Saturday, April 27, 2024

Thần tượng K-Pop ảo trong vũ trụ Metaverse lên ngôi tại Hàn Quốc

Ngành giải trí Hàn Quốc đang dẫn đầu thế giới về khả năng nắm bắt xu hướng vũ trụ ảo (Metaverse).

Nhiều công ty âm nhạc tại Hàn Quốc đang chạy đua trong việc phát triển các nhóm nhạc ảo, với kỳ vọng trong tương lai có thể thay thế các thần tượng ngoài đời thật.

Mới đây, video âm nhạc đầu tiên của một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc có tên là MAVE: đã lan truyền nhanh chóng, thu hút gần 20 triệu lượt xem trên YouTube. Dự án nhóm nhạc thần tượng ảo được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho thành công trên toàn cầu của K-pop trong không gian mạng.

Tiếng cổ vũ của người hâm mộ, gậy phát sáng được bật nhấp nháy liên tục khi một ban nhạc nữ Kpop mới bước lên sân khấu. Tuy nhiên, 4 thành viên của nhóm MAVE: không tồn tại trong thế giới thực. Họ là thần tượng ảo và khán giả, sân khấu – mọi phần của màn trình diễn đầu tay – đều được tạo ra từ máy tính.

Chị Han Su-Min, người hâm mộ K-Pop, cho biết: “Lần đầu tiên nhìn thấy MAVE:, tôi hơi bối rối vì không biết họ là người thật hay nhân vật ảo. Tôi thường xuyên sử dụng các nền tảng Metaverse với bạn bè của mình nên tôi cảm thấy mình có thể trở thành người hâm mộ của họ”.

Những người tạo ra nhóm nhạc MAVE đã phát triển các công cụ mới cùng trí tuệ nhân tạo để thiết kế biểu cảm khuôn mặt. Công nghệ này còn có thể khiến cho chuyển động cơ thể, quần áo và tóc của các thần tượng trở nên tự nhiên.

Thần tượng K-Pop ảo trong vũ trụ Metaverse lên ngôi tại Hàn Quốc

Cả 4 thành viên của MAVE: đều được tạo ra từ máy tính (Ảnh: Reuters)

Sự ra mắt của MAVE: diễn ra vào thời điểm mà các cuộc đặt cược thử nghiệm vào Metaverse đã tiêu tốn công ty mẹ Meta của Facebook hàng tỷ USD và kế hoạch trở thành thành phố đầu tiên tham gia Metaverse của chính quyền Seoul chưa có nhiều tiến triển.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đằng sau MAVE: đang có niềm tin vững chắc về thành công của dự án, nhất là trong bối cảnh thị trường thực tế ảo và tăng cường trên thế giới dự đoán có mức tăng trưởng theo cấp số nhân – tăng 364 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2027.

Bà Lee Jong-im, nhà phê bình văn hóa đại chúng, cho rằng: “Người hâm mộ K-Pop đã rất quen với việc thưởng thức văn hóa K-pop trực tuyến trong thời kỳ đại dịch và họ có xu hướng ở lại lâu hơn trên các nền tảng trực tuyến. Vì vậy, họ khá quan tâm đến thần tượng ảo, về loại bài hát và màn trình diễn sẽ được trình bày như thế nào bởi các thần tượng ảo”.

Bất chấp sự chào đón nồng nhiệt từ nhiều người hâm mộ am hiểu công nghệ, một số người vẫn cho rằng, thần tượng ảo chưa thể thay thế thần tượng người thật.

Những người sáng tạo ra nhóm nhạc MAVE: đang hy vọng thu hẹp khoảng cách này bằng cách đẩy mạnh sự hiện diện của họ trong thế giới ảo. Thay vì tổ chức các buổi hòa nhạc, họ đã quảng bá bản thân thông qua một bộ truyện tranh trên mạng và sắp tới sẽ xuất hiện trong một trò chơi điện tử.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img