Cử tri phản ánh tình trạng nhiều người là cha hoặc mẹ sau khi ly hôn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, do đó đề nghị nghiên cứu sửa đổi luật Hôn nhân và gia đình.
Theo cử tri, đối với luật Hôn nhân và gia đình, vấn đề cấp dưỡng cho con cái sau khi cha mẹ ly hôn hiện vẫn chưa có quy định về chế tài. Đa số các vụ ly hôn, tòa án giao con cho người mẹ nuôi. Người cha hoặc mẹ sau ly hôn phải một mình nuôi con, có khi nhiều người con, nhưng người cha hoặc mẹ còn lại lại không thực hiện cấp dưỡng, không bị ràng buộc bởi pháp luật và không “cưỡng chế” cấp dưỡng được.
Do đó, cử tri kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi luật Hôn nhân và gia đình liên quan vấn đề này.
Trả lời nội dung trên, Bộ Tư pháp cho biết, pháp luật hiện hành đã có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền yêu cầu buộc thực hiện cấp dưỡng cho con sau khi cha mẹ ly hôn; trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu cấp dưỡng và chế tài đối với người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Trong đó, khoản 24 điều 3, điều 110 luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cụ thể về khái niệm cấp dưỡng, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con.
Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì người được cấp dưỡng, cha, mẹ, người giám hộ, người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc hội liên hiệp phụ nữ… có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ này.
Vẫn theo Bộ Tư pháp, thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu cấp dưỡng được thực hiện theo quy định của bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2022) cùng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Riêng với người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, pháp luật cũng đã có những quy định về chế tài từ dân sự, hành chính cho đến hình sự.
Cụ thể, về trách nhiệm dân sự, bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác…
Về trách nhiệm hành chính, điều 57 Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn hoặc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm hình sự, điều 186 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Theo đó, người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe… thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, điều 380 bộ luật Hình sự còn quy định người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, về tội không chấp hành án.
Cùng với việc cung cấp các quy định về cấp dưỡng cho con và chế tài đối với người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như đã nêu ở trên, Bộ Tư pháp cho hay thời gian tới sẽ đề ra các giải pháp để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về nội dung mà cử tri phản ánh.
Nguồn: thanhnien.vn