Tuesday, September 17, 2024

Người nhận ủy quyền của mẹ Âu Cơ

 

Cuộc giao kèo trên sóng Hamburg

Bà Trần Phương Lan ngồi chờ rất lâu trước cửa vụ tổ chức của một tổng công ty nhà nước lớn. Một tiếng, hai tiếng… đã trôi qua. Sau cùng, vụ trưởng vụ tổ chức cũng… hiện ra, nghe bà trình bày về kế hoạch đưa con em cán bộ của công ty sang Đức đào tạo đúng ngành họ đang kinh doanh.

Rồi vị trưởng phòng hỏi: “Thế thì tôi làm sao chắc chắn khi chúng tôi bỏ tiền ra, những người đó sẽ trở về làm việc lại cho chúng tôi?”. Cuộc nói chuyện kết thúc ở đó, rồi lặp lại y nguyên ở nhiều nơi khác bà đến đặt vấn đề du học.

Người nhận ủy quyền của mẹ Âu Cơ

Bà Trần Phương Lan

Bà Lan không tự nhiên mà tới các tổng công ty đó. Mọi chuyện bắt đầu từ chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Đức hồi năm 2001, mà bà làm phiên dịch. Trong cuộc dạo chơi trên cảng Hamburg, câu chuyện dần dần chuyển về việc đào tạo lực lượng kế cận cho doanh nghiệp.

“Trong đoàn có lãnh đạo của 50 doanh nghiệp nhà nước lớn. Phần đông các anh lãnh đạo trong đó từng du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Việc đi học đại học, học nghề theo hiệp định lúc đó đã đứt đoạn 10 năm sau khi kết thúc chiến tranh lạnh. Các anh ấy nói đến nguy cơ Việt Nam thiếu các nhân lực chuyên nghiệp cao”, bà Lan nhớ lại.

Họ cũng nói với nhau về khái niệm “kỹ sư Đức” – điều được coi là đồng nghĩa với trình độ chuyên môn tốt, tính kỷ luật cao, chăm chỉ, cần cù, sáng tạo. Họ có thể làm ra những sản phẩm chính xác, chuyên sâu đến mức cả thế giới chỉ biết… đặt hàng.

“Tôi nhắc đào tạo ở Đức thì tốt quá rồi, chất lượng cao mà lại miễn phí. Mọi người bảo à à thế à, em tìm hiểu làm chương trình đi, rồi xong trình bày để các tổng công ty Việt Nam cử người đi. Tuy không ai trả tiền, tôi vẫn sốt sắng nửa năm chạy đi tìm hiểu đủ thứ. Lúc đấy cũng chưa có ai làm du học Đức ở Việt Nam”, bà Lan chia sẻ.

Nhưng khi những ký kết xin chỉ tiêu đào tạo, sắp xếp chương trình học tiếng Đức hoàn thành, đáp lại bà là những câu trả lời như… tổ chức cán bộ giống hệt nhau. “Tôi chỉ biết kêu trời ơi, họ cam kết trở về thế nào là việc của các anh chứ”, bà Lan nói.

Từ 20 người con Âu Cơ đầu tiên

Nhưng bà Lan không chỉ gặp những trưởng phòng tổ chức loay hoay với việc đào tạo nhân sự. Khi gây dựng việc học tiếng Đức, bà đã gặp được người gắn bó chiến lược – Giám đốc Viện Goethe tại Hà Nội, ông Franz Xaver Augustin. Thời điểm đó, Viện Goethe có rất ít người học tiếng Đức.

“Tôi trình bày với ông ấy khoảng 15 phút về chương trình của mình, ông ấy bắt tay nói chúng ta sẽ cùng nhau làm. Thế là chúng tôi cùng nhau xây dựng lên trong phong trào tiếng Đức, du học Đức. Ông Augustin nói để giúp bà không phải quảng cáo gì nhiều, hãy đặt luôn văn phòng ngồi trong viện. Thế là ông ấy dẹp cho một cái sảnh, đặt bàn ở đấy, tôi thành lập Công ty Âu Cơ”, bà Lan nói.

Không đưa người của các đơn vị lớn đi được vì họ quá thờ ơ, bà Lan quyết định mở đường du học cho tất cả những ai quan tâm muốn đi. “Đợt đầu có 22 em đi, trong đó có 3 em của Tổng công ty đóng tàu VINASHIN và chúng tôi gom được 1 lớp học. Tới năm 2002, các em thi hết bằng B1 tiếng Đức rồi đi. Sau đó, mọi người giới thiệu truyền miệng, năm sau chúng tôi có 2 lớp, sau nữa là 4 và tới nay, sau 20 năm đã đưa đi được vài nghìn em”, bà Lan nói.

Người nhận ủy quyền của mẹ Âu Cơ

Bà Trần Phương Lan

Âu Cơ cũng không quảng cáo, chỉ là các phụ huynh thấy tốt lại rủ bạn bè, người thân cho con tham gia học. “Có năm rất buồn cười, một nửa hồ sơ sinh viên là người Hải Phòng. Lúc đầu 4 gia đình Hải Phòng cho con đi, rồi họ tuyên truyền tích cực lắm. Họ cứ giới thiệu nhau theo kiểu quần thể. Người ở vùng đó người ta biết đi chỉ có tốt thôi”, bà Lan cho biết.

Sang tới Đức, bà Lan, với bản tính của người sinh ra trong gia đình nhà giáo, chăm lo mọi việc hết sức chi li. “Thời kỳ đầu, tôi tự ra sân bay đón các em. Có khi tôi còn chở thực phẩm đến nấu trực tiếp cho các em ở ký túc xá”, bà nói.

Công việc tư vấn và chăm sóc được xuyên suốt từ lúc bắt đầu nhận các em vào công ty ở Việt Nam, đến khi các em sang Đức, tỉ mỉ đủ thứ không tên. Ở Việt Nam, các phụ huynh hay chạy theo phong trào, thời gian đầu bà thường… “vấp” vào phụ huynh.

“Ngày xưa mới mở cửa, cứ bố mẹ đi đằng trước, con đi đằng sau, vào đến cửa cái là nói con tôi muốn học tài chính ngân hàng. Con trai thích kỹ thuật mà bố mẹ cứ “không, con tôi học tài chính ngân hàng”, khi đấy ngành hot. Chúng tôi thường yêu cầu được nói chuyện trực tiếp với các cháu, hỏi chuyện cụ thể về mơ ước, nguyện vọng và sở trường của các cháu để tìm ra lời khuyên học ngành gì cho phù hợp…”, bà Lan chia sẻ.

Bà Lan cũng rất nhanh nhìn ra cách mở cánh cửa ngành nghề yêu thích của các em. Bà cho biết, mình hỗ trợ nhiều người vào khối y dược. Tại Việt Nam, đấy là khối ngành mà thí sinh 27 điểm/3 môn, có khi 29 điểm/3 môn vẫn trượt. Nhưng tại Đức, sinh viên đăng ký học khối ngành y dược chung và chỉ cần điểm khối B đủ đỗ trường đại học tại Việt Nam. Với ngành kinh tế, kỹ thuật, việc tư vấn lại được mở rộng hơn vì các em có thể chọn ngành hẹp sau năm đầu du học. Có nghĩa là, mọi việc rất mở.

Tư vấn du học, bà Lan như sống lại nhiều lần cảm xúc năm nào khi bà lên đường sang Đức học đại học năm 1978. Bà có một chiếc vali bằng da ọp ẹp do bác Tứ (Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Đình Tứ) phát, trong đó có bộ quần áo dài, sơ mi, bít tất, đôi sandal. “Lúc đó, Việt Nam nghèo lắm nhưng chúng tôi đi học theo đoàn thể nên thấy rất vui. Sau này, tôi có kinh nghiệm đưa sinh viên đi theo nhóm 5 – 20 người sẽ biết giúp đỡ nhau, kiểu gì cũng qua vì có nhau”, bà Lan vui vẻ nói.

Bà Lan bảo nhiều khi ở Việt Nam bố, mẹ không tin tưởng con cái, chứ chỉ ra nước ngoài 3 tháng là các bạn nhanh nhẹn, tự lập, cực kỳ hiểu biết. Các em mau chóng thuộc môi trường sống, tính toán sao cho chi phí rẻ. Nếu học giỏi thì còn được thêm các cơ hội có tiền nghiên cứu, tham gia công việc khác nữa. Du học ở Đức so với đi Anh, Mỹ, Úc … vì thế rất ổn ở chỗ ít tốn kém mà cơ hội phát triển lại cao.

“Theo tôi, đào tạo có 2 nửa, một nửa là đào tạo bằng cấp, nửa kia là con người, tính tự lập, chủ động sáng tạo, tự quyết. Nên đi học là tốt, chứ cứ ở nhà bố đi trước, mẹ đi sau làm sao mà phát triển được. Âu Cơ cũng là mang con ra biển lớn như thế”, bà Lan nói, giọng ấm áp ẩn chứa tự hào.

Theo tôi, đào tạo có 2 nửa, một nửa là đào tạo bằng cấp, nửa kia là con người, tính tự lập, chủ động sáng tạo, tự quyết. Nên đi học là tốt, chứ cứ ở nhà bố đi trước, mẹ đi sau làm sao mà phát triển được. Âu Cơ cũng là mang con ra biển lớn như thế.

 

 

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Tình thương của mẹ hổ
Truy Tìm Bằng Chứng 2
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi