Thursday, November 28, 2024

Bình Định: Nhiều bất cập trong xử lý các vấn đề về đất đai

Thời gian qua, tại xã Phước Mỹ, Tp. Quy Nhơn xảy ra nhiều bất cập trong việc xử lý xây dựng nhà ở trái phép trên đất lâm nghiệp. Sự việc diễn ra trong suốt thời gian dài, nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm.

Dân tố cáo có sai phạm, chính quyền nói không

Điển hình cho sự lúng túng của các cơ quan chức năng trong việc xử lý sai phạm các hành vi vi phạm luật trên là vụ việc ông Ngô Xuân Huy và nhiều cá nhân khác ngang nhiên xây dựng nhà ở kiên cố trên đất lâm nghiệp.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Kim M, ngụ tại đường Lý Tự Trọng, Tp. Quy Nhơn đã nhiều lần gửi đơn phản ánh vụ việc cấp chính quyền địa phương có một số người dân lấn chiếm, trồng trụ bê tông rào kẽm gai bao quanh, chặt bỏ các cây trên đất, san lấp mặt bằng, xây nhà ở kiên cố trên diện tích đất rừng tái sinh (nằm phía sau thửa đất số 15 và thửa đất số 19, tờ bản đồ số 14) tại thôn Long Thành, xã Phước Mỹ do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, ngày 21/09/2022, UBND xã Phước Mỹ đã có báo cáo UBND Tp. Quy Nhơn bác bỏ nội dung phản ánh của bà Nguyễn Thị Kim M.

Theo UBND xã Phước Mỹ, qua xác minh hộ khẩu tại Công an xã Phước Mỹ thì ông Ngô Xuân Định và bà Nguyễn Thị Thanh Bình không phải là công dân cư trú tại địa phương và không trực tiếp sử dụng thửa số 15 và thửa số 19, tờ bản đồ số 14 thuộc xóm 4, thôn Long Thành, xã Tiên Phước. Tổ công tác ghi nhận thửa số 15 và thửa số 19, tờ bản đồ số 14 hiện nay do ông Ngô Xuân Huy, sinh năm 1999, thường trú tại 254 Diên Hồng, Tp. Quy Nhơn sử dụng. Mảnh đất này do ông Huy nhận chuyển nhượng từ bà Phan Thị Phượng năm 2017 và đã được cấp đổi GCNQSDĐ số CI 385987 (số vào sổ CS01450) do Sở TN&MT Bình Định cấp ngày 01/09/2017.

 Tuy nhiên, theo dư luận, năm 2017 ông Huy mới có 18 tuổi thì nguồn tiền ở đâu mà sang nhượng đất? Phải chăng đây là hình thức mua bán, đứng tên trá hình của vợ chồng ông Ngô Xuân Định và bà Nguyễn Thị Thanh Bình (bố mẹ ông Ngô Xuân Huy) nhằm hợp thức hóa tài sản khi cả 2 vợ chồng ông Định – bà Bình đều là viên chức nhà nước, không nằm trong diện người trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, trên mảnh đất mà ông Huy nhận chuyển nhượng hiện đang tồn tại một căn nhà, theo khoản 1, điều 170, Luật đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất không được sử dụng trái mục đích, buộc phải tháo dỡ căn nhà nói trên. Điều 6 trong Luật đất đai cũng nêu rõ: người sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.

Như vậy, người dân không được xây dựng nhà trên đất đồi, loại đất mà trên thực tế thuộc nhóm đất nông nghiệp hoặc đất chưa được đưa vào sử dụng. Nếu muốn xây nhà, bắt buộc mảnh đất đó phải là đất thổ cư.

“Qua phản ánh của bà Nguyễn Thị Kim M. cho rằng ông Định, bà Bình xây dựng nhà là không đúng đối tượng. Đặc biệt, bà M. phản ánh ông Định và bà Bình phá rừng tái sinh là không có cơ sở. Vì chủ sử dụng là ông Ngô Xuân Huy nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở và đất vườn của hộ dân trên địa bàn xã”, UBND xã Phước Mỹ khẳng định.

Bình Định: Nhiều bất cập trong xử lý các vấn đề về đất đai

Vị trí tổng thể diện tích sử dụng tăng so với giấy chứng nhận của ông Huy.

Mập mờ xác minh nguồn gốc đất

Trước thông tin phản hồi của UBND xã Phước Mỹ, bà M cho biết mình không đồng tình với lý giải này, đồng thời, đã gửi đơn tố cáo đến các cấp cao hơn.

Ngày 28/12/2022, UBND Tp. Quy Nhơn có văn bản số 4547/UBND-TN gửi bà Nguyễn Thị Kim M., cho biết, thửa đất số 15, diện tích 2.012 m2 và thửa đất số 19, diện tích 1.041 m2 thuộc tờ bản đồ số 14 đã được cấp GCN đứng tên ông Ngô Xuân Huy, không phải chủ sử dụng là ông Ngô Xuân Định và bà Nguyễn Thị Thanh Bình. Đồng thời, khẳng định ông Ngô Xuân Huy là người nhận chuyển nhượng đất, không phải là đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất. Tuy nhiên, việc ông Ngô Xuân Huy xây dựng nhà với diện tích 77,35 m2 trên đất lâm nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là không đúng quy định.

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Cao Minh Thi – Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ. cho biết: “Năm 1976, những bà con nhân dân địa phương được Nhà nước vận động nhận đất làm ruộng, làm nương nhưng bà con không ai chịu nhận. Đến 2004, Nhà nước cấp sổ đỏ cho những hộ đồng ý nhận đất. UBND huyện Tuy Phước chỉ cấp sổ cho đất vườn và đất ở, còn lại diện tích đất là bà con khai phá và sử dụng từ đó đến nay chứ không phải là đất của UBND xã quản lý. Hiện xã cũng đã đi lấy ý kiến từ những hộ gia đình có đất khai vỡ chưa có điều kiện để làm sổ”.

“Ông Ngô Xuân Huy, bà Nguyễn Thị Thanh Bình và ông Ngô Xuân Định mua lại đất và đã công chứng hợp pháp, dù không có sổ nhưng đất này là của người dân khai phá. Trên mảnh đất này, ông Định mới cất một cái nhà nhỏ trên đất lâm nghiệp, UBND xã đã phát hiện và đề nghị họ tự tháo dỡ. Tuy nhiên, các hộ trên không chấp hành nên xã đã có văn bản đề nghị UBND Tp. Quy Nhơn ra quyết định cưỡng chế theo quy định”, ông Thi cho biết thêm.

Bình Định: Nhiều bất cập trong xử lý các vấn đề về đất đai

Ngày 22/2/2023 việc tháo dỡ vẫn chưa được thực hiện.

Như vậy, đến nay UBND xã Phước Mỹ, UBND Tp. Quy Nhơn vẫn chưa rõ ràng trong việc xác minh nguồn gốc đất và hành vi vi phạm pháp luật của các hộ dân nói trên. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm vụ việc có hay không tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình, nhà ở trái phép trên đất rừng tại xã Phước Mỹ. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của các tổ chức, cá nhân (nếu có). 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img