Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin, các nạn nhân sẽ được bồi thường thông qua một quỹ địa phương được tài trợ bởi các khoản đóng góp dân sự. Ông đồng thời cho biết, Hàn Quốc và Nhật Bản đang đứng trước cơ hội mới để vượt qua xung đột và xây dựng quan hệ hướng tới tương lai:
“Tôi hy vọng Nhật Bản sẽ đáp lại bằng một lời xin lỗi toàn diện từ chính phủ và sự tham gia tự nguyện của các công ty Nhật Bản vào quyết tâm lớn của chính phủ Hàn Quốc nhằm tạo ra một bước đột phá để cải thiện mối quan hệ hai nước”, ông Park Jin nói.
Ngoại trưởng Park Jin không công bố chi tiết cách thức tài trợ cho quỹ. Tuy nhiên trước đó hồi tháng 1, ông Shim Kyu-sun, chủ tịch của Tổ chức dành cho các nạn nhân bị cưỡng bức thời chiến, vốn chịu trách nhiệm xử lý các khoản bồi thường cho biết, số tiền sẽ do các công ty Hàn Quốc được hưởng lợi từ hiệp ước năm 1965 chi trả.
Kế hoạch phản ánh quyết tâm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhằm hàn gắn mối quan hệ rạn nứt với Nhật Bản, cũng như củng cố hợp tác an ninh Mỹ- Nhật- Hàn để đối phó tốt hơn với các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Nhật Bản đã ngay lập tức hoan nghênh thông báo của phía Hàn Quốc, coi đây như một bước hướng tới khôi phục quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, liên quan đến yêu cầu của các nguyên đơn muốn phía Nhật Bản xin lỗi và các công ty Nhật Bản phải tham gia quá trình bồi thường, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nhấn mạnh: “Các biện pháp do chính phủ Hàn Quốc công bố không dựa trên tiền đề rằng các công ty Nhật Bản sẽ đóng góp cho quỹ ở Hàn Quốc. Chính phủ Nhật Bản không có bất kỳ quan điểm cụ thể nào về sự đóng góp tự nguyện của các cá nhân hoặc công ty tư nhân ở cả Nhật Bản và nước ngoài”.
Trong khi đó Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi kế hoạch là chương mới của sự hợp tác và mối quan hệ đối tác giữa hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ, là bước quan trọng để tạo dựng một tương lai an toàn hơn, đảm bảo hơn và thịnh vượng hơn cho người dân hai nước.
Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản từ lâu đã trở nên phức tạp do những căng thẳng liên quan đến giai đoạn cai trị của Nhật Bản đối với Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945. Đỉnh điểm là khi Tòa án tối cao Hàn Quốc năm 2018 yêu cầu hai công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân hoặc người thân của họ. Nhật Bản khi đó đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Hàn Quốc, trong khi Seoul cũng cảnh báo chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự, một biểu tượng chính của hợp tác an ninh ba bên Mỹ- Nhật- Hàn.
Theo các nhà phân tích, kế hoạch là “một canh bạc chính trị lớn” của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc có khả năng chịu áp lực tăng cường khả năng phòng thủ và liên minh quân sự với Mỹ khi các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên gia tăng./.
Nguồn: vov.vn