Theo nghiên cứu của Cơ quan Giám sát truyền thông Anh, các kênh mạng xã hội như YouTube, Instagram hay TikTok đã dần trở thành nguồn cung cấp tin tức chính cho giới trẻ.
Tại vùng ngoại ô của thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), 4 phụ nữ trẻ đang miệt mài sáng tạo ra những video tổng hợp tin tức để đăng tải lên kênh TikTok của họ, thu hút hàng triệu lượt xem mỗi ngày. Các cô gái này chỉ là một phần của “đội quân” những người trẻ tuổi phát triển nội dung số về các sự kiện diễn ra hằng ngày, vốn đang hấp dẫn người xem trên các nền tảng truyền thông xã hội hơn nhiều so với các video do phương tiện truyền thống đăng tải.
Ý tưởng sáng tạo nội dung số bắt nguồn từ khi hai người trong nhóm còn học tập ở London (Anh) vào khoảng giữa năm 2016 và 2020, khi Anh chuẩn bị cho Brexit. Gabriela Campbell, sinh viên công nghệ sinh học, cho biết cả hai đã đọc rất nhiều bài báo mà vẫn không thể có được những hiểu biết bao quát về vấn đề này. Họ cũng tin rằng có rất nhiều người gặp phải vấn đề tương tự. Từ đây, họ đã cùng hợp tác với 2 người bạn khác và thiết lập một tài khoản TikTok mang tên “ac2ality” vào tháng 6/2020, đúng thời điểm ứng dụng chia sẻ video ngắn của Trung Quốc đang ngày càng thịnh hành trong giới trẻ.
Sau gần 3 năm, tài khoản của cả nhóm có 4,3 triệu lượt người theo dõi, nhiều hơn đa số các kênh truyền thông lớn khác. Theo viện nghiên cứu báo chí Reuters thuộc Đại học Oxford, đây cũng là tài khoản tin tức bằng tiếng Tây Ban Nha hàng đầu trên TikTok. Dù vậy, nhóm không tự nhận là các nhà báo mà chỉ đơn giản là những người làm công việc chuyển thể tin tức thành các đoạn video ngắn với thời lượng 1 phút với sự trợ giúp của chiếc điện thoại thông minh và đèn chiếu tròn đảm bảo hình ảnh sáng rõ hơn.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Giám sát truyền thông Anh (Ofcom), các kênh mạng xã hội như YouTube, Instagram hay TikTok đã dần trở thành nguồn cung cấp tin tức chính cho giới trẻ. Nhà nghiên cứu Nic Newman từ Viện Reuters cho rằng một số sáng kiến cung cấp nội dung tin tức được giới trẻ thiết kế riêng cho chính nhóm này, chẳng hạn như hãng Brut của Pháp, đã trở nên ngày càng có sức ảnh hưởng. Nhờ các thuật toán, các tài khoản cung cấp tin tức thuộc sở hữu cá nhân (mà không nhất thiết phải là các công ty) có thể tiếp cận tới số lượng lớn người dùng trên mạng xã hội.
Tại Pháp, “HugoDecrypte” là một trong những tài khoản tin tức có nhiều lượt theo dõi nhất trên mạng xã hội. Thậm chí, tài khoản này còn có cơ hội phỏng vấn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tỷ phú người Mỹ Bill Gates. Giải thích cho thành công này, người sáng lập kênh “HugoDecrypte” cho rằng anh biết cách “nói chuyện” với thế hệ không quan tâm tới tin tức ở những kênh thông tin truyền thống.
Susana Perez Soler, một nhà báo và chuyên gia truyền thông kỹ thuật số tại Đại học Ramon Llull, Barcelona (Tây Ban Nha) cho biết những tài khoản như vậy có được sự phổ biến nhờ giọng điệu nhẹ nhàng, định dạng sáng tạo và thời lượng ngắn. Ví dụ như “ac2ality” thực chất đang cung cấp một bản “tóm tắt” tin tức chứ không phải là viết một văn bản báo chí, công việc của họ không đòi hỏi phải điều tra, tìm nguồn và kiểm tra độ tin cậy của thông tin.
Việc có hàng triệu người đăng ký theo dõi các tài khoản tin tức mạng xã hội đã khiến cho các phương tiện truyền thông lớn khác phải ganh tị. Một công ty truyền thông lớn của Tây Ban Nha đã đề xuất mua lại kênh “ac2ality”, nhưng 4 người sáng lập đã từ chối họ vì muốn duy trì sự độc lập. Một số nhà báo làm việc cho các hãng tin truyền thống cũng là chủ nhân của các tài khoản tin tức trên mạng xã hội. Nhà báo Sophia Smith Galer của Vice News (Anh) sở hữu một tài khoản trên TikTok chuyên chia sẻ các thông tin về sức khỏe tình dục và đã đạt được hơn 130 triệu lượt xem.
Dù vậy, nhà nghiên cứu Newman vẫn cho rằng trong một số trường hợp, những người trong độ tuổi từ 15-30 tuổi vẫn sử dụng các phương tiện truyền thông truyền thống, vì với họ, những tin tức mang tính thời sự cần phải có độ chính xác cao và phải được đưa ra bởi những người “thực sự biết họ đang nói về điều gì”.
Nguồn: vtv.vn