Ngày 29.3, Sở VH-TT Khánh Hòa tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ VH-TT-DL về việc xếp hạng di tích quốc gia “Nhà làm việc của Bác sĩ A. Yersin”; Phát động thi tuyển phương án kiến trúc cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa và giới thiệu “Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B”.
Tại buổi lễ, ông Đặng Quốc Văn, Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa đã công bố Quyết định của Bộ VH-TT-DL về việc bổ sung điểm di tích Nhà làm việc của Bác sĩ A. Yersin tại Hòn Bà, xã Suối Cát, H.Cam Lâm xếp hạng di tích quốc gia.
Cách đây 33 năm, Di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin đã được Bộ Văn hóa – Thông tin, Thể thao và Du lịch (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng là Di tích quốc gia theo Quyết định số 993-QĐ ngày 28.9.1990.
Di tích là một quần thể các địa điểm riêng lẻ, tiêu biểu, nổi bật, gắn bó trực tiếp với cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học A. Yersin, bao gồm 3 địa điểm là thư viện tại Viện Pasteur Nha Trang (đường Trần Phú, P.Xương Huân, TP.Nha Trang), chùa Linh Sơn, mộ A. Yersin (xã Suối Cát, H.Cam Lâm).
Như vậy, với việc bổ sung Nhà làm việc của Bác sĩ A. Yersin là di tích quốc gia, Di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học A. Yersin sẽ có 4 địa địa điểm.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa cũng đã phát động thi tuyển phương án kiến trúc cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa.
Theo ông Hoàng, để có được thiết kế kiến trúc và hệ thống kỹ thuật của bảo tàng hiện đại, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép tổ chức thi tuyển về thiết kế kiến trúc, cảnh quan thông qua hình thức thi tuyển rộng rãi đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có đủ năng lực và kinh nghiệm tham gia phương án kiến trúc, cảnh quan công trình bảo tàng, nhằm lựa chọn được phương án kiến trúc tốt nhất để thiết kế xây dựng Bảo tàng Trường Sa.
Nơi đây sẽ phản ánh thực tiễn lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với biển, đảo Trường Sa, Hoàng Sa, đồng thời tạo dựng một nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày, giới thiệu và tuyên truyền về các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam đối với khu vực biển đảo Trường Sa. Hình thành một điểm đến mới về văn hóa, du lịch, lịch sử và tâm linh cho tỉnh Khánh Hòa… Các đơn vị dự thi bắt đầu thiết kế phương án từ ngày 30.3.2023 đến hết ngày 20.5.2023.
Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B được ông Bo Bo Sung (cha của ông Bo Bo Ren ) tìm thấy tại núi Dốc Gạo, xã Trung Hạp, H.Khánh Sơn, tỉnh Phú Khánh (nay là TT.Tô Hạp, H.Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa).
Trong giai đoạn khánh chiến chống Mỹ, để tránh sự tàn phá, hủy diệt của bom đạn Mỹ, gia đình đã cất dấu các thanh đàn đá trên đỉnh núi Dốc Gao.
Ngày 16.3.1979, ông Bo Bo Ren đã trao tặng Bộ đàn đã Khánh Sơn A (gồm 5 thanh) cho chính quyền tỉnh Phú Khánh. Ngày 26.3.1979, sau khi tìm được Bộ đàn đá Khánh Sơn B trên đỉnh núi Dốc Gạo, ông Bo Bo Ren tiếp tục trao tặng bộ đàn đá này (gồm 7 thanh) cho chính quyền tỉnh Phủ Khánh. Sau đó cả 2 bộ đàn đá đã được tỉnh Phú Khánh bản giao cho Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam để nghiên cứu.
Ngày 12.9.1979, Hội đồng khoa học về đàn đá Khánh Sơn do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Viện trưởng Viện âm nhạc Việt Nam làm chủ tịch đã công bố kết quả sơ bộ nghiên cứu. Theo đó, Bộ đàn đá Khánh Sơn rất có giá trị về mặt âm nhạc học và có niên đại hàng ngàn năm (khoảng 3.000 – 4.000 năm). Âm thanh sắc, gọn, có cao độ rõ rệt, ngân dài, âm thanh trầm bổng, độ mạnh nhẹ, độ dài ngắn và màu sắc đặc biệt của âm, là hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bảo dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa.
Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B sau đó được giới thiệu, biểu diễn ở Hà Nội, TP.HCM và sau đó đưa về tiếp tục nghiên cứu, sáng tác, bảo quản tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TP.HCM.
Ngày 27.3.2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tổ chức bàn giao bộ đàn đá Khánh Sơn A và B để tỉnh Khánh Hòa trực tiếp quản lý, phát huy giá trị.
Nguồn: thanhnien.vn