Thursday, November 7, 2024

Giảm lãi suất cho vay bất động sản

Áp lực lãi suất đầu vào giảm đã tạo điều kiện để các ngân hàng giảm dần lãi suất đầu ra (lãi suất cho vay), kể cả trong lĩnh vực bất động sản.

Liên tiếp những tuần gần đây, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi đưa mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung đã giảm 1 – 2%/năm so với cao điểm cuối năm 2022. Áp lực lãi suất đầu vào giảm đã tạo điều kiện để các ngân hàng giảm dần lãi suất đầu ra (lãi suất cho vay), kể cả trong lĩnh vực bất động sản. Đây là lĩnh vực đầu kéo trong nền kinh tế khi có khả năng tác động đến hơn 40 ngành kinh tế quan trọng khác.

Đối với phân khúc nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu ở thực, khi lãi suất neo cao, người dân sẽ e ngại, không dám vay mua nhà, đồng nghĩa thị trường tiêu thụ sẽ khó khăn. Còn chủ đầu tư gặp khó về dòng tiền, dẫn tới chậm trễ hoàn thiện dự án.

Giảm lãi suất tối đa 3%/năm là mức vừa được ngân hàng này áp dụng với những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản. Thời gian áp dụng điều chỉnh lãi suất này kéo dài đến cả năm sau.

“Chúng tôi sẽ lựa chọn những khách hàng nằm trong nhóm: gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, do những dự án chưa được hoàn thiện và những dự án đang khó khăn về tiêu thụ. Đấy là những ưu tiên hỗ trợ để giúp các dự án được sớm hoàn thành”, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.

Giảm lãi suất cho vay bất động sản

Những tuần gần đây, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi đưa mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung đã giảm 1 – 2%/năm so với cao điểm cuối năm 2022. (Ảnh minh họa – Ảnh: Dân trí)

Còn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội cũng vừa chính thức áp dụng lãi suất cho vay về mức 11%/năm với các dự án vay lớn và các đối tác chiến lược. Riêng khách hàng cá nhân mua các dự án đang bị chậm tiến độ về pháp lý, khó khăn về thanh khoản được giảm 1 – 2%/năm, cá biệt có dự án giảm 3%/năm cho khách hàng cá nhân.

“Chúng tôi đã tiếp thu kết luận của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã tháo gỡ cho các doanh nghiệp bất động sản, trong đó các doanh nghiệp khó khăn thì chúng tôi cũng đồng hành tìm các biện pháp cụ thể với từng khách hàng, từng dự án để tháo gỡ cho khách hàng”, ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban Điều hành, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội, thông tin.

Việc tăng tín dụng hợp lý hiện tập trung cho số đông khách hàng cá nhân vay mua nhà để ở. Phân khúc bất động sản có giá trị lớn và cao cấp sẽ cần thận trọng hơn theo định hướng: xem xét tính minh bạch, khả thi và phương án kinh doanh hợp lý của dự án.

“Minh bạch hóa về tài sản đảm bảo, cũng như tính hiệu quả của dự án. Rõ ràng khi dòng tiền căng thì lỗ cũng phải bán. Lượng hấp thụ chưa tốt thì các chủ đầu tư phải ra một chiến lược bán hàng thông minh, phù hợp, đảm bảo an toàn về dòng tiên”, ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho hay.

Ngoài giảm lãi suất, việc cơ cấu nợ cần được nghiên cứu triển khai một cách thận trọng, chính xác, đảm bảo không chuyển nợ xấu về sau. Ngân hàng Nhà nước đã khuyến nghị Bộ Xây dựng cần rà soát dự án nào mang tính đầu cơ, dự án nào gắn với sản xuất, thương mại, dịch vụ để cùng tìm ra phương án ứng xử, tháo gỡ riêng.

Rõ ràng việc phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng là rất cần thiết để đánh đúng, đánh trúng điểm nghẽn về bất động sản thời gian qua, để làm sao nguồn vốn tín dụng đến được với những dự án doanh nghiệp và người dân cần, không rót vốn cho những dự án mang tính đầu cơ.

Hiện dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản lên tới gần 2,6 triệu tỷ đồng, tức là ngân hàng cứ cho vay 5 đồng, thì có 1 đồng chảy vào bất động sản. Tuy nhiên trước thực trạng khó khăn các doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải, một số chính sách tín dụng tiếp tục được ngành ngân hàng mở ra.

Ngoài việc các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất cho vay, gần đây, thị trường cũng đang đón đợi một gói tín dụng có quy mô lên tới 120.000 tỷ đồng, do 4 ngân hàng thương mại nhà nước đảm đương. Dự kiến lãi suất của gói tín dụng này sẽ thấp hơn so với lãi suất thông thường, nhưng dự án bất động sản nào sẽ được giảm và người vay mua nhà có được giảm lãi suất trực tiếp hay không, đây là những nội dung cần được sớm được cụ thể hóa để sớm triển khai trong thực tế.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ 4 ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank, nhằm hỗ trợ cho vay các dự án, doanh nghiệp bất động sản với mức lãi suất thấp hơn thị trường từ 1,5 – 2%/năm.

Tuy nhiên dự án nào và những đối tượng nào sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay này là câu hỏi hiện được nhiều người quan tâm.

“Điều kiện là cần đáp ứng được chuẩn tín dụng tối thiểu. Thứ hai là cần đảm bảo tính pháp lý. Thứ ba là đảm bảo tính khả thi. Nghĩa là giải cứu những doanh nghiệp có thể phục hồi trong tương lai, như thế mới có thể đảm bảo được năng lực trả nợ”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho biết.

“Ví dụ như giảm 10% hoặc 11% sau đó mới hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội với lãi suất giảm bớt 1,5 – 2%, tức là người vay chỉ vay ở mức 8,5% thì rất tuyệt vời”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nêu quan điểm.

Như vậy, có thể thấy, các gói tín dụng hỗ trợ nói trên sẽ tập trung vào những dự án bất động sản đang dang dở, có khả năng phục hồi và phân khúc nhà ở bình dân.

Tuy nhiên, hiện có tới 70% các dự án, bất động sản đang vướng về các thủ tục pháp lý, trong đó có cả nhà ở thương mại cũng như nhà ở xã hội, nên ngoài câu chuyện tháo gỡ về dòng tiền, vấn đề tháo gỡ pháp lý xem ra còn quan trọng hơn.

Việc có thêm dòng tiền và phân định rõ phân khúc bất động sản cần tập trung phát triển cũng như những động thái hỗ trợ nhất định đang tạo những kỳ vọng mới cho thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường bất đọng sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Sau khi có Nghị quyết v, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này. Đây chắc chắn sẽ là một đòn bảy hiệu quả để gỡ khó cho thị trường bất động sản nói chung, trong đó có một nhánh rất quan trọng đó là nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, bởi Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ đầu năm đã nhấn mạnh mục tiêu có ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội trong vòng 7 năm nữa.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img