Các thành phố ven biển miền đông nước Nhật đang cân nhắc về cách ứng phó với một thảm họa sóng thần để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Sơ tán người dân bằng ô tô để tránh sóng thần ?
Để đối phó những hậu quả của một trận động đất lớn kéo theo sóng thần, việc cần thiết là củng cố những phương án sơ tán, đồng thời hạn chế các tổn thất. Tuy nhiên, sau một ước tính mới rằng sóng thần có thể ập đến nhanh chóng và làm ngập các khu vực rộng lớn, ô tô được quảng cáo là cách hiệu quả nhất để thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Trong trận động đất lớn ở phía đông Nhật Bản năm 2011, nhiều người bị tắc đường khi chạy bằng ô tô và bị sóng thần cuốn trôi, khiến nhiều thành phố phải áp dụng nguyên tắc sơ tán bằng cách đi bộ.
Nhưng sau khi chính phủ công bố dự báo mới, tỉnh Miyagi năm 2022 đã xem xét các hướng dẫn về sóng thần và yêu cầu cư dân ở các thị trấn và thành phố xem xét sơ tán bằng ô tô. Tỉnh Iwate cũng đã nêu rõ trong kế hoạch giảm thiểu thiên tai của mình rằng các phương pháp sơ tán nên được “thực hiện linh hoạt phù hợp với điều kiện địa phương”.
Thành phố Yamamoto thuộc tỉnh Miyagi, nơi có vùng đất bằng phẳng chạy dọc bờ biển, đã lắp đặt 10 “tuyến đường sơ tán” và tiến hành diễn tập tránh thảm họa bằng ô tô. Vào tháng 10.2022, chính quyền thành phố đã chỉ định hai địa điểm sơ tán khẩn cấp có thể tiếp nhận ô tô. Họ cũng có kế hoạch chỉ định các lối thoát hiểm từ khu vực này sang khu vực khác cho ô tô trong kế hoạch phòng chống thiên tai được sửa đổi trong năm tài chính mới.
Một quan chức cho biết: “Làm việc theo những giả định mới này, chúng tôi sẽ phải sơ tán nhanh hơn. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng việc sơ tán nhanh chóng là có thể thực hiện được”.
Trong kế hoạch phòng chống thảm họa động đất – sóng thần, tỉnh Iwate sẽ chi khoảng 120 triệu yen để diễn tập sơ tán. Trong tháng 3 này, thành phố Kamaishi ở tỉnh Iwate sẽ tiến hành thử nghiệm diễn tập vào tháng 3 trước khi thảo luận về việc sử dụng ô tô để sơ tán ở những khu vực cụ thể.
Thành phố Otsuchi ở cùng tỉnh đã quyết định mở rộng phạm vi những người đủ điều kiện sơ tán bằng phương tiện giao thông cho tất cả cư dân và chỉ định một con đường ven sông làm tuyến đường thoát hiểm một chiều, cộng với việc lập các điểm sơ tán có thể tiếp nhận dòng xe ô tô.
Rủi ro kẹt xe và bị sóng thần cuốn đi
Một số người từng sơ tán bằng xe ô tô đã bày tỏ sự lo ngại. Trong thảm họa sóng thần năm 2011, nữ nghị sĩ Mieko Sawayama đã lái xe tháo chạy cùng gia đình 5 người. Họ lâm cảnh kẹt xe và đã phải bỏ xe lại để tránh bị nước cuốn trôi. Tất cả đều sống sót nhưng những người họ hàng khác di tản bằng ô tô đã không được may mắn như họ.
Giáo sư Masaaki Minami ở Đại học Iwate chuyên về quy hoạch đô thị cho biết: “Chính quyền khó có thể lập những quy định bắt buộc người dân dùng xe ô tô để di tản. Chính quyền chỉ còn một cách là trao đổi với người dân về những tình huống có thể xảy ra để họ tiếp nhận ý tưởng đó, đồng thời lập các kế hoạch sơ tán tùy theo từng cụm dân cư”.
Kế hoạch ứng phó sóng thần gây ngập nặng các thành phố ven biển
Hồi tháng 4.2020, chính phủ Nhật đã công bố một bản đồ các khu vực có thể bị ngập sau một đợt sóng thần cao 30m – tiếp sau một trận động đất 9 độ Richter với tâm chấn trong hoặc quanh Rãnh Nhật Bản và Rãnh Chishima ở ngoài khơi vùng Tohoku và Hokkaido.
Chính phủ Nhật còn dự báo một vụ động đất khác có thể gây tàn phá mạnh hơn cả trận đại động đất năm 2011. Các tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima khi đó đã tính toán các kế hoạch ứng phó thảm họa khác. Từ tháng 3 đến tháng 12/2022, cả 3 tỉnh trên đã đưa ra dự báo ngập lụt và tổn thất riêng.
Theo đó, có thể xảy ra một đợt sóng thần cao tối đa 29m ở hai tỉnh Miyagi, Iwate. Tổng diện tích được dự báo ngập tại 3 tỉnh lên tới 630 km2 (lớn hơn 30% diện tích bị ngập năm 2011) và tổng số người chết là 14.249 người.
Liên quan các vùng sẽ bị ngập, báo Yomiuri Shimbun hồi tháng 1/2023 đã khảo sát 37 thành phố, thị trấn và làng của 3 tỉnh ven biển này. Tờ báo phát hiện 18 trụ sở chính quyền tỉnh, 15 trạm chữa cháy và 9 đồn cảnh sát nằm trong vùng có nguy cơ bị ngập nặng. Nếu tính cả các văn phòng chi nhánh của chính quyền tỉnh và đồn cảnh sát thì có tổng cộng 120 cơ sở ứng phó thảm họa này có thể bị ngập.
Nếu những cơ sở ứng phó bị ngập thì nhân sự sẽ khó thể thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn người dân đến điểm trú cùng các hoạt động cứu hộ.
Trong thảm họa động đất – sóng thần năm 2011, các cơ quan chính quyền ở thành phố Rikuzentakata và thị trấn Otsuchi (thuộc tỉnh Iwate) và hai thị trấn Minami-Sanriku và Onagawa (thuộc tỉnh Miyagi) đã bị tàn phá. 6 trong 18 trụ sở trọng yếu của chính quyền có nguy cơ ngập đã được di dời tiếp sau thảm họa trên.
Tòa thị chính Miyako từng bị ngập đến tầng 2 cũng được di dời hồi năm 2018. Tuy nhiên, giả thiết gần đây nhất cho rằng thành phố này có thể phải chứng kiến một vùng ngập 18,7 km2, tức gần gấp đôi vùng ngập trước đây.
Vì lo ngại trụ sở mới có thể bị ngập, chính quyền Miyako đã quyết định đặt các trạm bơm nhiên liệu cho các máy phát điện dự phòng ở tầng hai và các tầng cao hơn của trụ sở. Trong khi đó, chính quyền thành phố Kamaishi (tỉnh Iwate) đã sửa kế hoạch xây trụ sở mới, di dời các văn phòng lên tầng hai và cao hơn do lo ngại nguy cơ tòa nhà có thể bị ngập từ 3 – 5m.
Nguồn: moitruongvadothi.vn