Theo TS. Tô Văn Trường, việc tăng giá điện bán lẻ trong thời gian tới là hợp lý và phải thực hiện sớm. Tuy nhiên tăng như thế nào phải có lộ trình và mức tăng cũng cần phải đảm bảo 3 mục tiêu chính.
Để hiểu rõ hơn về quy trình tăng giá bán lẻ điện trong bối cảnh mới sẽ ảnh hưởng ra sao tới các lĩnh vực sản xuất, và cần có lộ trình cụ thể như thế nào, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Tô Văn Trường – chuyên gia về Tài nguyên và Môi trường xung quanh nội dung này.
– Thưa ông, được biết tăng khung giá bán lẻ điện sẽ là cơ sở tăng giá bán lẻ điện trong thời gian tới, vậy liệu giá điện tăng có hợp lý trong bối cảnh kinh tế hiện nay?
Giá bán lẻ điện bình quân đã điều chỉnh tăng 10 lần trong giai đoạn năm 2009 – 2019, trong đó năm 2009 là 948,5 đồng và năm 2019 là 1.864 đồng. Trong 4 năm qua giá bán lẻ điện bình quân không tăng, trong khi giá nguyên liệu đầu vào (than, dầu, khí) của nhiệt điện (chiếm khoảng 30% công suất phát điện) lại tăng chóng mặt.
Theo quy luật thị trường, việc tăng giá điện là hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên giá điện thay đổi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhiều mặt của nền kinh tế cũng như an sinh xã hội. Do vậy, việc tăng giá điện bán lẻ trong thời gian tới là hợp lý và cần phải thực hiện sớm nhưng mức độ tăng như thế nào phải đảm bảo đa mục tiêu: đảm bảo phát triển an ninh năng lượng, phục vụ nhu cầu sản xuất phát triển kinh tế và an sinh xã hội. So sánh trong khu vực thì Việt Nam có mức giá bán điện bình quân thấp, chỉ bằng 51% so với Philippines – quốc gia có giá bán điện cao nhất (17,2 cent/kWh).
Việc sử dụng điện hay các dạng năng lượng nói chung đều tiềm ẩn các phát thải khí nhà kính hoặc các phát thải khác. Theo xu thế chung, giá năng lượng luôn có xu hướng tăng lên do nhiều lý do. Do đó Nhà nước cũng nên đưa ra lộ trình tăng giá điện một cách có kế hoạch để doanh nghiệp và người dân có những sự chuẩn bị cho việc đáp ứng với giá điện tăng. Tránh trường hợp vì lỗ mà phải tăng dẫn đến tăng sốc ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, lạm phát và sức khỏe của nền kinh tế nói chung.
– Nhiều ý kiến cho rằng khung giá điện bán lẻ được điều chỉnh tăng nhưng với năng lượng tái tạo (NLTT) thì lại đưa ra giá mua rất thấp với các dự án chuyển tiếp, khiến các nhà đầu tư ngao ngán. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Năm 2020-2021 nhờ cú bứt tốc ngoạn mục đối với năng lượng tái tạo đã góp phần đưa Việt Nam vào danh sách trong Top 5 quốc gia có tỷ lệ công suất điện năng lượng tái tạo lớn trên thế giới. Tuy nhiên, hạ tầng lưới điện của EVN không theo kịp tốc độ phát triển bùng nổ của các dự án điện mặt trời và điện gió dẫn xuất hiện nhiều điểm nghẽn truyền tải ảnh hưởng đến an ninh và an toàn hệ thống. Do vậy tôi cho rằng EVN cần phải cân đối hài hòa cơ cấu huy động các nguồn phát điện từ thị trường trên cơ sở tối ưu hóa giá thành mua điện đầu vào.
Trước đây, Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Nhưng cơ chế khuyến khích đã hết, các nhà đầu tư đến sau phải chấp nhận cơ chế thị trường để đàm phán giá bán điện cho EVN, phải chấp nhận thời gian hoàn vốn kéo dài so với giá của thời điểm ưu đãi khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo là xu hướng năng lượng của tương lai, theo tôi Bộ Công Thương và EVN cần xây dựng chính sách điều chỉnh giá mua điện của các dự án chuyển tiếp hàng năm theo tỷ lệ tăng của giá điện bán lẻ bình quân.
– Hiện nay, Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII) chưa được được ban hành và cũng chưa có chính sách mua điện mới, khiến lĩnh vực năng lượng tái tạo Việt Nam rơi vào trầm lắng. Theo ông, để tiếp tục phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách như thế nào?
Năng lượng tái tạo hiện đang trong giai đoạn hậu bùng nổ, giống như cơ thể sau khi ăn một bữa cơm rất no cần có thời gian nghỉ ngơi để tiêu hóa. Hệ thống truyền tải và điều tiết điện của EVN cần có thời gian để hấp thụ toàn bộ sự tăng trưởng nóng của năng lượng tái tạo trong thời gian qua.
Quy hoạch Điện VIII không chỉ dành riêng cho năng lượng tái tạo mà là quy hoạch phát triển nguồn, lưới và phát triển thị trường điện của Việt nam, tuy nhiên Quy hoạch Điện VIII nên xác định năng lượng tái tạo là hạt nhân, cần phải có đánh giá toàn diện khoa học, đặc biệt phải có lộ trình giảm sự lệ thuộc vào vốn và công nghệ của nước ngoài trong việc phát triển năng lượng tái tạo.
Năng lượng tái tạo cũng là loại hình năng lượng khá mới và có thể ẩn chứa những yếu tố phát thải chưa cảm nhận được hết về mức độ cũng như khả năng tái tuần hoàn. Tốc độ phát triển năng lượng tái tạo cần tương ứng với khả năng xử lý các tình huống không mong muốn xuất hiện trong quá trình phát triển bao gồm khả năng xử lý chất thải khi kết thúc vòng đời; khả năng lưu trữ, điều độ và truyền tải bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố bất định như thời tiết, sự biến động nhu cầu theo vùng, miền, độ ổn định của công nghệ sử dụng..
– Được biết dự kiến sắp tới sẽ cho thí điểm cơ chế DPPA với một số dự án để tận dụng nguồn năng xanh vào hệ thống, ông có ý kiến nào cần góp ý cho mô hình này, thưa ông?
Nên phát triển sớm mô hình này, bao gồm cả mô hình DPPA kết nối vật lý và không kết nối vật lý (PPA môi giới). Theo lộ trình thì EVN cần đưa thị trường bán lẻ cạnh tranh vào năm 2023. Tuy nhiên, hiện nay kết quả thực hiện rất chậm so với kế hoạch đầu ra. Mô hình DPPA sẽ thúc đẩy xã hội hóa và phát triển thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, EVN sẽ phải nhận được sự thách thức về co hẹp quy mô thị trường khi có nhiều nhà bán lẻ trực tiếp cạnh tranh với mình. Chính phủ cần lưu ý, với nguồn vốn rẻ và lợi thế công nghệ, các nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế so với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.
Cho nên tôi cho rằng, cơ chế luôn phải đi kèm với hạ tầng kỹ thuật và phương thức quản lý để thực hiện cơ chế đó. Việc điều độ, phân phối phụ tải theo cơ chế DPPA cũng còn nhiều phức tạp. Đôi khi muốn mà chưa thực hiện được.
– Xin cảm ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn