiện, yêu cầu nghiêm ngặt, nồng độ sợi Amiang không vượt quá giới hạn cho phép; có các phương án xử lý phế phẩm, bụi, nước thải, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và môi trường.
– Khuyến khích sử dụng các loại sợi thay thế sợi Amiang trong sản xuất tấm lợp; Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình hạn chế sản xuất và sử dụng tấm lợp có sợi Amiang.
– Chính phủ nên xây dựng chính sách thay thế dần tấm lợp này ở vùng DTTS.
Đồng quan điểm với TS. Hoàng Xuân Lương, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nhấn mạnh, nhiều Bộ, ngành, các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp đã thấy rằng cần có những trao đổi, thảo luận để có thể đưa ra những quan điểm, ý kiến góp ý, tư vấn để Chính phủ có sự xem xét quyết định đúng đắn chính sách của nước ta đối với vấn đề dừng hay không dừng sử dụng Amiăng trắng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế, hiện nay, tại nước ta có khoảng 40 cơ sở sản xuất tấm lợp có amiăng. Tại cộng đồng, người dân sử dụng tấm lợp amiăng để lợp mái nhà, bếp, chuồng trại chăn nuôi.
Người sử dụng tấm lợp Fibro xi măng có nguy cơ nhiễm amiăng từ hoạt động khoan, cắt, lắp đặt, tháo dỡ tấm lợp Fibro xi măng, từ nguồn phế thải từ tấm lợp Fibro xi măng.
Các chất thải có chứa amiăng có khả năng làm tăng tỷ lệ mắc ung thư do sợi amiăng xâm nhập cơ thể qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da. Thí dụ, khi sợi amiăng được hít vào cơ thể qua đường hô hấp, sợi amiăng sẽ xâm nhập vào phổi, gây tổn thương tế bào biểu mô, dẫn tới các bệnh về phổi như ung thư phổi, ung thư biểu mô. Thời gian ủ bệnh từ 10-40 năm.
Nguồn: moitruongvadothi.vn