Có những Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) không nhận lương trong khi nhiều CEO có lương thưởng tiền tỉ mỗi tháng trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, tổng lương và thưởng cho Ban giám đốc là 5,26 tỉ đồng, tăng 35% so với năm 2021. Ban giám đốc HPG hiện có 4 người, trung bình mỗi thành viên nhận lương hơn 1,3 tỉ đồng cho cả năm, tương đương 110 triệu đồng/tháng. Con số này thua xa so với các doanh nghiệp trả lương top đầu như Vingroup, Masan…
Việc HĐQT không nhận thù lao như của Hòa Phát không phải là mới trên thị trường chứng khoán. Trước đó, nhiều năm liền, HĐQT của Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng không nhận thù lao. Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2022, chỉ có thành viên HĐQT độc lập công ty được nhận thù lao 20 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng nhiều năm liên tiếp không nhận thù lao.
Tương tự, HĐQT Tập đoàn Masan năm vừa qua gồm những người như Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cũng không nhận thù lao. Riêng CEO của Masan là ông Danny Le nhận lương thưởng và các phúc lợi cả năm vừa qua gần 11,9 tỉ đồng (tương đương gần 1 tỉ đồng/tháng), giảm nhẹ so với mức trên 12,24 tỉ đồng của năm 2021.
Hoặc báo cáo của Công ty CP Vinhomes (VHM) cho thấy bà Nguyễn Thu Hằng – Tổng giám đốc năm 2022 – có lương 11,7 tỉ đồng, tương đương 976 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này đúng bằng của bà Trần Mai Hoa – Tổng giám đốc của Vincom Retail (VRE).
Trong khi đó, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố thù lao của bà Mai Kiều Liên – thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc – trong năm 2022 hơn 2,06 tỉ đồng, tương đương hơn 171,6 triệu đồng/tháng và hầu như đi ngang so với năm 2021. Ngoài ra, mức lương CEO của bà Mai Kiều Liên trong năm qua giữ bằng với 2021 là 366 triệu đồng/tháng. Tổng cộng lương và thù lao của bà Mai Kiều Liên hơn 537 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch HĐQT Vinamilk Lê Thị Băng Tâm nhận thù lao cả năm vừa qua hơn 1,83 tỉ đồng, tương đương 152,5 triệu đồng/tháng; 2 thành viên HĐQT khác nhận thù lao từ 2,4 – 2,64 tỉ đồng/năm, tương đương từ 200 – 220 triệu đồng/người/tháng…
Nguồn: thanhnien.vn