Nguồn lực văn hóa Hà Nội được kiểm kê nhằm xây dựng thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Ngổn ngang vấn đề
PGS-TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, cho biết hơn 10 năm trước, nhiều người giật mình khi đọc kết quả khảo sát mức hưởng thụ văn hóa của công dân Hà Nội do Viện Xã hội học thực hiện. Đó là có một phần không nhỏ công dân sống ở Hà Nội hàng chục năm không hề mua bất kỳ một cuốn sách văn hóa, nghệ thuật hay khoa học nào (đồng nghĩa với không đọc). Cũng ngần ấy người không bước chân đến bất kỳ rạp chiếu phim hay nhà hát nào… Thông tin này được ông Long đưa ra tại hội thảo Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại tại Hà Nội ngày 21.3.
Trên cương vị của mình, ông Long cũng phát hiện sự bất hợp lý với các làng nghề. Đó là Sở Công thương được giao nghiên cứu và phân loại, xếp hạng làng nghề, nghệ nhân. Nhưng những tiêu chí chung của họ khi áp dụng vào những ngành nghề cụ thể sẽ không thể vận dụng, chẳng hạn làng nghề phải có tối thiểu 30% dân làng sống bằng nghề truyền thống, hoạt động kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm đến lúc công nhận và tuân thủ pháp luật, quy định của nhà nước. Nghệ nhân cũng từ những tiêu chí này mà ra. Ở đây vắng những tiêu chí về văn hóa. “Như vậy, có thể thấy tiêu chí gần như chỉ xét từ góc độ kinh tế vì những người làm tò he, quạt truyền thống, nặn tượng, đúc chuông, sản xuất đồ mỹ nghệ… khó có thể lọt vào bảng quy định này”, PGS-TS Long đánh giá.
Trong khi đó, PGS-TS Lê Quý Đức, Viện Văn hóa và phát triển, cho rằng Thăng Long xưa là thành phố “đứng đầu vương quốc về nghệ thuật” bởi sự đa dạng của các ngành nghệ thuật truyền thống vừa dân gian vừa bác học. Nhiều tài liệu nghiên cứu chỉ rõ nền nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội đã phát triển khá phong phú từ triều đại nhà Lý thế kỷ 11. Các nghệ thuật diễn xướng như hát chèo, hát ca trù, trống quân, sa mạc, chèo tàu… đến nhã nhạc cung đình đã ra đời từ thời Lý, Trần, Hồ, Lê khá phổ biến trong dân gian và cả tầng lớp quý tộc. Thăng Long – Hà Nội cũng có tới 50 điệu múa cổ…
TS Lê Thị Thu Hương, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, lại lo lắng về nhân sự giảng dạy văn hóa Hà Nội, Hà Nội học tại cấp phổ thông. Theo bà Hương, việc dạy và học kiến thức liên quan đến Hà Nội được quan tâm khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội chính thức đưa vào giảng dạy từ năm 2012. Một số kiến thức về Hà Nội được đưa vào chương trình giáo dục địa phương ở các cấp học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù vậy, theo bà Hương: “Khi triển khai dạy môn giáo dục địa phương, Hà Nội còn có những khó khăn, lúng túng do thiếu tài liệu học tập và đội ngũ giáo viên chưa được bồi dưỡng kiến thức về Hà Nội”.
Khơi nguồn văn hóa, văn hiến Hà Nội
Dù còn nhiều vấn đề, Hà Nội cũng có những nguồn tài nguyên được phát huy rất đáng kể. TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, lấy việc xây nhà Thái Học tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám làm minh chứng về việc đó. Công trình này hiện là bộ phận hài hòa và không thể thiếu của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ít ai biết nó được xây mới và khánh thành vào năm 2000. Trước đó, đây là một khu đất bỏ hoang. “Về kinh tế, trước khi có khu nhà Thái Học và sân đại bái, tổng thu của Văn Miếu – Quốc Tử Giám khoảng vài trăm triệu đồng/năm. Có năm còn không thu đủ theo kế hoạch. Hiện nay, đã nhiều năm Văn Miếu – Quốc Tử Giám thu 30 – 40 tỉ đồng nộp ngân sách”, ông Chức cho biết.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, đề xuất việc nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long. Theo ông, khai quật khảo cổ học ở Hoàng thành Thăng Long nhiều năm qua thu được hàng triệu di vật khảo cổ đa dạng, đẹp, có giá trị cao trong việc phản ánh lịch sử – văn hóa Thăng Long và VN qua hàng nghìn năm lịch sử mà không ở đâu có. “Bảo tàng chỉ cần thiết kế, sắp xếp, diễn giải khoa học, dễ hiểu, hiện đại là thu hút du khách”, PGS-TS Tín nói. Ông cũng đề xuất nghiên cứu việc phục dựng lễ hội đèn thường niên Ánh sáng Thăng Long nghìn năm tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là lễ hội từ thời Lý, với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, quốc gia trường tồn.
TS Bùi Thị Kim Chi, Viện Văn hóa và phát triển, đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách về công nghiệp văn hóa để bảo đảm sự đồng bộ, tránh chồng chéo trong thực hiện phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa. Cơ quan này sẽ chủ trì hình thành những đề án chuyên sâu ở từng lĩnh vực. “Với một đầu mối quản lý thì sẽ thuận tiện theo dõi, đôn đốc, giám sát quá trình phát triển công nghiệp văn hóa của thủ đô toàn diện hơn”, TS Chi nêu ý kiến. TS Chi cũng đề nghị TP có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động sáng tạo, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu mạnh, phát triển mạng lưới doanh nghiệp. Trong đó, rất cần hình thành một số tập đoàn lớn trong các lĩnh vực thế mạnh của công nghiệp văn hóa Hà Nội.
Cục Thuế TP Hà Nội cũng kiến nghị bổ sung một số giải pháp nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển và tạo thuận lợi khi hoạt động cho nhóm lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Thứ nhất, đề xuất Chính phủ bổ sung các nhóm lĩnh vực công nghiệp văn hóa vào danh mục nhóm lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ để được hưởng các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất nhằm thu hút đầu tư vào nhóm lĩnh vực, ngành này. Thứ hai, kiến nghị mở rộng đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với các nhóm mặt hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa nhằm khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư.
Nguồn: thanhnien.vn