Tuesday, October 1, 2024

Phát động cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa – Huế 2023”

Các dự án nổi bật có thể nhận tài trợ lên tới 500 triệu đồng để áp dụng và triển khai tại Huế.

Cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa – Huế 2023” vừa được phát động với mong muốn tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa của cố đô Huế. Cuộc thi hướng tới các mô hình/đề xuất/ý tưởng cụ thể, liên quan đến một trong hai nội dung:

  • Các giải pháp 3T (Tiết giảm, Tái sử dụng, và Tái chế) nhằm giảm thiểu, xử lý và quản lý tốt hơn vấn đề rác thải nhựa tại thành phố Huế;
  • Các giải pháp nâng cấp, tối ưu hóa giá trị của rác thải nhựa thành các sản phẩm thân thiện với môi trường;

Đối tượng tham gia cũng như lĩnh vực áp dụng sáng kiến không bị hạn chế. Các sáng kiến có thể dựa vào bất kỳ nền tảng nào: khoa học kỹ thuật, giải pháp quản lý, công nghệ,…

Thời gian nhận hồ sơ trực tuyến tại sangkiengiamnhua.com kéo dài đến hết ngày 31/3/2023. Hồ sơ đăng ký bao gồm: đơn theo mẫu, sơ yếu lý lịch của cá nhân/nhóm, hồ sơ năng lực của tổ chức/công ty; bản thuyết minh dự án (có mẫu đính kèm) định dạng PDF; các hình ảnh, video (nếu có).

Phát động cuộc thi “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa – Huế 2023”

Cuộc thi giảm rác thải nhựa tại Huế

Sau đó, các đội thi sẽ trải qua 3 vòng: sơ loại – bán kết – chung kết. Mỗi vòng đặt ra các tiêu chí chấm riêng liên quan đến khả năng áp dụng với thành phố Huế, tính đổi mới sáng tạo, năng lực triển khai của nhóm dự án, và mức độ tác động xã hội.

Vòng chung kết được tổ chức trực tiếp tại thành phố Huế vào tháng 5/2023. Các dự án vào vòng chung kết được tập huấn và làm việc 1-1 với các chuyên gia cố vấn để hoàn thiện phương án vận hành và quản lý mô hình. Tại buổi thi chung kết, các dự án được yêu cầu trưng bày sản phẩm, tài liệu hoặc mô hình mô phỏng giới thiệu chi tiết về dự án của mình.

Ban giám khảo có thể lựa chọn từ 4-7 dự án, tùy thuộc vào quy mô dự án để nhận tài trợ, với mức kinh phí tối đa để triển khai thực hiện có thể lên tới 500 triệu/dự án.

Cuộc thi nằm trong khuôn khổ Dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tài trợ, và được tổ chức bởi Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thừa Thiên Huế (Hue Innovation Hub). Dự án đặt mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ giúp thành phố giảm 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường.

Huế vốn nổi tiếng là thành phố xanh với hệ thống hơn 64 nghìn cây xanh trên đường phố, trong công viên. Nhờ đó, tiêu chuẩn về chất lượng không khí ở Huế luôn bảo đảm.

Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. 

Ðây là tiền đề và cơ sở cũng như khẳng định hướng đi đúng của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua khi luôn xem công tác bảo vệ di sản, môi trường là nhiệm vụ quan trọng.

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế: Có thể cần một thời gian nữa, nền kinh tế của Thừa Thiên Huế mới theo kịp các địa phương bạn. Nhưng điều mà tỉnh có thể tự hào và sánh vai với bất cứ đô thị nào trong cả nước, đó là những giá trị văn hóa, lịch sử, con người mà Thừa Thiên Huế đã và đang có. Và không gì hơn khi giá trị ấy được tỏa sáng trong một không gian xanh – sạch – sáng!

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người Hùng Xí Nghiệp - SCTV9
Truy Tìm Bằng Chứng 2
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi