Wednesday, November 27, 2024

Sông băng trên dãy Himalaya đang tan chảy

Băng ở dãy Himalaya thực tế đang tan chảy nhanh hơn so với các ước tính thiếu sót trước đây.

Các ước tính trước đây đã bỏ sót 2,7 tỷ tấn băng tan chảy ở dãy Himalaya, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Geoscience. Khối lượng này tương đương với 570 triệu con voi, gấp hơn 1.000 lần tổng số voi đang sinh sống trên thế giới.

Dãy Himalaya, còn được gọi là cực thứ ba, là nơi có nhiều sông băng nhất ngoại trừ Bắc Cực và Nam Cực. Đây cũng là khởi nguồn của 10 con sông lớn ở châu Á và cung cấp nước cho gần 2 tỷ người.

Dãy núi này có hơn 5.000 hồ sông băng, vùng nước hình thành khi một sông băng làm xói mòn đất và sau đó tan chảy, nước lấp đầy chỗ lõm do sông băng tạo ra.

Sông băng trên dãy Himalaya đang tan chảy

Nghiên cứu mới cho thấy tốc độ tan băng ở dãy Himalaya nhanh hơn so với tính toán trước đây. Ảnh: Alamy.

Hồ sông băng có tốc độ rút lui, hiện tượng băng bị thu hẹp do nhiệt độ và môi trường, và mất khối lượng nhanh hơn sông băng thông thường. Trong khi đó, các tính toán trước đây về băng tan ở Himalaya chỉ dựa trên tốc độ mất khối lượng của sông băng thông thường.

Tobias Bolch, giáo sư tại Đại học Công nghệ Graz ở Áo và đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Nhiều nghiên cứu trước đây đánh giá sự thay đổi khối lượng của sông băng dựa trên dữ liệu quang học vệ tinh, chỉ có thể đo bề mặt của một vật thể chứ không đo được lớp dưới bề mặt”.

Với các hồ sông băng, vệ tinh đo sự dâng lên của mặt nước. Phép đo này vô tình bỏ qua một lượng lớn băng tan chảy vì các hồ sông băng liên tục mở rộng và mực nước dâng không hoàn toàn tương ứng với lượng băng tan.

Để bù đắp lại các thiếu sót tính toán này, nhóm Bolch đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để vẽ ranh giới của các hồ sông băng ở dãy Himalaya trong khoảng thời gian từ năm 1990-2020. Sau đó, họ đo độ sâu của 16 hồ bằng tàu không người lái.

Ước tính khoảng 2,7 tỷ tấn khối lượng băng tan chảy đã bị bỏ qua trong các ước tính trước đây. Hồ sông băng chỉ chiếm 10-15% tổng diện tích sông băng nhưng đã góp hơn 30% tổng khối lượng băng bị mất từ năm 2000-2015.

Bolch cho biết các kết quả tính toán lượng băng tan chảy thiếu sót trước đây đã được sử dụng để hiệu chỉnh các mô hình dự báo tương lai. Do đó, những mô hình dự báo cũng đánh giá thấp sự tan chảy băng và các sông băng sẽ tan chảy nhanh hơn dự báo.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img