Ngày 28/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu, với sự tham gia của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Theo đó, đại diện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.
Từ cuối năm 2021, tình hình cung ứng xăng dầu đã bắt đầu có dấu hiệu bị gián đoạn. Nhưng ngay khi bước sang năm 2022 đến thời điểm hiện tại, thị trường xăng dầu thực sự vẫn rơi vào cảnh “gãy” nguồn cung với hàng loạt cửa hàng xăng dầu đóng cửa, nghỉ bán.
Trước đó, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối xăng dầu đồng loạt gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công Thương… về các quy định bất cập trong kinh doanh xăng dầu hiện nay và góp ý sửa đổi Nghị định 95, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Theo ông Hà Thanh Tùng, Ban đại diện cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu (DNBL XD), tháng cao điểm cộng đồng DNBL XD có thể lỗ đến 900 tỷ đồng, nếu tính từ tháng 2/2022 đến nay, cộng đồng này đã lỗ khoảng 4.000 tỷ đồng.
“Trong khi, hầu hết chúng tôi đều đang được coi là đại lý bán lẻ XD. Theo Điều 171 Luật Thương mại 2005, thù lao đại lý của XD được tính ở trường hợp “bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ”, ông Tùng nói.
Như vậy, theo cộng đồng DNBL XD, thù lao của họ phải được quy định rõ ràng, vì đây là mặt hàng nhà nước định giá bán lẻ, trong giá bán lẻ đã có định mức lợi nhuận và chi phí kinh doanh.
“Chúng tôi là một mắt xích trong chuỗi kinh doanh XD, chúng tôi cũng phải được hưởng định mức lợi nhuận và chi phí kinh doanh như các mắt xích khác, không thể tiếp tục đặt chúng tôi vào thế bị động “cho bao nhiêu biết bấy nhiêu” như trước đây”, ông Vũ Đức Cường, Giám đốc Cty TNHH Cường Phú bày tỏ.
Ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty XD Bảo Dương cho biết một “éo le” của DNBL XD là phải đăng ký mức bán lẻ thường xuyên. Nếu vượt qua mức này thì nhà cung cấp cũng không thể đáp ứng thêm nên trong một số trường hợp khi cầu vượt cung, các cây xăng buộc phải bán nhỏ giọt vì sợ không đủ hàng bán, đóng cửa thì lại bị nhắc nhở.
Do đó, theo ông Báu, Nghị định về quản lý kinh doanh XD nên tìm cách nào đó để có thể bỏ giới hạn hạn mức được mua hàng tháng trong hợp đồng mua bán bởi chắc chắn thị trường sẽ có những tình huống đột biến như thời gian vừa qua.
Hầu hết các DNBL XD đều cho rằng, XD là mặt hàng đặc biệt được nhà nước điều hành giá bán. Do đó, để đảm bảo được lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ, nhà nước cần đặt cộng đồng DNBL tương đương như các thương nhân đầu mối phân phối khác để có thể chia đúng, chia đủ định mức lợi nhuận và chi phí kinh doanh bởi tất cả các DNBL XD đều phải đến kho lấy hàng chứ không phải “ngồi nhà chờ được giao”.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn