Friday, March 29, 2024

Hiểm họa bóng cười – Kỳ 5: ‘Mồi nhử’ sa vào nghiện ngập, tổn thương vỏ não không hồi phục

Nhiều người trẻ nghĩ sử dụng bóng cười vô hại nên cứ lao vào mua ‘cuộc vui’ mất trí nhớ tạm thời. Thực tế không phải như vậy, bất kể liều lượng sử dụng bóng cười ít hay nhiều.

 

Bác sĩ Nguyễn Thành Nhân, phụ trách khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Q.11 (TP.HCM) cho biết, vào tháng 2.2023, tại Phòng khám khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Q.11 tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 25 tuổi, đến khám vì tình trạng đi đứng loạng choạng sau chơi bóng cười. 

Tình trạng này đã diễn ra trong 2 ngày liên tục trước khi bệnh nhân đến Bệnh viện Q.11 khám. Bệnh nhân than yếu 2 chân, đi đứng không vững và giảm cảm giác ở cả tứ chi.

Hiểm họa bóng cười - Kỳ 5:

Nhiều người trẻ đang lạm dụng khí cười

 

Khí cười là một chất ức chế thần kinh

Theo bác sĩ Thành Nhân, sau khi thăm khám và đo điện cơ cho bệnh nhân, ghi nhận tình trạng tổn thương đa dây thần kinh, đối xứng 2 bên, diễn tiến cấp tính. Hỏi kỹ thêm về tiền sử, nữ bệnh nhân khai báo là 2 tháng trước đó có sử dụng bóng cười.

“Chúng tôi đã đưa ra chẩn đoán ban đầu là bệnh nhân bị thiếu vitamin B12 gây ra tình trạng tổn thương dây thần kinh và cho chỉ định xét nghiệm máu. Kết quả nồng độ vitamin B12 của người bệnh ở mức 144 nmol/L (chỉ số bình thường là 400 – 900 nmol/L)”, bác sĩ Thành Nhân nói.

Bác sĩ Thành Nhân nhận định, đây là một trường hợp bệnh đa dây thần kinh do thiếu vitamin B12, với yếu tố nguy cơ là lạm dụng bóng cười. Đối với điều trị trường hợp này là bổ sung cho bệnh nhân vitamin B12 (tiêm bắp) và tránh tiếp xúc với khí cười. Sau điều trị, bệnh phục hồi khá tốt.

Hiểm họa bóng cười - Kỳ 5:

Bóng cười đang tàn phá sức khỏe của người trẻ

Đe dọa sức khỏe con người trên nhiều phương diện

Theo bác sĩ Thành Nhân, bóng cười có chứa khí dinitơ monoxide (N2O), là một chất ức chế thần kinh. Người hít khí này sẽ có cảm giác lâng lâng, thoải mái, cười khúc khích (cho nên được gọi là “khí cười”). Tiếp xúc khí này lâu dài gây ức chế, giảm hấp thu vitamin B12, là một vi chất quan trọng trong quá trình tạo máu và cấu thành nên hệ thần kinh hoạt động bình thường.

Người thiếu vitamin B12 sẽ có những triệu chứng đa dạng, bao gồm: tê hoặc cảm giác châm chích bàn tay, bàn chân. Đi đứng khó khăn. Thay đổi khí sắc. Ảnh hưởng trí nhớ, sự tập trung. Giảm các dòng tế bào máu, đôi khi gây nhiễm trùng, xuất huyết nặng nề.

“Thông qua trường hợp trên, chúng ta có thể thấy được các tác hại nghiêm trọng, khi tiếp xúc lâu dài với bóng cười, bất kể liều lượng ít hay nhiều. Do đó, dù không nằm trong danh mục quản lý đặc biệt, mọi người, đặc biệt là giới trẻ, cần ý thức được các tác dụng phụ nguy hiểm của bóng cười để phòng ngừa, không bị lôi kéo sử dụng”, bác sĩ Thành Nhân khuyến cáo.

Hiểm họa bóng cười - Kỳ 5:

Nghiện khí cười là tiền đề dẫn đến các chất gây nghiện khác

Khí cười là khởi đầu của việc nghiện các chất gây nghiện khác

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, chuyên gia về chất gây nghiện (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) cho biết, nếu lạm dụng bóng cười, 1 ngày hút đến cả chục triệu đồng với chất khí tính bằng bình thì sẽ sa vào nghiện ngập, mất năng suất làm việc, mất việc làm, phạm pháp để có tiền sử dụng bóng cười.

Nếu nghiện bóng cười, ngoài bị tổn hại thần kinh ngoại biên, thì còn bị tác động thần kinh trung ương nên ít nhiều gây tổn thương vỏ não – là loại tổn thương không hồi phục.

Cũng theo bác sĩ Thanh Hiển, khí cười hít vào tưởng vô hại, nhưng là khởi đầu của mọi tình trạng nghiện các chất gây nghiện khác do nhu cầu “nâng cấp” độ phê, cũng như sự khích tướng từ bạn bè cùng chơi.

Bác sĩ Thanh Hiển cho rằng, bóng cười được xếp vào danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện, cần kiểm soát việc mua bán chứ không để mua bán tràn lan, sử dụng không đúng mục đích như hiện nay. (còn tiếp)

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img