Từ những điểm nghẽn kinh tế, liên kết sản xuất và tiêu thụ, tài nguyên nước, đã dẫn đến các hạn chế khiến tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ có tốc độ chững lại, chưa tương xứng tiềm năng.
>> Tái cấu trúc bền vững vùng kinh tế Đông Nam Bộ (Kỳ 1): Các điểm nghẽn
Hạn chế kinh tế Vùng
Tăng trưởng GRDP Vùng chậm dần và có xu hướng giảm. Tốc độ tăng trưởng Vùng có xu hướng giảm và chững lại, trong thập niên đầu tiên tốc độ tăng trưởng trung bình Vùng trên 10% và trong thập niên kế tiếp có xu hướng giảm rõ duy trì trung bình 7-8%/năm và đặc biệt giảm sâu trong năm 2020-2021 do ảnh hưởng dại dịch Covid-19.
Một điều đáng đặc biệt quan tâm đối với Tp.HCM đóng vai trò dẫn dắt Vùng với các điểm sáng như tỉ trọng thu ngân sách cao nhất trong Vùng, tỉ lệ huy động vốn tín dụng tư nhân cao nhất trong Vùng (chiếm tỉ trọng 80% Vùng), có xu thế đổi mới công nghệ nhất trong Vùng (qua chỉ tiêu GRDP tạo ra trên một đơn vị điện năng là 20 cao gấp đôi mức trung bình Vùng, tỉ lệ lao động đào tạo cao nhất trong Vùng (xấp xỉ 40%), chi tiêu ngân sách cho giáo dục cao nhất trong Vùng nhưng hiện đang đối diện với vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông khi được xếp hạng PCI về cơ sở hạ tầng tổng quát lại đi sau hai địa phương Bình Dương và Đồng Nai.
Nghiêng về bằng chứng quá tải cơ sở hạ tầng đối với một siêu đô thị, có thể nhận thấy sự không đồng bộ về cơ sở hạ tầng cứng đã hạn chế những thế mạnh tiềm năng vốn có của Tp.HCM nói riêng và Vùng nói chung trong việc phát huy thế mạnh nội vùng và các vùng kinh tế khác, nên dẫn đến không chỉ tốc độ tăng trưởng riêng của Tp.HCM nói riêng mà tốc độ tăng trưởng của Vùng cũng đang có chiều hướng chựng lại và đi xuống trong những năm gần đây.
Chi phí logistics cao do cơ sở hạ tầng cứng về giao thông và logistics chưa kết nối hoàn chỉnh nội vùng và các vùng kinh tế phía Tây. Nền kinh tế Vùng có độ mở cao nhưng Cơ sở hạ tầng giao thông liên kết Vùng chưa kết nối đồng bộ đặc biệt Tp.HCM là nơi có đóng góp thu ngân sách cao nhưng các hệ thống giao thông vành đai kết nối Vùng chưa hoàn chỉnh và chậm tiến độ.
Vùng có mức độ lưu chuyển hàng hóa qua các cảng hàng không và các cảng biển với tần xuất cao có độ mở thương mại đang tăng hơn gấp đôi trong hai thập niên qua và hiện nay độ mở thương mại Vùng khoảng 250% so với GRDP (trung bình Việt Nam khoảng 200% so với GDP), và tập trung nhiều vào các tỉnh thành có lưu lượng hàng hóa từ dịch vụ và công nghiệp như Tp.HCM, Bình Dương, và Đồng Nai. Đặc biệt Tp.HCM là một siêu đô thị hơn 10 triệu dân, mặc dù có nhiều nỗ lực đóng góp về ngân sách nhưng cơ sở hạ tầng giao thông được xếp hạng sau Bình Dương và Đồng Nai hiện đang đối diện với các tắc nghẽn và chi phí logistics cao, cạnh tranh dịch vụ và công nghiệp có chiều hướng đi xuống khi mà hệ thống vành đai 1 còn 10% phải hoàn thiện và quá tải, hệ thống vành đai 2 chưa khép kín do còn 6 km chưa triển khai, hệ thống vành đai 3 dài 90 km chưa triển khai, và hệ thống vành đai 4 dài 196 km đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai hoàn toàn.
>> Liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cơ chế đặc thù để xây “cơ đồ” mới
Như vậy với tốc độ lưu chuyển hàng hóa dịch vụ phục vụ cho nội vùng và xuất nhập khẩu trong bối cảnh Vùng còn yếu kết nối giao thông Vùng, kết nối hệ thống logistics Vùng nên cũng là một nguyên nhân tạo ra chi phí logistics của Việt Nam nói chung và Vùng nói riêng kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực (chi phí logistics Việt Nam chiếm 16,8% tổng giá trị hàng hóa còn mức trung bình thế giới là 10% trong năm 2021).
Hạn chế liên kết Vùng về chuỗi cung ứng
Tỷ lệ quy mô nông sản được sản xuất bảo đảm các quy chuẩn sản xuất an toàn sinh học và VietGAP vẫn còn ít so với tổng quy mô chung của Vùng. Các quy chuẩn và quy định an toàn chưa được xác định một cách chính xác do vậy tính bền vững trong chuỗi cung ứng Vùng theo tiếp cận ATTP còn yếu. Hiện nay, TP.HCM đang thực hiện thí điểm mô hình quản lý ATTP hợp nhất với đầu mối là Ban Quản lý ATTP Thành phố. Trong khi đó, các tỉnh khác trong Vùng vẫn tổ chức quản lý ATTP theo mô hình phân tán giữa các cơ quan quản lý cấp tỉnh thuộc ba ngành nông nghiệp, y tế và công thương, trong đó ngành y tế là đầu mối.
Việc sản xuất và chế biến cũng như tiêu dùng trực tiếp nông sản thực phẩm theo hướng ATTP trong Vùng và phục vụ xuất khẩu còn hạn chế do tỷ trọng quy mô nông sản sản xuất theo các quy chuẩn an toàn sinh học và VietGAP thấp. Vì tính chất bắt buộc về pháp lý, các địa phương chủ yếu áp dụng quy chuẩn sản xuất an toàn sinh học trong nông nghiệp và có những hỗ trợ tài chính theo dự án, nhất là hỗ trợ cho Hợp tác xã (HTX) tùy theo vào nguồn lực địa phương. Trong khi đó, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không có tính chất bắt buộc và chỉ tùy thuộc vào yêu cầu của kênh thị trường tiêu thụ. Mặc dù hầu hết các tỉnh khuyến khích nông dân tham gia HTX để quản lý việc sản xuất thực phẩm an toàn và hỗ trợ áp dụng VietGAP, nhưng trên thực tế phần lớn người sản xuất chưa quan tâm hoặc kém năng lực thực hiện sản xuất theo quy chuẩn an toàn sinh học hoặc tiêu chuẩn VietGAP.
Việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và cá nhân, cung cấp các giải pháp ứng dụng cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã vạch, mã QR cho sản phẩm đạt chuẩn theo yêu cầu của nhà sản xuất đang được các tỉnh thuộc Vùng thực hiện nhưng chưa rộng khắp do vậy chuỗi cung ứng Vùng về LTTP vẫn chưa thực sự bền vững theo tiếp cận ATTP. Do đó, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt vẫn còn chưa thể thực hiện được ở kênh phân phối truyền thống vì thực chất chỉ truy xuất từ thương lái thu gom cho đến giết mổ và phân phối về các chợ đầu mối. Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc sản phẩm càng khó khăn hơn khi sản phẩm chăn nuôi trước giết mổ đến từ rất nhiều tỉnh, thành khác nhau. Tình hình truy xuất nguồn gốc cũng tương tự như vậy đối với sản phẩm thịt gia súc gia cầm khác và rau quả do hộ nông dân sản xuất.
Hạn chế quản trị tài nguyên Vùng
Vùng và đặc biệt các tỉnh/Thành hạ nguồn lưu vực sông sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Nhu cầu sử dụng nước của TP. Hồ Chí Minh trong nhiều lĩnh vực là lớn nhất trong vùng do dân số của siêu đô thị này gấp 5 lần so với các tỉnh còn lại trong Vùng, trong khi đó chất lượng nguồn nước mặt, nước ngầm ở lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai đang suy giảm. Ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai, xâm nhập mặn là vấn đề đáng quan tâm. Số liệu quan trắc giai đoạn 2007–2014 cho thấy tình hình xâm nhập mặn ở tỉnh Đồng Nai đang có biểu hiện tiêu cực. Độ mặn ở sông Đồng Nai tăng lên rõ rệt, đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Hiện tượng xâm mặn ngày càng sâu cho thấy khả năng TP. Hồ Chí Minh sẽ phải đối mặt với vấn đề nguồn cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt trong tương lai gần.
Vùng, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh sẽ phải đối mặt với ô nhiễm do nước thải sinh hoạt ngày càng trầm trọng. Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai hiện có 4 thành phố, 19 quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, 8 thị xã và 85 thị trấn. Phân bố các khu đô thị không đồng đều trên toàn bộ lưu vực, tập trung nhiều nhất trên lưu vực sông Sài Gòn với 27 khu đô thị và 5,75 triệu dân đô thị. Cùng với mức độ đô thị hóa và gia tăng dân số của riêng Tp. Hồ Chí Minh và toàn vùng, lượng chất thải rắn cần xử lý và nước thải sinh hoạt sẽ tiếp tục gia tăng ở tốc độ cao trong thời gian tới.Nước thải sinh hoạt chứa nhiều chất gây ô nhiễm đối với nước sông Sài Gòn. Đến năm 2020, lưu lượng và tải lượng ô nhiễm đổ vào sông Sài Gòn từ khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương ước tính tăng lên khoảng 2 lần. Đây là một trong những nguồn thải cơ bản nhất gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở lưu vực, đặc biệt là ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm do các chất dinh dưỡng, do dầu mỡ, ô nhiễm chất hoạt động bề mặt và vi trùng gây bệnh.
Ô nhiễm do nước thải công nghiệp và nông nghiệp độc hại khó xử lý gây hại đến khả năng hồi phục tự nhiên về lâu dài. Rất nhiều nhóm ngành sản xuất công nghiệp có mức độ ô nhiễm cao như điện tử, cao su, nhựa, cơ khí, hóa chất, sản xuất thuốc trừ sâu, giấy và bột giấy, dệt nhuộm, giầy da, luyện kim, xi mạ, sơn, chế biến nông – lâm sản, hoặc thực phẩm tập trung ở vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Nước thải công nghiệp của các ngành này chứa nhiều chất ô nhiễm, độc hại và là nguồn thải có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với nước sông Sài Gòn. Mức độ ô nhiễm gây ra do nước thải công nghiệp rất lớn do nước thải công nghiệp chứa nhiều chất độc hại và khó phân huỷ, có những chất có thể tiêu diệt vi sinh vật và sinh vật có lợi trong nước, gây ô nhiễm và suy thoái nhanh nguồn nước.
Tác động chính của hoạt động nông nghiệp đối với chất lượng nước sông là khi nước chảy tràn đồng ruộng cuốn theo dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rồi xâm nhập vào nước sông. Thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao, có khả năng tồn lưu lâu dài trong nước và đất, ảnh hưởng xấu đến thủy sinh, sức khoẻ con người và vệ sinh thực phẩm.
Các hệ quả này đã được Bộ tài nguyên và Môi trường khẳng định Vùng Đông Nam Bộ là (Tài liệu hội nghị đầu tư Đông Nam Bộ, 2022): tổng lượng phát thải ra môi trường đất nước, không khí đã dần chạm ngưỡng an toàn của hệ thống môi trường tác động đến môi trường sống, sức khỏe của người dân. Lượng chất thải rắn, phát thải CO2, nước thải tiếp tục gia tăng nếu tiếp tục phát triển theo mô hình sản xuất – tiêu dùng – thải bỏ; hệ thống hạ tầng môi trường chậm được đầu tư. Kết quả điều tra và tính toán cân bằng nước dự báo đến năm 2030 Đông Nam Bộ thiếu hơn 2,5 tỷ m3, đến năm 2050 nhu cầu về nước của Vùng cho sinh hoạt, đô thị, công nghiệp, du lịch có xu hướng tăng nhanh nhất trên cả nước (khoảng 112%). Các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm gia tăng xâm nhập mặn, các hình thái thời tiết cực đoan, bất định và trái quy luật thông thường, lượng mưa mùa khô giảm, cùng với suy giảm thảm phủ rừng, nguồn sinh thủy, ô nhiễm càng làm gia tăng các nguy cơ về an ninh nguồn nước.
(Kỳ cuối: Quan điểm quản trị và kiến nghị chính sách)
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn