Bình quân một tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, điều này có nghĩa các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời lợi nhuận của doanh nghiệp khó có thể cao.
Như DĐDN đã đưa tin, thông tin Tổng cục Thống kê vừa đưa ra cho thấy, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2023 chỉ đạt 3,32%, CPI tăng 4,18%. Đánh giá về con số tăng trưởng này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, những vấn đề khó khăn trên thị trường trong nền kinh tế lộ diện rõ ràng trong năm 2023.
Theo đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn, phải đóng cửa, ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu đã lên đến khoảng 60.000 doanh nghiệp. “Như vậy, bình quân một tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, trung bình năm ngoái mỗi tháng chỉ khoảng 11.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 1 tăng 4,18%, chuyên gia lý giải con số này tăng chủ yếu giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao và trong đợt Tết Nguyên đán vừa rồi, giá cả hàng hóa cũng cao hơn so với ngày thường. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới.
“Tăng trưởng quý 1 đạt 3,32%, đây có lẽ không phải là điều đáng lo ngại quá! Bởi lẽ trong quý 1, dịp lễ, tết khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa sôi động, và thị trường bất động sản, chứng khoán, xuất nhập khẩu không khởi sắc lắm nên nền kinh tế có phần bị ảnh hưởng”, Vị Chuyên gia nhận định.
Không chỉ không bi quan về kinh tế quý I, TS Nguyễn Trí Hiếu còn hy vọng, tăng trưởng trong quý 2/2023 có thể đi lên với điều kiện phải tạo ra các động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những thách thức vẫn hiện hữu.
Theo đó, những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong những tháng cuối năm 2023, thứ nhất là sự trì trệ của nền kinh tế. Cụ thể, các hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ vì các thị trường nội địa và quốc tế bị thu hẹp do lạm phát tăng. Khi lạm phát tăng, mức tiêu thụ sẽ có xu hướng giảm theo.
Thứ hai, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang bị giới hạn. Theo đó, các nước trên thế giới đều trong tình trạng phải kiểm soát lạm phát, hầu như các nước Tây phương đều tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, khiến việc vay tiêu dùng trở nên tốn phí hơn. Điều này dẫn tới nhu cầu vay tiêu dùng giảm xuống, từ đó, sức tiêu thụ của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu bị giảm đi.
“Điều này làm thu hẹp thị trường xuất khẩu, làm cho nền kinh tế bị trì trệ. Sức tiêu dùng nội địa cũng đã giảm đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực như du lịch, chúng ta chưa lấy lại được sự phát triển như trước khi đại dịch diễn ra”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam đưa ra nhận định, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục khó khăn và lợi nhuận của doanh nghiệp khó có thể cao được.
Theo đó, tăng trưởng trong quý I sẽ rất thấp, quý II vẫn tiếp tục thấp dù có sự cải thiện, GDP cả năm ở mức 5,5% do nền kinh tế mất đi hai động lực. Thứ nhất là xuất khẩu, năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và điều này đã có thể quan sát được từ quý IV năm ngoái. Thứ hai, các ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo hướng vào xuất khẩu cũng sẽ yếu đi trong năm nay.
Lý giải các chỉ số vĩ mô trong quý I và quý II sẽ tiêu cực, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng do yếu tố độ trễ của chính sách thắt chặt. “Những chỉ số tiêu cực hiện tại chính là phản ánh của đợt tăng lãi suất năm ngoái”, ông Trần Ngọc nói.
Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 0,5 – 1 điểm %, áp dụng kể từ ngày 15/3, Chính phủ cũng có nhiều giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, các giải pháp, chính sách này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng luôn có độ trễ. Dự báo, cuối quý II, đầu quý III, các chính sách mới bắt đầu thẩm thấu và hỗ trợ sự đi lên của nền kinh tế.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn