Nhìn con sá sùng với hình thù kỳ dị trong tô cháo, nhiều thực khách cho biết họ sợ khi lần đầu ăn cháo ở quán của bà Lan. Nhưng đã ăn một lần rồi thì trở thành “khách ruột” luôn của quán.
Cháo chờ…
Tìm đến quán cháo sá sùng nằm trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) của bà Sẩm Thế Lan (52 tuổi) vào một buổi sáng giữa tuần, chúng tôi khá bất ngờ khi khách đến quán này đông kín bàn. Các thành viên trong quán thì nhanh tay lẹ chân mang ra, khách thì ngồi đợi thưởng thức.
Lân la hỏi chuyện một vị khách ngồi cùng bàn, PV mới biết tiệm này ngày nào cũng vậy, hiếm khi thưa khách. Nghe lời khuyên của chủ quán, tôi gọi một tô cháo thập cẩm để thưởng thức hết những thành phần trong món cháo sá sùng nhiều người “mê” này.
Gần 10 phút sau, tô cháo nóng hôi hổi được bưng ra trước mặt chúng tôi. Tôi không quá ngạc nhiên vì phải chờ đợi ngần đó thời gian để thưởng thức món ăn này, vì đã được một thực khách cùng ăn “cảnh báo” trước: “Ở đây, gọi tới đâu chủ quán mới bắt đầu nấu tới đó chứ không có nấu sẵn rồi múc ra, nên không ai là không phải chờ. Nấu xong, người ta bỏ vào tô rồi mang ra liền. Dù chờ một tí nhưng mà ăn nó nóng, nó ngon vì tất cả đều vừa nấu chín”.
Nhìn xung quanh, tôi có cảm giác ai cũng đã quen với cảnh chờ đợi như vậy. Ông Mạnh Hùng (64 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) nhà ngay gần quán cháo kể mình là khách quen tại chỗ này cũng ngót nghét 12 năm. Mỗi tuần ông đến đây ăn sáng chừng 4, 5 ngày, mỗi lần đi đều rủ vợ theo.
“Khách hay gọi chỗ này là cháo chờ, cũng quen với cảnh chờ đợi rồi. Nhưng mà chờ cũng không quá lâu, chừng 5 – 10 phút là có nên không thành vấn đề. Thời gian đó, ngồi chuẩn bị bát đũa, bỏ gừng vào chén pha với tí nước chấm để lát ăn kèm rồi nói chuyện với nhau vài câu xong là cháo được mang ra”, ông Hùng nói thêm.
Bà Lan tâm sự rằng không có người chủ quán nào muốn khách của mình chờ đợi, dù chỉ là 1 phút. Tuy nhiên, món cháo của bà phải được nấu trên bếp rồi mang liền ra cho khách thì mới đảm bảo được độ tươi ngon của các nguyên liệu trong đó.
“Tôi cũng thương khách vì chờ đợi, nên lúc nào cũng ba đầu sáu tay làm nhanh hết mức rồi mang ra. Tôi nghĩ khách đã đến ăn thì phải được thưởng thức món ăn một cách ngon nhất. Việc khách gọi tới đâu tôi nấu tới đó cũng là bí quyết để giữ chân khách ghé lại nhiều lần của quán này”, bà chủ người Hoa bộc bạch với chúng tôi trong lúc chờ 3 phần cháo vừa được bắt lên bếp sôi lên.
“Nhìn thấy ớn, mà ăn ngon thiệt!”
Có khách gọi món, bà múc một lượng cháo vừa đủ từ một nồi cháo lớn đã được nấu sẵn cho vào nồi nhỏ, xong để lên bếp vặn lửa to. Đợi cháo sôi, bà cho các nguyên liệu vào nồi rồi nêm nếm cho vừa ăn. Đối với một phần cháo thập cẩm, bà nấu với tận 6 nguyên liệu gồm sá sùng, cật heo, gan, thịt, phèo, cá lóc. Cháo chín, bà bỏ cháo vào tô đã để sẵn một phần cải cúc còn tươi, cho thêm ít tiêu và hành lá cho thơm. Vậy là tô cháo nóng hôi hổi được nhân viên lập tức mang ra cho khách.
Hỏi ra mới biết món cháo được khách yêu thích nhất tại đây là cháo sá sùng (hay còn gọi là trùng biển, sâu đất). Theo chủ quán, con vật này còn lạ lẫm với nhiều người TP.HCM nên ban đầu bán nhiều người cảm thấy sợ.
“Lúc đầu, tôi không bán cháo này mà là bán cháo lòng thập cẩm, nấu theo công thức người Hoa. Nhưng việc buôn bán cũng đều đều chứ không quá đông khách. Tình cờ, tôi biết được món cháo sá sùng này nên mới nấu bán thử, khách bảo nhìn thấy ớn nên không dám ăn”, bà Lan nhớ lại.
Thấy vậy, bà thuyết phục khách ăn thử bằng cách cho vài con sá sùng vào tô cháo để khách dùng, nếu khách thấy không hợp thì có thể bỏ ra. Vậy mà nhiều người ăn xong lại thấy hợp khẩu vị, thấy lạ lạ rồi mê luôn món này từ đó. Tiếng lành đồn xa, nhiều người biết đến món ăn này tại quán của bà rồi tìm tới dùng thử, ăn mấy chục năm không bỏ.
Theo vị chủ quán này, sá sùng là món ăn bổ dưỡng có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên không phải mùa nào cũng có. “Có những khi khan hiếm, giá của nó lên tới 400.000 ngàn đồng một ký không chừng. Làm con này, sơ chế cho nó sạch cực lắm chứ không dễ dàng gì nhưng phải làm sạch thì nó mới không bị tanh, khách ăn mới thấy ngon”, bà nói thêm. Cũng theo lời kể của bà Lan, không phải chỗ nào bán sá sùng cũng chất lượng. Nơi bà nhập sáng sùng về để bán phải là loại ngon, do chính tay bà chế biến.
Anh Kim Bằng (45 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đã ăn tại đây gần 2 năm. Trong một lần được bạn bè giới thiệu, anh đến đây ăn một lần rồi thường xuyên ghé lại, lần nào tới cũng gọi một tô thập cẩm. Vị khách cho biết nhiều người nhận xét hình hài của con sá sùng kinh dị, nhưng anh thấy bình thường, ăn giòn giòn sựt sựt đã miệng. Thêm nữa là món này có cá lóc, có cải cúc cùng nhiều nguyên liệu kết hợp nên ăn bổ dưỡng, chủ quán làm cũng sạch sẽ nên anh rất thích.
14 tuổi đã phụ mẹ bán cháo
Quán cháo này được mở năm 1996, tính đến nay cũng đã được 27 năm. Sau khi lấy chồng, trải qua nhiều nghề khác nhau để kiểm sống, cuối cùng hai vợ chồng bà quyết định mở quán ăn này để mưu sinh.
Thời điểm đầu, bà bán cháo lòng nấu theo cách của người Hoa nhưng việc buôn bán không được thuận lợi như bây giờ. Bà chủ người Hoa tâm sự hai vợ chồng mình từ con số 0 gầy dựng quán, cũng may trời thương nên buôn bán được như bây giờ. 12 năm trở lại đây, nhờ có món cháo sá sùng mà quán được nhiều người biết hơn, khách cũng đông hơn.
Hiện tại, cả gia đình bà Lan đều “một lòng một dạ” duy trì và phát triển quán. Bà là người nấu chính, chồng bà phụ trách việc chuẩn bị các nguyên liệu, con gái thì đón khách, con trai thì phụ bà nấu cháo. Quán cũng có nhiều người phụ bán khác, đều là người thân, dòng họ ruột thịt trong gia đình.
“Quán bán từ 7 giờ tới 11 giờ sáng, những ngày bán đắt 10 hơn đã hết rồi. Những ngày cuối tuần, khách lại càng đông hơn nên có thể hết sớm hơn”, anh Mộc Quốc Hùng (30 tuổi, con trai bà Lan) cho hay.
Chị Mộc Quốc Liên (28 tuổi, con gái bà Lan) kể với chúng tôi mình bắt đầu phụ mẹ bán cháo từ năm 14 tuổi. Vì yêu thích công việc buôn bán, kinh doanh nên quyết định cùng cả nhà buôn bán tới bây giờ, ngót nghét nay đã 14 năm.
Bà Lan cho biết cả cuộc đời còn lại của mình sẽ gắn bó với quán cháo này, bà vẫn bán đến khi nào không còn sức để bán được nữa thì thôi. Khi được hỏi ai là người sẽ kế thừa tiệm ăn của bà, bà chủ cười đầy tự hào: “Thì con gái tôi chứ ai, con bé giỏi lắm. Con trai tôi cũng bán với tôi gần 6 năm nay. Tôi tin quán ăn của mình sẽ còn phát triển thêm để phục vụ tốt cho khách đã luôn thương yêu và ủng hộ”.
Nguồn: thanhnien.vn